Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

TRÌNH DIỄN TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG CỘNG ĐỒNG CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM LẦN THỨ I: GÌN GIỮ TRANG PHỤC GỐC


Sau gần một năm có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chương trình “Trình diễn các trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất” đã được Ủy ban Dân tộc triển khai bằng việc thành lập ban tổ chức, hội đồng tư vấn, ban hành các văn bản hướng dẫn. Đến nay,  còn gần một tháng đến thời điểm trình diễn, song tất cả các tỉnh, thành phố đã hoàn tất việc tuyển chọn.   

           Giàu tính văn hóa 

          Hoàn thành một khối lượng công việc lớn chỉ trong một thời gian ngắn chưa phải là “điểm sáng” đáng nói nhất của chương trình, mà là Ban tổ chức đã xác định mục đích, yêu cầu của chương trình một cách đúng đắn ngay từ ý tưởng. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Xuân Lương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: Chương trình trình diễn các trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức có thể xem là cuộc kiểm kê trang phục gốc, từ đó có hướng bảo tồn thích hợp. Vì vậy, ngay từ đầu, không ai nghĩ đến việc thi các trang phục mà chỉ là trình diễn.

      Thực ra, việc kiểm kê trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam có thể thực hiện bằng một đề tài khoa học. Song, một cuộc trình diễn đậm chất văn hóa có khả năng thu hút người trình diễn lẫn người xem, tạo ra cơ hội giao lưu giữa các dân tộc anh em sẽ hơn hẳn sự khô khan và khó phổ biến của một công trình nghiên cứu. Mặt khác, không có trang phục nào có giá trị văn hóa cao hơn trang phục nào, mà sự giàu có của văn hóa nằm ở tính đa dạng nên tổ chức trình diễn là phù hợp, thiết thực và tiết kiệm.

          Ông Chu Tuấn Thanh, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) đồng thời là Ủy viên thường trực Ban tổ chức cho biết thêm các yêu cầu đối với trình diễn đó là: Trang phục trình diễn phải là trang phục gốc không cách điệu, tập trung ở trang phục sinh hoạt và trang phục lễ hội; người dân tộc nào thì trình diễn trang phục dân tộc đó, không dùng người “đóng thế”; độ tuổi người trình diễn là từ 18 đến 40 tuổi, chiều cao tối thiểu là 1m60 (nam) và 1m50 (nữ); người trình diễn được quyền mang theo các đạo cụ nhỏ…

         Không chỉ có thuận lợi, chương trình trình diễn gặp khó khăn khách quan là việc xác định bộ trang phục gốc. Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn chia sẻ: Trong ngành âm nhạc còn đang tranh luận đâu là làn điệu gốc thì việc xác định chính xác đâu là trang phục gốc của từng dân tộc hoặc chi phái của một dân tộc là việc bất khả. Tuy nhiên, Hội đồng tư vấn sẽ xây dựng quy chế thẩm định cụ thể như: Mẫu trang phục nào được sử dụng lâu nhất, kiểu dáng phổ biến nhất, mẫu trang phục nào được đại đa số sử dụng nhất… thì được xem là trang phục gốc.

          Ông Hoàng Xuân Lương cung cấp thêm thông tin quan trọng: Chương trình trình diễn trang phục truyền thống sẽ góp phần thực hiện đề tài cấp Nhà nước để nghiên cứu, xác định lại thành phần các dân tộc Việt Nam dự kiến kéo dài trong 3 năm (2012-2015). Năm 1979, Tổng cục Thống kê công bố Việt Nam có 54 dân tộc anh em nhưng  thực tế thì có gần 20 chi phái trong các tộc người muốn  xác định lại tên dân tộc mình vì họ có trang phục và tiếng nói riêng.

          Nhà nước ra tay!

          Trang phục của các tộc người thiểu số không chỉ đơn thuần là che thân, bảo đảm sức khỏe mà con mang giá trị văn hóa. PGS Nguyễn Từ Chi - chuyên gia về người Mường đã phát hiện rằng: Trang phục phụ nữ Mường với ba phần: Áo, cạp váy và váy như mô hình hóa quan niệm vũ trụ “ba tầng, bốn thế giới” của người Mường. Cạp váy (giống như thắt lưng) đại diện cho tầng người sống nên được trang trí nhiều và các hoa văn cạp váy là nơi duy nhất còn lưu lại được dư ảnh của nghệ thuật Đông Sơn.

          Chính vì tầm quan trọng của trang phục trong việc phân biệt các tộc người, cung cấp các dữ liệu tin cậy để lý giải lịch sử và văn hóa tiền nông nghiệp cho nên việc gìn giữ trang phục truyền thống của các tộc người thiểu số là điều cấp thiết. Càng cấp bách hơn vì nguy cơ trang phục biến mất hoặc bị đồng hóa tự nhiên đã hiển hiện trước mắt. Đơn cử, hầu hết các chương trình ca múa nhạc đều sử dụng trang phục cách điệu, các trang phục dân tộc bày bán ở các điểm du lịch giờ đây đa số sản xuất theo lối công nghiệp, thêm vào đó là sự "đổ bộ" của trang phục kiểu Âu-Mỹ lên vùng đồng bào dân tộc sinh sống… Những điều trên sẽ khiến đồng bào quên đi cách sản xuất thủ công và không ưa mặc trang phục truyền thống. Vì xu hướng trên không thể đảo ngược nên không thể bảo tồn trang phục truyền thống theo kiểu vận động thuần túy mà chỉ còn trông chờ các hành động bảo tồn cụ thể từ Nhà nước.  
          Thời gian qua, việc lưu giữ các trang phục truyền thống ở các bảo tàng chuyên ngành và đặc biệt là sự ra đời của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ sự quyết tâm và hiệu quả của Nhà nước trong việc bảo tồn trang phục truyền thống, tuy nhiên chừng đó vẫn là chưa đủ.

           Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS-TS Đỗ Lai Thúy cho rằng: Cần phải nhân rộng mô hình “bảo tàng sống” trên toàn quốc, nghĩa là những nơi nào có đông một tộc người sinh sống thì chọn lấy một bản để bà con sinh hoạt, ăn mặc như ngàn đời nay. Ông Hoàng Xuân Lương đưa ra một sáng kiến: Nếu có thể dùng biện pháp hành chính yêu cầu các cán bộ người dân tộc thiểu số khi làm việc hoặc hội họp nên mặc trang phục truyền thống để làm mẫu cho đồng bào noi theo. Hai ý kiến trên nếu đưa vào thực hiện thì cần có kinh phí và các văn bản pháp quy, tất cả phải chờ Nhà nước ra tay!

 (BOX):
        Sau các cuộc tuyển chọn ở cơ sở, 255 thí sinh gồm đầy đủ 54 dân tộc đến từ 63 tỉnh, thành phố sẽ trình diễn các trang phục truyền thống tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) vào 20 giờ ngày 28-11. Cuộc trình diễn sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 và VTV5 của Đài Truyền hình Việt Nam. 

HÀM ĐAN