Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

VỤ SCANDAL MUA BÁN PHIẾU BẦU ĐĂNG CAI WORLD CUP: CHỜ DIỄN BIẾN MỚI

Ngày 17-10 vừa qua, làng túc cầu thế giới bị rúng động khi tờ The Sunday Times (Anh Quốc) tung ra một đoạn băng ghi lại cảnh hai Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) là ông Amos Adamu (người Nigeria, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Tây Phi) và ông Reynald Temarii (người Tahiti, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Đại Dương) rao bán phiếu bầu trong cuộc chạy đua xin đăng cai World Cup 2018.

Nhà báo của tờ The Sunday Times đã đóng giả người đi vận động hành lang cho nước Mỹ đăng cai World Cup để ghi âm và quay phim cuộc trao đổi “thân mật”. Theo như cuộn băng công bố, ông Amos Adamu đã mặc cả khoản tiền 500.000 bảng để xây 4 sân cỏ nhân tạo ở Nigeria, nhưng lại đòi “tiền tươi” bằng hình thức trao tay. Với ông Reynald Temarii, ông này muốn quốc gia nhận lá phiếu của ông phải chi 1,5 triệu bảng cho một học viện bóng đá mà ông chỉ định. Temarrri còn nói rằng có hai quốc gia khác hứa sẽ ủng hộ cho Liên đoàn bóng đá châu Đại Dương 6 triệu và 7,5 triệu bảng để đổi lấy lá phiếu của ông.

Với những bằng chứng rõ như ban ngày, hôm 20-10, FIFA đã buộc phải ra quyết định đình chỉ mọi hoạt động liên quan đến bóng đá của hai ủy viên ban chấp hành và tạm thời cấm tham gia mọi hoạt động liên quan đến bóng đá của 4 quan chức cấp cao khác, đều là các cựu thành viên các Ủy ban thuộc FIFA, đó là: Slim Aloulou (người Tunisia), Ismael Bhamjee (người Botswana), Ahongalu Fusimalohi (người Tonga) và Amadou Diakite (người Mali). Nếu bị buộc tội thì hình phạt tối cao giành cho 6 người là “cấm vĩnh viễn tham gia bất kỳ hoạt động nào liên quan đến bóng đá”.

Vụ scandal này không chỉ vi phạm nghiêm trọng luật lệ, nguyên tắc của FIFA mà đặc biệt hơn thời điểm vụ việc xảy ra quá nhạy cảm bởi vào ngày 2-12 tới đây, các thành viên của Ủy ban điều hành FIFA sẽ bỏ phiếu kín để chọn ra nước chủ nhà của World Cup 2018 trong số 4 ứng cử viên là Anh, Nga, liên minh Bồ Đào Nha – Tây Ban Nha và liên minh Bỉ – Hà Lan.

Sự việc ngày càng phức tạp khi cựu Tổng thư ký FIFA Michel Zen-Ruffinen còn tuyên bố “lấp lửng” với báo giới hôm 24-10 rằng: ông biết danh tính một quan chức cỡ bự trong FIFA tham gia các trò “làm tiền”. Nên nhớ, cách đây 8 năm, chính Zen-Ruffinen đã làm một bản báo cáo dài 30 trang để đã tố cáo Chủ tịch FIFA J. S. Blatter và “bộ sậu” lạm quyền, tham nhũng. Nhưng kết quả là Blatter tiếp tục tại vị, còn Zen-Ruffinen về hưu non. Trước khi vụ scandal phiếu bầu xảy ra, đã có vài vụ lạm quyền tại FIFA khi các thành viên người châu Phi (tình cờ là 5 trong số 6 người mới bị đình chỉ cũng là… người châu Phi) của FIFA bán vé xem World Cup ra “chợ đen”. Sau đó, đã có tin đồn việc phiếu bầu đăng cai World Cup bị mua bán; nhưng vì không có bằng chứng nên tin đồn vẫn chỉ là tin đồn.

Ai cũng biết tầm quan trọng của việc đăng cai một kì Worrld Cup 4 năm mới có một lần. Ngoài cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước và phát triển thể thao thì nếu biết cách tổ chức khoa học, hợp lý nước chủ nhà có thể thu bộn tiền nhờ World Cup. Vì vậy, khả năng “đi đêm” của các ứng cử viên đăg cai với các quan chức FIFA hoàn toàn có thể xảy ra.

Hiện tại, vụ scandal phiếu bầu vẫn đang ở quá trình điều tra để làm sáng tỏ sự thật: Có nước nào và thành viên FIFA nào đã “đi đêm” với nhau? Chắc chắn sau vụ việc này, phái cấp tiến trong FIFA sẽ có dịp để kêu gọi cải tổ FIFA và hệ quả là ngài Blatter có tiếng là bảo thủ nhiều khả năng sẽ “về vườn”. Dù kết quả cuối cùng và hệ quả của scandal có như thế nào thì uy tín của FIFA-một đế chế thể thao đã bị sứt mẻ và thật khó để lấy lại hình ảnh một tổ chức đi đầu trong việc “hàn gắn thế giới”.

HÀM ĐAN