Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

GIẢI MÃ "SÁT THỦ PHÒNG VÉ"

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, phim hoạt hình luôn có những đại diện lọt vào danh sách những phim ăn khách nhất. Đặc biệt như năm 2010, phim Toy Story 3 (Câu chuyện đồ chơi 3) đứng thứ nhất với doanh thu hơn 1,06 tỷ USD. Cho nên, danh xưng “sát thủ phòng vé” mà người ta hay dành gọi phim hoạt hình hẳn không quá lời. Nhưng nguyên nhân nào dẫn đến sự thành công của những “sát thủ” làm vơi ví tiền người xem toàn cầu?

Không chỉ dành cho trẻ con

Nhiều bộ phim hoạt hình được sản xuất từ năm 2000 trở lại đây như Shrek (2001), Finding Nemo (Đi tìm Nemo, 2003), Up (Vút bay, 2009)... thu hút người xem từ 5 tuổi cho đến... 70 tuổi, và điều lạ lùng là mỗi lứa tuổi đều thu được lợi ích khi xem những bộ phim hoạt hình “bom tấn”.

Phim hoạt hình ngày nay đã thoát khỏi cái bóng quá lớn của các bộ phim gây dựng được những hình tượng hoạt hình dành cho trẻ nhi đồng như: Vịt Donal, chuột Mickey, chú chó Snoopy... và những bộ phim dựa trên các truyện cổ như: Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Người đẹp và quái thú... Những bộ phim kể trên có hình ảnh vui mắt không có nhiều ý nghĩa, cái hài gây cười trong giây lát nên khán giả quên rất nhanh. Phim hoạt hình cách đây hơn 30 năm đã định hình một quan niệm phim hoạt hình chỉ phù hợp với trẻ nhỏ. Quan niệm trên chỉ thực sự sụp đổ khi loạt phim hoạt hình truyền hình The Simpsons (Gia đình Simpson) được phát sóng năm 1989. Mỗi tập phim đều theo sát các vấn đề cuộc sống từ việc ăn chay, kiện tụng, thể thao cho đến bầu cử tổng thống... cho nên mỗi tập phim gần giống như một chương trình thời sự tiêu điểm, hệ quả là ngay lập tức thu hút sự quan tâm của những người trưởng thành chứ không riêng trẻ em.

Đặc sắc trong bất cứ phim hoạt hình nào cũng là tiếng cười, nhưng với Gia đình Simpson đằng sau tiếng cười vui vẻ là những giây phút kết tinh tính nhân văn sâu sắc; ví như trong tập phim Tôi cưới Marge kể về Homer hồi trẻ thất nghiệp phải bỏ Marge đang mang thai. Cuối cùng, Homer cũng tìm được việc làm và lo cho cả gia đình. Người ta cười vì anh chàng Homer vụng về trong việc tổ chức cuộc sống nhưng sự yêu thương để vượt qua khó khăn trong cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ nghèo khiến người xem cảm động.

Ngoài việc kế thừa những thành tựu mà Gia đình Simpson đã đi tiên phong, với trí tưởng tượng tuyệt vời, những nhà kịch bản của phim hoạt hình hôm nay còn sáng tạo những kịch bản độc đáo. Phim hoạt hình có thể sử dụng với các nhân vật siêu anh hùng, quái vật không gian... y như các phim khoa học viễn tưởng hay phim hành động mà người lớn vẫn thường xem. Sự kết hợp này đã xóa nhòa ranh giới các thể loại và qua đó thu hút lượng người xem khổng lồ.

Trau chuốt từng chi tiết

Có một kịch bản tốt mới chỉ là điểm khởi đầu, việc chuyển tải kịch bản thành phim là một công đoạn dài và cũng lắm công phu. Nếu Gia đình Simpson cách đây hơn 20 năm thường vẽ bằng tay với công nghệ 2D thì các bộ phim hoạt hình gần đây đều sử dụng công nghệ 3D và 3-D dựa vào các thiết bị chuyên dụng công nghệ cao tiên tiến nhất thế giới. Phim 3D là phim hoạt hình có các hình khối được dựng thành khối ba chiều vẫn nằm trong không gian 2D của màn hình như các phim của Hãng Pixar. Phim 3-D là phim mà các hình khối vượt ra khỏi giới hạn của màn hình 2D nhờ vào hỗ trợ của mắt kính, khiến cho người xem cảm giác như các hình khối trong phim nằm ngay trước mặt mình. Phim hoạt hình không gian ba chiều thực sự tạo ra khoái cảm thị giác cho người xem như những cảnh tuyệt đẹp của Thác Thiên Đường trong phim Vút bay.

Sức mạnh của công nghệ rõ ràng đã làm tăng tính hấp dẫn của hoạt hình; song sẽ là sai lầm nếu nói công nghệ là tất cả để làm nên danh xưng “sát thủ phòng vé”. Bởi lẽ, công nghệ hình ảnh ba chiều bị lạm dụng cũng sẽ dẫn đến sự lặp lại nhàm chán như trong phim thể nào cũng có cảnh đồ vật bay về phía ống kính nhằm làm khán giả vừa thích vừa sợ vì tưởng đồ vật sắp va vào... mặt.

Bí kíp để làm nên bộ phim hoạt hình ăn khách không gì khác là sự trau chuốt từng chi tiết, kể cả những chi tiết tưởng chừng vô tích sự. Nghệ thuật hư cấu, đặc biệt với phim hoạt hình không có diễn viên đóng diễn việc tạo ra sự tự nhiên y như thật. Dĩ nhiên điều sơ đẳng trên phải mất thời gian khá dài xuất phát từ thay đổi tư duy về phim hoạt hình. Hiệu quả thì chỉ cần lấy một ví dụ gần đây, trong phim Vút bay, tình yêu của Carl và Ellie kéo dài 60 năm chỉ chấm dứt khi Ellie qua đời được diễn đạt không một lời thoại “có cánh” nào mà chỉ có cuộc sống thường nhật của đôi vợ chồng đi kèm với bản nhạc nền của M. Giacchino, khiến khá nhiều ông bố dẫn con đi xem phim... khóc. Tất cả chỉ diễn ra trong 10 phút mà nhiều nhà phê bình điện ảnh phải thốt lên: “10 phút thiên tài”.

Một bộ phim hoạt hình cần dễ hiểu mà không dễ dãi, đầy ắp tiếng cười mà vẫn sâu lắng đòi hỏi phải sáng tạo mọi thủ pháp nghệ thuật có thể để đạt hiệu quả tối đa. Nhân vật “quần chúng” sóc Scrat không hề liên quan gì đến các tình tiết trong 3 tập phim Ice Age (Kỷ băng hà) nhưng những tình huống người xem mong chờ nhất vẫn là xem Scrat chôn hạt dẻ. Thêm nữa, trong phim Shrek 2, nhạc phim hành động Mission Impossible 2 (Nhiệm vụ bất khả thi 2) được lồng vào cảnh các nhân vật hoạt hình... vượt ngục tạo ra sự liên tưởng bất ngờ, vô cùng thú vị. Ngay cả đến phần kết sau phim (end credit) cũng tìm cách sáng tạo ra những hình ảnh và các đoạn phim ngắn để giúp tăng hiệu quả tổng thể của bộ phim...

Trên đây, mới chỉ sơ lược những thủ pháp sáng tạo của các nhà sản xuất phim hoạt hình của thời đại hôm nay, thành công của các bộ phim hoạt hình minh chứng cho một thực tế: Không cần những cảnh sex nóng bỏng, bạo lực, hài hước rẻ tiền; phim vẫn hay nếu biết kết hợp giữa trí tưởng tượng của con người cộng với hiệu quả công nghệ tiên tiến.

HÀM ĐAN