Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

"BA ƠI, MÌNH ĐI ĐÂU?"


Có những tác phẩm văn chương chỉ nên đọc một lần, không phải vì chất lượng tác phẩm không đáng để lần giở lại mà vì sức ám ảnh quá lớn, không mấy người có dũng khí đọc lần thứ hai. Như tiểu thuyết “Ba ơi, mình đi đâu?” (Phùng Hồng Minh dịch, NXB Hội Nhà văn, 2009) của nhà văn Pháp Jean-Louis Fournier chẳng hạn; đọc xong, nhiều người sẽ để nó trên giá sách và chuyển sang đọc một cuốn sách khác để nhanh chóng tạm quên những ám ảnh mà cuốn sách đem lại.

Không ám ảnh sao được khi “Ba ơi, mình đi đâu?” là lời tự thuật của người cha viết cho hai đứa con trai bị bệnh thiểu năng và dị tật bẩm sinh khiến chúng vừa ngu ngơ vừa không thể vận động được. Người cha trong cuốn tiểu thuyết chính là tác giả J. L. Fournier vì ngoài đời thực ông có hai đứa con trai tật nguyền. J. L. Fournier là một nhà văn kiêm đạo diễn điện ảnh nổi tiếng; sau nhiều năm, ông mới viết về hai đứa con tật nguyền vì nghệ thuật làm bất tử hóa bất cứ hình tượng nào: “Một cuốn sách ba viết cho các con. Để không ai quên được các con, để các con không chỉ hiện hữu trên một bức ảnh trong tấm thẻ chứng nhận tật nguyền”.

Đọc tiểu thuyết mỏng hơn 150 trang này, khó ai có thể quên bi kịch giáng xuống nhân vật người cha J. L. Fournier mà ông phải tự nhận: “Tôi có tới hai ngày tận thế”. Đó là hai ngày mà Mathieu và Thomas ra đời, cả hai lần bác sĩ đều thông báo hai đứa trẻ vĩnh viễn không phát triển bình thường. Khi rơi vào bi kịch, theo bản năng người viết dễ sa vào giọng oán hờn; nhưng ngược lại “Ba ơi, mình đi đâu?” viết bằng giọng văn “hài hước đen” né tránh ủy mị. Đó là điều cốt yếu khiến cuốn tiểu thuyết trở nên độc đáo khi tác giả cười trên nỗi đau khổ của chính bản thân.

Gần như trong trang sách nào, J. L. Fournier đều kể lại những điều hài hước trong nhiều năm chăm sóc hai đứa con tật nguyền: “Mathieu luôn phát ra những tiếng “brừm-brừm” từ miệng. Thằng bé nghĩ mình là một chiếc ô tô... Đã nhiều lần tôi phải yêu cầu nó tắt ngay động cơ nhưng vô ích... Tôi không thể ngủ, ngày hôm sau tôi phải dậy sớm... Tôi tự an ủi mình bằng suy nghĩ ngay cả những đứa trẻ bình thường cũng khiến cha mẹ chúng mất ngủ. Thật đáng đời họ”. Thường thì cái cười là khởi điểm nhưng kết thúc của một tình huống lại là sự cay đắng cho người cha và cho chính người đọc: “Mới đây, tôi gặp một chuyện rất xúc động. Mathieu đã say sưa đọc một cuốn sách. Tôi lại gần, vô cùng hồi hộp. Nó cầm quyển sách ngược”.   

Sự lặp đi lặp lại một cách viết dưới cùng một góc nhìn không làm độc giả cảm thấy nhàm chán vì “Ba ơi, mình đi đâu?” là tiểu thuyết viết dưới hình thức thư. Hình thức thư đưa đến cho độc giả một nghệ thuật kể chuyện bông lơn và cách diễn đạt hóm hỉnh tinh tế. Hơn nữa, thư vốn là hình thức linh hoạt nên sẽ giúp người kể chuyện thoải mái trong suy nghĩ, vượt mọi khoảng cách về không gian và thời gian mà không làm tổn hại đến trình tự diễn biến của cốt truyện.


J. L. Fournier đã tiếp nối truyền thống các tiểu thuyết viết bằng thư từ các nhà văn trước như: “Nàng Héloise tân thời” của Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), “Những mối quan hệ nguy hiểm” của Pierre Choderlos de Laclos (1741-1803), “Alexis hay thỏa ước của trận chiến vô nghĩa” của Marguerite Yourcenar (1903-1987)… Việc tìm đến với hình thức viết thư có thể xem là tất yếu trong lựa chọn “cái biểu đạt” cho nội dung “Ba ơi, mình đi đâu?” vì kỹ thuật viết thư cho phép mang lại sự hư cấu tưởng tượng một bề ngoài chân thực nói như nhà phê bình Thụy Sĩ Jean Rousset (1910-2002) trong tiểu luận “Hình thức và ý nghĩa” (1963): “Tiểu thuyết dưới hình thức thư làm cho người đọc gần gũi với tình cảm đã trải nghiệm đúng như người ấy đã sống”. Cho nên, dù là người ngoài và không tận mắt chứng kiến cuộc sống của người cha với hai đứa con tật nguyền nhưng chẳng ai sau khi đọc cuốn sách có thể nghi ngờ về sự tự nhiên trong cảm giác hài hước lẫn cay đắng hòa làm một của người cha trong tiểu thuyết.

Viết thư khiến người ta có thể suy ngẫm, và có thể sửa chữa những thiếu sót khuyết điểm của mình như nhân vật người cha sám hối với hai đứa con: “Thường thì ba không chịu đựng nổi các con, thật khó để có thể thương yêu các con. Với các con, cần phải có lòng kiên nhẫn vô tận của một thiên thần, mà ba thì không phải thiên thần”.   

“Ba ơi, mình đi đâu?” là một cuốn sách của những câu chuyện giản dị nhưng ý nghĩa khái quát sâu nhất của tác phẩm lại đụng đến câu hỏi bản thể muôn đời: Ta từ đâu đến? Làm gì? Đi đâu? Nó giống như câu hỏi thường trực của cậu bé tật nguyền Thomas hỏi người cha: “Ba ơi, mình đi đâu?”. Người cha chỉ còn cách im lặng: “Đến lần hỏi thứ mười “Ba ơi, mình đi đâu?” thì tôi không trả lời nữa... Ba cũng chẳng biết rõ chúng ta đi đâu, Thomas tội nghiệp của ba à”.

          “Một cuốn sách hướng con người đến cái thiện”-Christine Jordis (Trưởng ban giám khảo giải Fémina) đã phát biểu như vậy sau khi “Ba ơi, mình đi đâu?” được trao giải thưởng danh giá Fémina năm 2008. Không chỉ trở thành tâm điểm của mùa sách văn học Pháp 2008, mà kể từ khi ra đời, kiệt tác nhỏ đầy tính nhân bản này đã được đọc và được yêu thích khắp thế giới.

          HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét