Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009

ĐỌC “TIỀN ĐỊNH” CỦA ĐOÀN LÊ


Khi đọc một tác phẩm văn chương nào đó, mỗi người đọc đều có thể thu được một ích lợi nào đó tùy thuộc theo sở thích, thói quen… Với tiểu thuyết Tiền định, điều đầu tiên mà bất cứ ai cũng dễ dàng thu lượm được là sự hiểu biết thêm về bối cảnh (context) của thời bao cấp đã lui vào dĩ vãng. Đó mới chỉ là bề mặt chất liệu như việc đọc truyện Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài biết thêm về phong tục miền núi chẳng hạn. Điều thứ hai, quan trọng hơn là thân phận người phụ nữ trong một thời kỳ xã hội chặt. Nhân vật Chín và các nhân vật nữ khác trong Tiền định trở thành những con người chức năng được xã hội quy định do tàn tích của tư tưởng Nho giáo. Nhưng bề sau hay thực chất số phận của họ chứa đựng là sự bất hạnh mang tính định mệnh; không phải như nhân vật tên Tiếc bị đặt tên chỉ vì suýt nữa được đem cho, mà đúng hơn là sinh ra trong một thế giới được đàn ông định nghĩa và đã bị định nghĩa như cách nói của Simone de Beauvoir trong The second sex. Bởi thế mà, trở thành người đàn bà phải được sự thừa nhận của người đàn ông: “-Em… Em có biết em đã thành đàn bà rồi không?” (trang 98).

Trong một xã hội chặt như thế, hiển nhiên bản thân nhân vật cũng có những mặc cảm về thân phận “hạng hai” của mình đến mức như nhân vật Chín ghét luôn cơ thể của mình và sợ hãi về sự va chạm xác thịt: “Cái thân thể mười bảy chưa có kinh nghiệm va chạm, co rúm lại vì bỗng nhiên đau xé. Cô không tưởng tượng được sự xâm phạm ấy mới ê chề làm sao, dơ dáy làm sao! Sau việc vừa xảy ra, cô không thể nhìn mặt con người đó mà không cảm thấy bị xúc phạm…” (trang 97). Nhưng dù bị cấm đoán và tự cấm đoán đến mấy, những ham muốn dục tính thầm kín nhưng mạnh mẽ vẫn tìm cách thoát khỏi sự kiểm soát hữu thức thông qua những giấc mơ hay những cảm giác vô thức: “Đang giữa giấc, bỗng mình cảm thấy ai đó nằm lên người mình” (trang 71). Những lần như thế thật hiếm hoi, bản thân nhân vật Chín – một nhân vật nữ sống lệch chuẩn so với thời đại mình sống; con người phiêu lưu trong tình cảm và công việc nhưng vẫn là hiện thân cho một tâm lý lệ thuộc trong xã hội truyền thống khi tự nhủ: “Dù sao mình vẫn còn có Hòa bên cạnh cơ mà” (trang 108); từ đó “…trước mỗi khúc ngoặt của cuộc đời, nàng đều hết sức do dự…” (trang 276).

Đó chính là định mệnh cho thân phận người phụ nữ, cho cuộc sống con người thời bao cấp như tư tưởng chính của tiểu thuyết này. Một triết lý không mới mẻ. Tiền định không phải là tác phẩm mang tiếng nói nữ quyền (feminism) hay để nhận thức lại lịch sử một giai đoạn mà tự do con người bị xã hội toàn trị kìm hãm. Tiền định đơn giản chỉ tìm cách xới xáo lại những kỷ niệm, tạo ra một hế thống nhân vật thế tục của thời quá khứ buồn thảm. Đặc biệt hệ thống nhân vật nữ xoay xung quanh nhân vật Chín. Cho nên, khi sử dụng chất liệu về đời sống thời bao cấp, nhà văn không tìm cách say sưa cường điệu hóa chất liệu mà chỉ kể lại các câu chuyện, sắp xếp chúng theo quy luật mang tính chất lặp nhằm nhấn mạnh cái triết lí về “tiền định”.

Cũng vì thế mà cuốn tiểu thuyết không thể thăm dò sâu hơn những góc khuất tâm lí thầm kín của các nhân vật bằng các thủ pháp hiện đại như độc thoại nội tâm chẳng hạn. Cũng là điều dễ hiểu, bởi nếu đi ngả rẽ đó kết cấu phối hợp của tiểu thuyết lập tức tan vỡ. Kết cấu phối hợp có đặc trưng là số phận của một nhân vật trùng với một độ dài tồn tại nhất định của xã hội. Tâm lí của cả nhóm người, những định mệnh song song cùng khẳng định một sự việc. Tác giả thường dàn dựng một số rất đông các nhân vật mà những số mệnh song song của họ đôi khi cũng trùng lặp nhau; họ bị ảnh hưởng bởi những sự kiện diễn ra trong xã hội. Một khi kết cấu phối hợp không còn thì sự nhấn mạnh vào tính chất định mệnh của số phận nhân vật trong tiểu thuyết cũng sẽ không đứng vững được.

Để đạt đến mối quan tâm về tiền định, tiểu thuyết đã phải chấp nhận đi theo những lối mòn, những “khái niệm lỗi thời” (Alain Robbe-Grillet) của tiểu thuyết. Chẳng hạn như cốt truyện. Tiền định thuộc vào một cốt truyện khuôn sáo: một loạt thử thách, nhân vật đương đầu với những biến cố nhưng vẫn không nhụt chí. Cốt truyện xoay quanh những chuỗi sự việc nghĩa là những hành động liên tiếp móc nối với nhau một cách logic. Thỉnh thoảng, tác giả tìm cách phá vỡ sự logic bằng giấc mơ, sự huyền ảo, tính bội trương… Nhưng tất cả đều không triệt để, không được theo đuổi một cách nghiêm túc. Tất cả những nhược điểm ấy bộc lộ ở đoạn kết tiểu thuyết. Một kết thúc bi kịch đột ngột nhấn mạnh thêm về tính chất định mệnh nhưng hiệu quả thẩm mỹ bởi những câu hỏi treo là không cao bởi cả cuốn tiểu thuyết tính nặng của cuộc sống đã chất đầy.

Người đọc có thể cảm động trước những câu chuyện về thời bao cấp nhưung với kỹ thuật viết tiểu thuyết cũ như thế này hứng thú đọc tiểu thuyết cũng giảm đi phần nào. Và nhất là chưa tìm cách nâng tầm chất liệu trong cuốn tiểu thuyết lên một bậc.

Hàm Đan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét