Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

BẾ MẠC SEA GAMES 26: VƯƠN TỚI NHỮNG ĐẤU TRƯỜNG LỚN HƠN


       Sau những ngày tranh tài sôi nổi, tối 22-11, trên SVĐ Sriwijaya (TP Pa-lem-bang, In-đô-nê-xi-a), SEA Games 26 đã chính thức khép lại với Lễ bế mạc ngắn gọn nhưng hoành tráng và đậm đà bản sắc văn hóa của nước chủ nhà. Đối với đoàn thể thao Việt Nam, đây là một kỳ SEA Games nỗ lực vượt khó, tạo đà cho tương lai.

Màn trình diễn đậm đà bản sắc văn hóa

       Điều tốt đẹp nhất còn lại với những người khách phương xa đến dự SEA Games 26 chính là lòng mến khách, thân thiện của những người dân xứ Vạn đảo. Với những người không có điều kiện trực tiếp theo dõi SEA Games từ các sân vận động hay nhà thi đấu để có cái nhìn toàn diện về Đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á, thì ấn tượng mạnh nhất của SEA Games 26 vẫn là từ Lễ khai mạc và Lễ bế mạc.

Nếu Lễ khai mạc được xem là hoành tráng nhất trong tất cả các kỳ SEA Games từ trước đến nay, thì Lễ bế mạc cũng không hề thua kém về quy mô và phần nào còn đa dạng hơn, giàu tính nghệ thuật hơn, xuất phát từ ý tưởng của Tổng đạo diễn In-đra Út-hi-ti-ra.

       Xuyên suốt Lễ bế mạc là màn ca vũ đạo mang chủ đề “Hòa hợp trong chiến thắng” với sự kết hợp ánh sáng la-de theo hình thù các họa tiết hội họa truyền thống In-đô-nê-xi-a cùng với các điệu múa của vùng Đông Nam Á hải đảo do hơn 1000 vũ công biểu diễn. Sau đó, gần 6000 vận động viên (VĐV) đã tranh tài tại 44 môn thi đấu của SEA Games 26 tay trong tay cùng đi quanh sân vận động để cảm ơn những cổ động viên đã cổ vũ nhiệt thành suốt những ngày tranh tài nảy lửa.

Thay mặt nước chủ nhà, Phó tổng thống In-đô-nê-xi-a Bu-đi-ô-nô cảm ơn các VĐV đã thi đấu hết mình, thể hiện tinh thần thể thao cao thượng; đồng thời cảm ơn những tình nguyện viên cho đến những tài xế tắc-xi của In-đô-nê-xi-a đã làm tất cả để quảng bá sâu rộng hình ảnh tốt đẹp của đất nước và con người xứ Vạn đảo. Ông nhấn mạnh ý nghĩa của SEA Games 26 là dịp để đất nước In-đô-nê-xi-a thể hiện tình đoàn kết cùng với người dân Đông Nam Á và cũng là dịp Đông Nam Á chứng minh rõ rệt nội lực phát triển thông qua thể thao với bạn bè thế giới.

Ngay sau đó, lá cờ truyền thống SEA Games đã được trao cho ông Tin San (Bộ trưởng Thể thao Mi-an-ma)-đại diện Ban tổ chức SEA Games 27 tại TP Naypyidaw (Thủ đô mới của Mi-an-ma) vào tháng 12-2013. Chào mừng sự kiện lần thứ 3 đất nước Mi-an-ma trở thành chủ nhà của ngày hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á, nước chủ nhà SEA Games 27 đã trình diễn một màn văn nghệ đặc sắc, kết hợp với các điệu vũ và dân ca truyền thống. 

Nghi thức cuối cùng là các VĐV nước chủ nhà gửi lời chúc may mắn để tiễn các VĐV trở về quê nhà và nhìn lại những hình ảnh không thể nào quên ở kỳ SEA Games 26, cùng lúc ngọn lửa SEA Games 26 dần tắt, chính thức khép lại hơn 10 ngày tranh tài. 

Kết thúc màn văn nghệ của nước chủ nhà, nhiều ca sĩ nổi tiếng xứ Vạn đảo là A.Mô-ni-ca, G.Ni-đi, D.Crít-xti-a-nô… đã trình diễn nhiều ca khúc nhạc nhẹ sôi động; trong đó có ca khúc “Cùng nhau chúng ta tỏa sáng”-một sáng tác của đương kim Tổng thống In-đô-nê-xi-a Xu-xi-lô Bam-bang Y-u-đô-y-ô-nô.

Đoàn thể thao Việt Nam: Nỗ lực vượt khó

Lường trước những khó khăn khi BTC SEA Games 26 cắt giảm nhiều nội dung thế mạnh cũng như đưa nhiều môn mới vào nội dung thi đấu, Đoàn thể thao Việt Nam chỉ đưa ra mục tiêu giành khoảng 70 HCV. Nhưng với nỗ lực thi đấu tuyệt vời của các VĐV, Đoàn thể thao Việt Nam đã xuất sắc giành tới 96 HCV, giành vị trí thứ 3 chung cuộc, sau nước chủ nhà và Thái Lan. Thậm chí, đã có những thời điểm, Việt Nam vươn lên dẫn trước Thái Lan để trụ ở vị trí thứ hai.

Việc vượt chỉ tiêu HCV chưa phải là điều đáng nói nhất, nếu nhìn vào bảng vàng của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 26, mừng cho thể thao Việt Nam là nhiều bộ môn đoạt vàng có mặt trong chương trình thi đấu tại ASIAD và Olympic. Điều đó có nghĩa là cơ hội vươn ra các đấu trường thể thao lớn hơn SEA Games của Việt Nam là điều có thể trở thành hiện thực trong nay mai.

Mặt khác, một số “mỏ vàng” ở SEA Games 26 (và cả nhiều SEA Games trước) như: Thể dục dụng cụ, bắn súng... là những môn thể thao phù hợp với thể chất con người Việt Nam hiện nay. Với những môn đòi hỏi thể chất tốt như các môn võ, điền kinh, dẫu ở đấu trường SEA Games chúng ta vẫn thuộc hàng đầu nhưng nếu chỉ ở đấu trường ASIAD thì vẫn chưa thể ganh đua được với đoàn thể thao các nước bạn. Chính vì vậy, thành tích tại SEA Games 26 sẽ là cơ hội để ngành Thể dục-Thể thao nhận biết để đầu tư mạnh mẽ vào các nội dung trọng điểm một cách chuyên nghiệp. Sự đầu tư trọng điểm còn phải tập trung cụ thể vào các cá nhân xuất sắc (kể cả ở những môn thể thao không phải là thế mạnh), như đã từng đầu tư cho VĐV Nguyễn Tiến Minh ở môn cầu lông. Rất nhiều VĐV đã tỏa sáng ở SEA Games 26 một cách bất ngờ như: Dương Văn Thái, Dương Thị Việt Anh (điền kinh), Thanh Phúc (đi bộ), Hoàng Quý Phước (bơi), Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ)... cần phải đầu tư riết róng mới giúp thành tích thi đấu của những “sao mai” ngày một thăng hoa. 

Không sớm thì muộn, thể thao Việt Nam cần xóa bỏ tư duy đầu tư dàn trải, để khẳng định màu cờ sắc áo ở đấu trường thể thao lớn hơn SEA Games. Không nên lặp đi, lặp lại một nghịch cảnh: Ở các kỳ SEA Games, những quốc gia như Ma-lai-xi-a hay Xin-ga-po luôn thua Việt Nam… vài chục HCV nhưng đến ASIAD và Olympic, các đoàn thể thao này lại luôn có vị trí tốt hơn nhiều so với chúng ta.  

Bảng tổng sắp huy chương SEA Games 26

STT
Đoàn
HCV
HCB
HCĐ
Tổng
1
In-đô-nê-xi-a
182
151
143
476
2
Thái Lan
109
100
120
329
3
Việt Nam
96
92
100
288
4
Ma-lai-xi-a
59
50
81
190
5
Xin-ga-po
42
45
73
160
6
Phi-líp-pin
36
56
77
169
7
Mi-an-ma
16
27
37
80
8
Lào
9
12
36
57
9
Cam-pu-chia
4
11
24
39
10
Đông Ti-mo
1
1
6
8
11
Bru-nây
0
4
7
11

HÀM ĐAN