Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

CÙNG BÀN LUẬN (II): BẢO VỆ LÀNG CỔ

Làng Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội) được các nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước đánh giá là ngôi làng cổ có giá trị kiến trúc hàng đầu ở Bắc bộ, đại diện cho vẻ đẹp từ sự giao thoa văn hóa Việt-Pháp đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, trong mấy tháng đầu năm 2011, ngôi làng cổ này gần như đã bị xóa sổ. Theo ông Vũ Văn Bằng, cán bộ phụ trách văn xã của xã Cự Khê, thì trong khoảng thời gian chưa đầy 4 tháng, 80/100 ngôi nhà cổ có “tuổi thọ” trên dưới một thế kỷ đã bị phá hủy để nhường chỗ cho các ngôi nhà hiện đại.

Trong xu thế đô thị hoá, 80% diện tích đất canh tác của xã Cự Khê được thu hồi cho dự án khu đô thị mới, biến những người dân quê quanh năm lam lũ trở thành các tỷ phú. Do chỗ ở chật chội cộng với sự thiếu hiểu biết về giá trị di tích và sẵn tiền trong tay, nên người dân nhanh chóng phá các ngôi nhà cổ để xây nhà cao tầng khang trang. Chính quyền xã không thể ngăn cản vì làng Cự Đà chưa được công nhận Di tích lịch sử-văn hóa nên không thể cấm người dân “đổi cũ lấy mới”.

Sự biến mất của nhiều ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi ở làng Cự Đà là lời cảnh báo cấp thiết cho việc bảo tồn các di sản văn hóa vật thể ở nước ta vốn tồn tại nhiều bất cập. Riêng Hà Nội vẫn còn một vài làng cổ như làng Cựu (huyện Phú Xuyên), làng Cốc Thôn (huyện Ba Vì)… nhưng cũng đang đứng trước nguy cơ "đô thị hóa". Để tránh lặp lại những gì xảy ra với Cự Đà, các cơ quan quản lý di sản cần nhanh chóng rà soát hiện trạng từng làng cổ và tiến tới công nhận những ngôi làng có giá trị lịch sử-văn hóa theo đúng các tiêu chí mà Luật Di sản Văn hóa đã quy định. Bên cạnh đó, cần khẩn trương lập các phương án trùng tu để các ngôi nhà tiếp tục trụ vững trước sự tàn phá của thời gian, giữ gìn tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích.

Ngoài ra, không thể xem nhẹ công tác vận động, tuyên truyền cho người dân biết rõ giá trị lịch sử-văn hóa của ngôi nhà cổ mà họ đang sở hữu, từ đó có trách nhiệm với di tích. Dĩ nhiên, cần có chính sách hỗ trợ thiết thực. Chẳng hạn, với những làng cổ có mật độ dân số cao, chính quyền địa phương cần sử dụng quỹ đất nhằm giãn dân theo phương châm “lấy đất đổi đất” để người dân giải quyết nhu cầu chỗ ở, yên tâm giữ nhà cổ cho thế hệ mai sau.

Giữ gìn nguyên vẹn các làng cổ, giá trị lịch sử-văn hóa sẽ được phát huy. Thông qua việc phát triển dịch vụ du lịch có thể góp phần tích cực thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương.

HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét