Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

GIAN NAN PHÁT TRIỂN PHIM TÀI LIỆU

Điểm son gần đây của điện ảnh Việt là sự trỗi dậy của phim truyện nhựa giải trí. Chính những bộ phim như Khi yêu đừng quay đầu lại, Để mai tính, Cánh đồng bất tận... đang là “đầu tàu” kéo điện ảnh Việt phát triển biểu hiện ở doanh thu tăng chóng mặt; đồng thời là những bước tiến chuyên nghiệp trong quy trình sản xuất.
Trong lúc đang say sưa với thời kỳ phục hưng của điện ảnh Việt, dư luận đã quên mất sự hiện diện của một “người hùng thầm lặng” đó là phim tài liệu. Ví phim tài liệu là “người hùng” bởi lẽ chính phim tài liệu là thể loại phim giành nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế nhất, đặc biệt là giai đoạn từ Đổi Mới đến nay. “Công” thì lớn nhưng chưa bao giờ phim tài liệu lại có thể đường hoàng “sống” nhờ tiền bán vé; đã vậy dù phim có hay đến mấy mà không đoạt giải thưởng nào đó thì ít khi được dư luận chú ý.

Nghịch lý này xuất phát từ sự thờ ơ của khán giả với phim tài liệu. Nếu ở nước ngoài, những bộ phim tài liệu có chất lượng đều ra rạp và có lãi nhờ bán vé, dĩ nhiên lãi chỉ “cò con” không thể nào bằng các phim “bom tấn”; nhưng việc phim tài liệu có khán giả ở rạp, chứng tỏ khán giả nước ngoài không có sự phân biệt các thể loại phim. Ở nước ta thì khác, đa phần khán giả đều cho rằng tất cả những gì được gọi là điện ảnh đều nằm tất ở phim truyện nhựa hoặc phim truyền hình, còn phim tài liệu thì được đánh giá là có cũng được mà không thì cũng chẳng sao. Số ít những người muốn xem phim tài liệu thì cũng không biết có phim tài liệu nào mới, và nếu muốn xem phim cũ cũng chỉ có thể chờ bộ phim đó được chiếu trên truyền hình. Sự lạnh nhạt của số đông khán giả đã khiến hệ thống nhập phim chưa mặn mà với phim tài liệu. Điều này cũng dễ hiểu vì bản thân các bộ phim truyện hay của Hollywood nhiều khi cũng ế chỏng vó như trường hợp phim No country for old men (Không có chỗ cho người già) “chìm nghỉm” ở các rạp Việt Nam trước khi “hot” trở lại với việc giành 4 giải Oscar 2008.

Việc làm cốt yếu mà nhiều người lên tiếng ủng hộ đó là đưa phim tài liệu tới gần khán giả. Ngoài các đợt chiếu phim nhân các ngày lễ lớn, hiện nay, chỉ có Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương tổ chức chiếu miễn phí hàng tháng. Hoạt động trên đã được sự hưởng ứng của người xem, đơn cử như buổi chiếu phim tháng 12 rơi đúng vào ngày Việt Nam thi đấu với Ma-lai-xi-a ở trận bán kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2010 nhưng khán giả vẫn đến rất đông. Tác động tích cực đã thấy rõ, song nhân rộng hoạt động trên là khó bởi cần kinh phí để thực hiện bởi Hãng phim chỉ có được cấp kinh phí để sản xuất phim chứ không có kinh phí phát hành hay quảng bá phim.

Ngoài việc duy trì quảng bá phim, việc nâng cao chất lượng phim tài liệu hơn nữa cũng cần phải được chú trọng. Mấy năm gần đây, ngoài “anh cả” Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương mỗi năm sản xuất hàng chục bộ phim và hàng ngàn mét phim tư liệu thì các Đài truyền hình, các công ty truyền thông cũng đã chú ý sản xuất phim tài liệu; trong số đó, một vài bộ phim đã ghi được dấu ấn đậm nét như Mê Kông ký sự của Hãng phim truyền hình TP Hồ Chí Minh, Ký sự những nẻo đường của VTV... Nhưng nhiều phim tài liệu ra đời chủ yếu làm nhiệm vụ “lấp sóng”, mang tính chất ghi chép thực tế đơn thuần mà không có tính phát hiện một vấn đề ẩn dấu đằng sau thực tế. Chỉ có phát hiện vấn đề mới mẻ và sâu sắc mới ghi lại dấu ấn trong lòng người xem.

Thành tựu huy hoàng trong quá khứ có thể xem là điểm tựa để phát triển phim tài liệu; song để thương mại hóa phim tài liệu mà vẫn duy trì chất lượng nghệ thuật xem ra là việc làm của nhiều tổ chức, với những hành động cụ thể và khoa học.

HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét