Thứ Tư, 19 tháng 1, 2011

VĂN HỌC VIỆT ĐẦU NĂM 2011: "MỞ HÀNG" ẤN TƯỢNG


Kết thúc năm 2010 lại thêm một năm văn học Việt Nam kéo dài của tình trạng “mất mùa” như các năm trước với hai biểu hiện chính là không có tác phẩm bán chạy (best-seller) cũng như không có tác phẩm có giá trị văn chương mang tính đột phá. Song thật bất ngờ, ngay trong tháng đầu tiên của năm mới 2011, hàng loạt cuốn sách văn học có giá trị được xuất bản tạo được sự chú ý của dư luận; đặc biệt hơn, ngoài các tác phẩm hư cấu (fiction), còn xuất hiện các sách phi hư cấu (non-fiction).

Các nhà phê bình lên tiếng

Lâu nay, người ta hay than phiền nào là phê bình không chuyên nghiệp, hoặc như không có các công trình chuyên sâu. Thực ra, những lời phê phán ấy chưa hẳn chính xác. Ngoài số đông những người viết phê bình văn học nghiệp dư trên báo chí với những lời phê bình cảm tính làm nhiễu loạn cách thẩm định tác phẩm thì vẫn còn có một vài nhà phê bình văn học học thuật âm thầm làm việc một cách nghiêm túc, dằn lòng chờ ngày trình làng “đứa con” cứng cáp. Đầu năm 2011, PGS-TS, nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy trình làng cuốn chuyên luận Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy (NXB Hội nhà văn và Nhã Nam) song song với việc tái bản chuyên luận Hồ Xuân Hương-hoài niệm phồn thực (NXB Văn học và Song Thuy Bookstore) sau 11 năm ra mắt. Nếu cuốn sách tái bản đã được giới chuyên môn đánh giá là cuốn chuyên luận công phu về lí giải đích đáng tính dâm tục trong thơ Hồ Xuân Hương dưới cái nhìn từ tín ngưỡng phồn thực và khái niệm “vô thức tập thể” của nhà phân tâm học người Thụy Sĩ C.G. Jung (1875-1961); thì cuốn sách Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy lại là một công trình đầu tiên xâu chuỗi lịch sử tư tưởng phê bình Việt Nam từ khi hình thành đến nay đi kèm với đó là những dẫn nhập ngắn về các lý thuyết phê bình văn học đã hiện diện ở Việt Nam cùng với các gương mặt nhà phê bình văn học Việt tiêu biểu.

Một nhà phê bình kì cựu khác là GS-TS Đỗ Văn Khang cũng mới xuất bản cuốn sách Bình văn hiện đại (NXB Lao động). GS-TS Đỗ Văn Khang nổi lên từ thời kỳ Đổi mới văn học những năm 1980 với các bài luận chiến văn chương mạnh mẽ. Đúng như nhan đề cuốn sách, các bài viết trong tập sách chủ yếu là những bài bình văn, hoặc tranh luận của cá nhân tác giả thiên về những cảm xúc văn chương. Dẫu chỉ là cuốn sách tuyển các bài viết lẻ đã đăng rải rác trên các báo trong suốt mấy chục năm qua chứ không phải là một chuyên luận nghiên cứu có tính hệ thống nhưng cuốn sách cũng hàm chứa ít nhiều tính khoa học khi tác giả đã có chủ ý sử dụng lý thuyết phê bình văn học trong từng trường hợp cụ thể.

Hai cuốn sách phê bình văn học của hai nhà phê bình tên tuổi một lần nữa minh chứng cho sự tồn tại âm thầm nhưng có vị trí quan trọng của phê bình học thuật so với phê bình báo chí và qua đó khẳng định phê bình văn học cần phải có nền tảng khách quan khoa học mới mong tiệm cận và lí giải thấu đáo, thuyết phục các tác phẩm có giá trị.

Xuất hiện “cú sốc” tác phẩm

Ngay từ đầu năm, tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn (NXB Hội nhà văn và Nhã Nam) của cố thi sĩ Trần Dần (1926-1997) đã được các nhà phê bình văn học xem như “cú sốc” văn học đầu tiên của năm 2011. Sở dĩ nói vậy bởi lẽ cuốn tiểu thuyết có những cách tân nghệ thuật tiểu thuyết ở các phương diện ngôn ngữ, cấu trúc, giọng kể, điểm nhìn… từ một cốt truyện trinh thám hấp dẫn dành cho đại chúng. Mặt khác, cần đặt cuốn tiểu thuyết này vào hiện trạng tiểu thuyết không phải là thế mạnh của văn học Việt Nam, và tác giả lại là nhà thơ, đặc biệt hơn khi cuốn tiểu thuyết được viết cách đây gần 50 năm mới thấy hết giá trị của cuốn tiểu thuyết.

Trong những nhà văn chuyên nghiệp có tên tuổi khác cũng cũng xuất bản các tập truyện ngắn đó là Ngô Phan Lưu với Con lươn chép miệng (NXB Văn học và Nhã Nam), Bùi Ngọc Tấn với Người chăn kiến (NXB Hội nhà văn và Nhã Nam)... cũng đang được bạn đọc đánh giá cao và lọt vào danh sách các tác phẩm bán chạy. Dịch giả Trịnh Y Thư-người nổi tiếng với bản dịch Đời nhẹ khôn kham của Milan Kundera và Căn phòng riêng của Virginia Woolf (1882-1941) cũng lần đầu tiên xuất bản một tập truyện sáng tác là tập truyện ngắn Người đàn bà khác (NXB Thế giới và Song Thuy Bookstore) cũng được ghi nhận như một nỗ lực cách tân truyện ngắn bằng lối viết văn phân tích mới lạ so các kỹ thuật viết truyện ngắn quen thuộc trước đây.

Tiếp bước thành công của tác phẩm ăn khách Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, nhà văn của tuổi mới lớn Nguyễn Nhật Ánh lại xuất bản tiếp cuốn sách Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (NXB Trẻ). Dưới hình thức một nhật kí, cuốn sách đã phản ánh một cách sinh động và vô cùng hấp dẫn các câu chuyện chỉ riêng có ở tuổi thần tiên. Hơn 15.000 bản in được tiêu thụ là minh chứng rõ nhất cho một hiện tượng best-seller đầu tiên của năm 2011.

Đầu năm 2011, cũng là năm mà văn học trẻ trở lại rầm rộ sau một thời gian vắng bóng với Yêu bằng tai của Nguyên Hương (NXB Trẻ), Hoàng tử và em (NXb Trẻ) của Meggie Phạm, Dựa vào vai em và khóc đi anh (NXB Hội nhà văn) của Hà Thanh Phúc, Em là để yêu (NXB Thời đại) của Phan Ý Yên, Nói là anh nhớ em đi (NXB Hội nhà văn) của Phan Anh… Xuất hiện nhiều như vậy song văn học trẻ vẫn chưa thoát khỏi sự dễ dãi của văn chương học trò để dấn thân vào những khám phá nghệ thuật nhằm phản ánh có chiều sâu tâm lý con người. Đây chính là lý giải vì sao văn học trẻ Việt Nam chưa có những tác phẩm lớn kiểu như Buồn ơi, chào nhé như của nữ nhà văn Pháp F. Sagan (1935-2004). Dĩ nhiên, với lối viết trên nó cũng phần nào đáp ứng nhu cầu đọc của một bộ phận giới trẻ đọc sách để giải trí ở thời đại hôm nay.

Điểm qua các cuốn sách “mở hàng” có chất lượng nghệ thuật và cũng là những best-seller xuất bản trong tháng đầu tiên của năm 2011 có thể kì vọng đây là năm bội thu tác phẩm văn học chứ không phải chỉ có những sự kiện văn học xôm trò. Còn 11 tháng nữa mới hết năm 2011, sẽ hàng trăm cuốn sách văn học Việt nữa ra đời, hy vọng trong số đó sẽ có thêm nhiều tác phẩm hay được xuất bản, chỉ có tác phẩm hay mới nâng tầm văn học Việt; qua đó, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc phát triển ngày một sâu rộng.

HÀM ĐAN