Thứ Ba, 26 tháng 1, 2010

THƠ: SẮP CHẾT HAY CHỈ LÀ ... TRÒ BÁO TANG?

Có hai biểu hiện của thời sự thơ mà những người quan tâm vin vào để nói rằng thơ đang “xuống dốc”, đó là: mấy năm trở lại đây, hai giải thưởng văn học lớn của Hội nhà văn Việt Nam và Hội nhà văn Hà Nội thường xuyên bỏ trống ở hạng mục thơ; thứ hai là, không có tác phẩm thơ nào gây được chú ý. Phải chăng thơ sắp chết hay đó chỉ là trò báo tang đang thịnh hành?


Số lượng và chất lượng: tỉ lệ nghịch

Theo số liệu của thư viện quốc gia, có 857 tập thơ xuất bản trong năm 2008, tính trung bình là hơn 2 tập thơ/ ngày (đó là chưa kể số lượng khổng lồ thơ đăng báo không đưa vào sách!). Nếu về số lượng thì hoàn toàn có thể yên tâm về chuyện không có người sáng tác mặn mà với thơ. Nhưng chất lượng thì đúng như báo chí và một số người trong cuộc nhận xét: không có bước ngoặt nào đáng kể.

Đại đa số thơ ca chỉ quanh quẩn những đề tài lặp lại nhẵn mặt mang tính công thức. Chẳng hạn viết về tuổi học trò thể nào cũng có phượng, tà áo trắng, nắng sân trường…; viết về nông thôn là hình ảnh bờ đê, cây đa… được gói ghém trong những thể thơ “du dương” ru ngủ. Thực ra, thi liệu là điều không quan trọng. Vấn đề cốt lõi là thơ Việt chưa thoát hẳn khỏi ảnh hưởng nghệ thuật của thơ Mới. Hàng trăm nghìn bài thơ xuất hiện trên báo, truyền hình, phát thanh và cả sách giáo khoa cứ na ná nhau về cách biểu đạt của một tinh thần thơ ca có cách đây những hơn 70 năm.

Đã “lạm phát” lại còn cũ kĩ thì dễ hiểu vì sao các giải thưởng của thơ “thà không có còn hơn chọn bừa” theo kiểu đến hẹn lại lên. Vậy, không trao giải thưởng cho thơ như hiện nay là điều đáng mừng hơn là đáng lo.

Thơ không còn dành cho số đông

Năm năm trở lại đây, nếu chú ý theo dõi sẽ thấy năm nào cũng có tập thơ khá nổi lên so với biển thơ được xuất bản như: Hành trình (Hoàng Hưng), Gửi VB (Phan Thị Vàng Anh), Những câu phức (Như Huy), Màu tự nhiên (Hàm Anh), Ma thuật ngón (Trần Tuấn)... Các tập thơ này đại diện cho các xu hướng thơ khác nhau đôi khi còn “cãi” nhau.

Nhưng các tập thơ này sau khi xuất bản chỉ gây được dư luận ít ỏi với người trong giới chứ về số đông hoàn toàn không hề hay biêt. Đằng sau những sự biến mất “không một tiếng vang” là câu chuyện của PR và của phê bình báo chí nhưng nó chứa một nghịch lí khác đó là vẫn có thơ đáng đọc (thậm chí là hay) nhưng tại sao dư luận lại gào lên không có một tập thơ nào hay.

Muốn đọc được thơ ngày nay chứ chưa nói là cảm và hiểu được thơ để đánh giá một bài thơ hay/ dở cần phải có trình độ văn hoá, thái độ tiếp nhận tương ứng với nghệ thuật thơ. Đa số độc giả Việt Nam vẫn thích thơ có vần, dễ đọc, dễ hiểu hơn là thơ hiện đại mang tư duy thơ đứt đoạn. Nếu vô tình gặp được một bài thơ kiểu mới chắc chắn đa số người đọc sẽ chối bỏ vì cho rằng đoạn văn bản vừa đọc không phải là thơ. Đó là chưa kể một số nhà thơ Việt Nam đi theo khuynh hướng hậu hiện đại sử dụng nhiều yếu tố nhại lại và giễu nhại làm cho thơ mất đi vẻ trang nghiêm vốn thường trực trong thơ Việt.

Mặt khác, độc giả chưa có “duyên kì ngộ” gặp được thơ cách tân táo bạo. Hầu hết họ luôn nhầm tưởng toàn bộ nền thi ca Việt đang tồn tại ở dạng sách in hoặc trên phát thanh truyền hình mà không biết rằng có một bộ phận khác tồn tại chủ yếu ở internet và… photocopy chuyền tay. Tiếc thay phần thơ “dưới ngầm” (underground) này lại chứa đựng nhiều giá trị mới mẻ hơn. Như vậy, thơ Việt vẫn phát triển chỉ có điều nó không còn dành cho số đông nữa.

Box:

Nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng:

Thơ không phải là chuyện có thể tính từng năm như với các sản phẩm da giày. Vài năm chưa có một tập thơ đáng đọc cũng là bình thường. Còn giải thưởng ư? Ngay giải Nobel cũng chưa phải "chuẩn”, nữa là giải văn chương ở ta; vậy, không nên gắn kết bất kỳ giải thưởng nào với chất lượng của tác phẩm.

Ngày nay, người làm thơ "mới" vẫn lèo tèo. Mừng là cái mới không còn bị kỳ thị, đả kích vô lối như trước đây dăm năm. Làm được mới rất khó, phải có căn bản mới từ lối sống, cách thưởng thức cái đẹp, kiến thức văn hoá chung. Giáo dục vẫn thế thì lây đâu nghệ thuật mới? Chỉ một số ít rất quyết chí tự học, bản lĩnh cá nhân cao mới làm được cái gì mới. Bắt chước, học đòi thì chỉ ra vẻ mới mà không có sức sống. Nổi loạn cũng là một cách làm mới, nhưng "bạo phát bạo tàn".

Nhà thơ Trần Tuấn:

Đa số người viết trẻ đã và đang theo lối mới tuy đậm nhạt khác nhau. Không có một trật tự nào cho thơ cả. Và cũng chẳng cần ai tìm cách “chôn” ai cả. Bởi chắc chắc “cực mới” hôm nay sẽ là “cực cũ” ngày mai.

Không có thứ “mùa màng” nào nghiệt ngã như văn chương, suốt đời gieo mà gặt về không được mấy. Đó là quy luật của cả thế giới rồi. Nên nghĩ mỗi nhà thơ cũng chẳng có gì lo ngại, hốt hoảng hay sốt ruột. Tôi tròn 10 năm mới in một cuốn thơ. Suy tư về thơ, làm thơ trong tâm tưởng thật sâu trước khi in, đó là cách của riêng tôi.

Nhà phê bình Văn Giá:

Việc mà Hội nhà văn không trao giải hằng năm cho thơ năm vừa qua cũng không có nghĩa là thơ mất mùa hoặc không có thành tựu. Chứng cớ là, có một số đơn vị tư nhân đã đứng ra tổ chức các cuộc thi và họ được nhiều cây bút trẻ hưởng ứng, trong số đó có những tập rất khá.

Theo tôi nghĩ, chưa thể gọi thơ mới thơ cũ như cách gọi thời kỳ 1930-1945. Trong bối cảnh văn hóa đương đại hôm nay, khó có thể có cuộc cách tân thơ ca mang tính chất phong trào đột khởi và mạnh mẽ như thời thơ Mới.

Việc đang đổi mới, đang cách tân ngày hôm nay đã thấy rõ. Nhưng chưa thấy xuất hiện “thủ lĩnh” với những tuyên ngôn mỹ học sâu sắc và thuyết phục, chưa thành phong trào mạnh mẽ và đông đảo, chưa có thành tựu sáng giá để khẳng định và minh chứng. Người sáng tác và người phê bình đang trong tình trạng lúng túng, hoang mang. Thơ nằm trong vùng cách tân chưa có những thành tựu đỉnh cao thực sự thuyết phục. Thơ bị coi là truyền thống (cũ) vẫn còn đang đồng hành, chung sống và không ít bài vẫn hay.

Hàm Đan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét