Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

THỜI ĐÀM (IV): "SỐNG" NHỜ GIAI THOẠI

Văn chương là lĩnh vực xảy ra nhiều vụ cãi cọ, biết làm sao được khi “văn mình vợ người”, đã thế “năm người mười ý”. Nhìn lại những vụ cãi cọ gần đây mới thấy các nhân vật chính của các vụ “võ mồm” chỉ quanh quẩn ở một vài gương mặt lý luận-phê bình quen thuộc. Tần số xuất hiện của các vị nhiều đến nỗi hễ văn đàn “dậy sóng” cánh phóng viên lại nhao nhao tìm đến họ để xin… kết luận cuối cùng. Nghiễm nhiên, tên tuổi các nhà lý luận-phê bình sáng chói, người đọc vô cùng tin tưởng ở những phát ngôn của họ bởi vì thấy họ xuất hiện nhiều trên báo và ti-vi.

Nhưng nếu bình tâm lại, điền tên các vị lý luận-phê bình hay “cả giọng” vào mục “tra cứu sách” trên website của Thư viện Quốc gia ta bỗng nhận ra một sự thật bất ngờ: Các vị trên không có cuốn sách nào về chuyên môn lý luận-phê bình; nếu có thì chỉ là tập hợp các bài viết lẻ trên báo chứ không phải là một chuyên luận mang tính hệ thống dựa trên các phương pháp phê bình khoa học. Vậy, cái sự hành nghề của họ đa phần chỉ bằng “nói”. “Nói” chính là phần quan trọng tạo ra những giai thoại văn chương xung quanh họ và đưa tên tuổi lên đẳng cấp hạng nhất. Nhiều người có hiểu biết văn chương cũng thường không phân biệt người nào đích thực là nhà lý luận-phê bình, người nào chỉ là “ngụy” lý luận-phê bình. Bởi lẽ nhiều người cho đến tận giờ, chưa bao giờ trút bỏ được tâm thức huyền thoại. Sự huyền thoại hóa sự thật và sự thật hóa huyền thoại thường tồn tại dưới dạng giai thoại. Vì thế, ở nước ta, bất kỳ một nhân vật nổi tiếng nào chẳng kể văn nghệ sĩ bao giờ cũng nổi lên trước hết bằng giai thoại.

Đừng hiểu giai thoại văn học chỉ là những chuyện vui về thói quen, cách sống của nhà văn kiểu như Lưu Trọng Lư quên mất tên con, Xuân Diệu trước viết bài đều tẩm bổ bằng thịt chó chợ Hàng Da… Giai thoại đôi khi chỉ là câu nói “sốc”. Một đồn mười, mười đồn trăm; cứ thế, người ta cứ rỉ tai nhau về câu nói kèm theo chú thích về tác giả: “ông X nói vậy”. Nếu ngẫm nghĩ về trong các câu nói, các định ngữ đang được lan tràn thành giai thoại không khó nhận ra chúng không hề có giá trị thao tác khoa học, chúng là những từ ngữ vô tích sự trong việc nghiên cứu văn chương.

Hẳn nhiên các nhà lý luận-phê bình không có công trình khoa học trên lại quá khôn ngoan trong việc nắm bắt thời cuộc. Ai cũng biết người Việt Nam vốn không có óc tư biện, ngại lý thuyết, thích những gì dễ hiểu và thực tiễn trước mắt. Khi cần đánh giá một vấn đề nào thường tư duy cảm tính và bằng ngôn ngữ phi khoa học như nói về thuyết nhân quả cứ dùng hình tượng “cha nào con nấy”. Các nhà lý luận-phê bình lười nhác quá nắm rõ điều này nên họ hiểu muốn thành danh sớm chỉ có cách “đốt cháy giai đoạn” đó là không nên làm việc theo cách của trí thức hàn lâm ngồi nghiên cứu khoa học văn chương, thay vào đó là xông vào các cuộc tranh luận, sử dụng lối nói “đao búa”, ngôn từ dễ hiểu mà gây ấn tượng mạnh với người đọc. Đó là chưa kể vài “trò mèo” khác nào là sách chưa xuất bản đã cố tình để lộ thông tin cho một vài nhà báo biết để đến phỏng vấn rồi “ba hoa chích chòe” về tác phẩm chưa ra đời gần như đăng một cái tin quảng cáo; không ai lăng xê tên tuổi đành nhờ bạn thân hoặc đám đệ tử lấy bút danh giời ơi nào đó viết bài “bốc thơm”… Càng ngẫm càng thấy các nhà lý luận-phê bình trên thật giống các chân dài làng giải trí, cố tình “lộ hàng”, cố tình nói “sốc” để đánh bóng tên tuổi.

Song, xét cho cùng, cái khôn của các vị cũng chỉ là cái khôn bình dân, chiến lược của họ chỉ là trò “tàu nhanh” kiểu quảng canh không thể hợp với cái nghề lý luận-phê bình luôn phải dằn lòng, kiên trì nghiên cứu đợi ngày công bố tác phẩm. Văn học dù có nghiệt ngã, khó khăn với những người đã theo đuổi nhưng rất công bằng, kể cả với những người làm lý luận-phê bình. Tên tuổi còn lại chính là ở giá trị tác phẩm, công trình đã viết. Chẳng cần lấy ví dụ ở đâu cho xa xôi, ngay ở nước ta vài chục năm trước những nhà phê bình nổi như cồn được mệnh danh là “xe tăng phê bình” thì nay chẳng còn ai nhắc đến, công trình của họ chẳng ai tìm đọc và trích dẫn. Vậy nên, dễ hiểu vì sao những nhà lý luận-phê bình đích thực chẳng ai hơi đâu mất thời gian đi tranh luận với những đồng nghiệp khôn lỏi ấy; bởi họ thừa hiểu tên tuổi được tạo bằng giai thoại chứ không bằng giá trị tác phẩm chắc chắn chỉ là thời thượng mà chẳng thể lâu dài với thời gian.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét