Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

VỀ CHƯƠNG TRÌNH DU LỊCH CỘNG ĐỒNG Ở HUYỆN BÁT XÁT (LÀO CAI): MỘT MŨI TÊN... TRÚNG NHIỀU ĐÍCH


Ảnh: Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt (thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung)-một trong năm điểm du lịch cộng đồng của huyện Bát Xát. 

Với dân “phượt”, những địa danh như Y Tý, Sàng Ma Sáo, A Mú Sung, Mường Hum… (huyện Bát Xát, Lào Cai) luôn là niềm mơ ước khi đã lấy xê dịch làm lạc thú ở đời. Giờ đây, tất cả mọi người đều có thể đặt chân đến những miền đất nguyên sơ kể trên để khám phá văn hóa của các tộc người bản địa thông qua hình thức du lịch cộng đồng.


1. Du lịch dựa vào cộng đồng (gọi tắt là Du lịch cộng đồng) đã có mặt ở Việt Nam cuối thập kỷ 1990 với các khu du lịch như Sa Pa (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình)… Tháng 5 vừa qua, địa phương mới nhất phát triển du lịch cộng đồng ở nước ta là huyện Bát Xát (Lào Cai). Năm điểm du lịch cộng đồng được đưa vào khai thác thông qua bốn tuyến du lịch thử nghiệm trong ba năm gồm: Thứ nhất, điểm du lịch Lũng Pô (xã A Mú Sung)-nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, gắn với làng văn hóa du lịch H’Mông tại thôn Lũng Pô II. Thứ hai, điểm du lịch cộng đồng thôn Lao Chải (xã Y Tý) nơi cội nguồn của Hà Nhì đen tại Lào Cai. Thứ ba, điểm du lịch cộng đồng tại cụm thôn trung tâm xã Dền Sáng gắn với văn hóa người Dao đỏ. Thứ tư, điểm du lịch xã Mường Hum gắn với chợ văn hóa vùng cao. Cuối cùng là điểm du lịch tại xã Bản Xèo gắn với văn hóa tộc người Giáy.   

          Là địa phương đi sau, Bát Xát đã thu được nhiều kinh nghiệm từ trong lẫn ngoài nước để hình thành một đề án công phu, nổi bật ở việc lập các địa điểm du lịch gắn với từng cộng đồng tộc người thiểu số tạo ra tính địa-văn hóa độc đáo. Khách trong nước ai cũng muốn được một lần đến nơi sông Hồng chảy vào đất Việt-để từ đó hình thành nền văn minh “gốc” của dân tộc. Khách du lịch nước ngoài đều thích “ba cùng” với tộc người địa phương, đặc biệt là tộc người Hà Nhì đen tại xã Y Tý với số dân tập trung cao nhất ở tỉnh Lào Cai. Thêm vào đó, các địa điểm trên quanh năm mát mẻ, về mùa đông ở xã Y Tý thường có tuyết rơi.

Tiềm năng thì sẵn có như vậy, song theo ông Bùi Hữu Lợi (Bí thư huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Bát Xát) cho hay: Khó khăn lớn nhất của Bát Xát trong việc phát triển cộng đồng ngay trước mắt là cơ sở hạ tầng để phục vụ du lịch còn chưa đầy đủ. Đặc biệt là đường giao thông, từ Thị trấn Bát Xát đến điểm du lịch xa nhất là xã Y Tý phải mất 90 km trên một con đường… xóc nổ đom đóm mắt! Việc làm mới và sửa chữa các con đường nối các điểm du lịch, ngân sách của huyện chỉ có thể gánh vác được một phần, rất cần sự hỗ trợ của Trung ương để giao thông được thông suốt. Một khi vấn đề giao thông được giải quyết, chắc chắn, du lịch cộng đồng ở Bát Xát sẽ thu hút lượng khách rất lớn.

          2. Du lịch cộng đồng khác hẳn các hình thức du lịch khác khi sử dụng cư dân bản địa cung cấp dịch vụ để phát triển du lịch, đồng thời tham gia bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường; qua đó, chính cộng đồng được hưởng quyền lợi vật chất và tinh thần từ phát triển du lịch.

          Dựa vào những chính sách và chương tình cụ thể phát triển du lịch cộng đồng mà các cơ quan chức năng huyện Bát Xát đang triển khai đều dựa vào cộng đồng và đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng làm du lịch. Lấy ví dụ ở thôn Lao Chải (xã Y Tý), cơ quan chức năng chỉ làm nhiệm vụ chọn ra vài chục hộ khá giả, nhà có đủ các trang thiết bị, công trình vệ sinh tối thiểu để khách du lịch có thể ăn nghỉ tại nhà người dân. Đồng thời, mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch, đặc biệt là kĩ năng giao tiếp với khách cho các tất cả các hộ dân để làm “vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi”. Sắp tới, huyện Bát Xát sẽ thành lập Đội quản lý liên ngành trong đó kết hợp hai chức năng quan trọng nhất bao gồm: bộ phận chuyên cung cấp thông tin cho khách du lịch và bộ phận chuyên kiển tra các hoạt động du lịch và sẵn sàng can thiệp những hành vi “chặt chém” vô tội vạ. Cũng giống như các địa phương khác, du lịch cộng động sẽ là cơ hội “vàng” để các cộng đồng dân cư Bát Xát có dịp thương mại hóa các đặc sản, đồ thủ công mỹ nghệ như: nghề đan lát của người Hà Nhì đen, nghề kéo bạc và tắm thuốc lá của người Dao đỏ…

Bên cạnh lợi ích làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, du lịch cộng đồng còn góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa. Chỉ nói ngay du khách trong nước không phải ai cũng biết đến Lễ cấp sắc của người Dao đỏ hay Tết “khô già già” cùng đồng bào Hà Nhì đen… Và còn có gì tuyệt hơn khi du khách được trực tiếp tham gia các hoạt động văn hóa độc đáo nói trên? Không chỉ có các di sản phi vật thể, đến ngay cả di sản vật thể cũng được chính quyền huyện Bát Xát lưu ý giữ gìn. Ví dụ, nhà trình tường truyền thống của Hà Nhì đen lợp bằng cỏ, nhiều nhà dân vốn trước lợp bằng mái tôn nay quay về lợp cỏ như thời các cụ; hoặc lãnh đạo xã Mường Hum-nơi tổ chức chợ văn hóa vùng cao tỏ ý quyết tâm giữ nguyên trạng không gian chợ, họ hiểu rằng chẳng có du khách nào đi hàng trăm cây số đến dự phiên chợ vùng cao mà lại được xây kiên cố như ở dưới xuôi!

Một trong những mục tiêu lớn nhất của du lịch cộng đồng ở bất cứ đâu đó là phải bảo được môi trường thiên nhiên với tất cả sự đa dạng về sinh học. Riêng ở xã Y Tý vẫn còn khu rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ vài trăm năm tuổi, dưới tán lá cao là “rừng” cây thảo quả được bà con địa phương chăm sóc, sẽ là địa điểm thú vị cho du khách dã ngoại, khám phá vẻ đẹp giàu có của rừng nhiệt đới.

Ông Bùi Xuân Tiến (Trường phòng Văn hóa-Thông tin huyện Bát Xát) còn cho chúng tôi hay, một trong những mục tiêu khác mà du lịch cộng đồng ở Bát Xát hướng đến đó chính cải thiện tình trạng vệ sinh môi trường ở các điểm làm du lịch. Bên cạnh việc tuyên truyền để người dân thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn môi trường thông qua việc lồng ghép trong chương trình tập huấn du lịch, hy vọng đến khi triển khai các hoạt động du lịch người dân mới thực sự ý thức được việc cải tạo môi trường sống của để níu chân du khách.

          Với một chiến lược bài bản và với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban ngành, hy vọng trong tương lai gần Bát Xát sẽ là điểm sáng của du lịch cộng đồng ở nước ta; hoàn thành các mục tiêu đề ra với phương châm: “Một mũi tên… trúng nhiều đích”.

HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét