Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

CÙNG BÀN LUẬN (VIII): XÂY DỰNG QUY CHẾ CHẨN ĐOÁN VÀ CHỮA BỆNH TỪ XA

Trong phiên họp thứ 6 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn cho biết: Phấn đấu đến 2015, việc giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện sẽ có bước tiến rõ nét. Trong khi chờ lời hứa từ Bộ Y tế trở thành sự thực, một hy vọng góp phần làm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên được mở ra khi Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chính thức vận hành hệ thống chẩn đoán và chữa bệnh từ xa.

Hệ thống chẩn đoán và chữa bệnh từ xa được triển khai dựa trên thiết bị MCU (thiết bị hỗ trợ điều khiển hội nghị truyền hình đa điểm) và sử dụng đường truyền MegaWan của mạng MetroNet TP Hồ Chí Minh. Hiện tại, hệ thống này được lắp đặt tại 3 bệnh viện tuyến hỗ trợ gồm: Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình. Các bệnh viện này sẽ hỗ trợ chuyên môn cho các tuyến cơ sở gồm: Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai, Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang, Bệnh viện đa khoa Kiên Giang.

Trước đây, ở nhiều bệnh viện tuyến trên mới chỉ có hình thức chẩn đoán bệnh từ xa thông qua điện thoại nhưng hiệu quả không cao. Nay, thông qua hệ thống, các bác sĩ tuyến trên có thể xem trực tiếp hình ảnh của bệnh nhân để tư vấn, đưa ra hướng giải quyết chính xác. Điển hình cho hiệu quả hệ thống là Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã giúp Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu cứu sống một ca mắc bệnh tay chân miệng độ 4 không kịp chuyển lên bệnh viện tuyến trên.

Không chỉ giúp các bác sĩ tuyến cơ sở yêu cầu được tư vấn, hỗ trợ khi gặp bất cứ ca bệnh khó, vượt quá khả năng chuyên môn mà hệ thống cũng có thể sử dụng trong huấn luyện, đào tạo theo định kỳ hoặc đột xuất cho các đơn vị tuyến dưới để phục vụ tốt hơn bệnh nhân ở cơ sở. Qua đó, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên tại TP Hồ Chí Minh khi mà hiện tại khoảng 30 đến 50% bệnh nhân điều trị nội trú là từ tỉnh khác chuyển lên.

Trong thời gian tới, hệ thống sẽ tiếp tục hoàn chỉnh và mở rộng, có thể nâng số bệnh viện hỗ trợ lên 11 và số tuyến nhận hỗ trợ lên 100 tuyến. Lợi ích hệ thống chẩn đoán và chữa bệnh từ xa đã rõ và có thể nhân rộng cả nước; tuy nhiên các cơ quan chức năng vẫn chưa xây dựng được cơ sở pháp lý quy định quyền lợi cũng như trách nhiệm của các bên liên quan. Người bệnh với những đặc tính sinh học vốn thay đổi nên khó đảm bảo tất cả các ca chẩn đoán, chữa bênh từ xa đều thành công mỹ mãn. Một ca mổ ở tuyến dưới, các bác sĩ ở tuyến trên nhìn qua màn hình chỉ đạo, nếu chuyện không may xảy ra thì trách nhiệm thuộc về ai? Vậy nên, song song với mở rộng hệ thống, các bên liên quan cần sớm xây dựng quy chế để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm vận hành hệ thống hiệu quả nhất. 

HÀM ĐAN