Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

CÓ MỘT QUANG DŨNG KHÁC NGOÀI "TÂY TIẾN"...


Mới đây, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace) phối hợp với Công ty cổ phần Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam tổ chức buổi tọa đàm đồng thời giới thiệu tinh tuyển thơ “Mắt người Sơn Tây” (NXB Hội Nhà văn & Nhã Nam, 2012) của nhà thơ Quang Dũng.
Nhắc đến con người Quang Dũng là nhắc đến một nhà thơ tài hoa, nhân hậu, ưa xê dịch. Trong cuộc tọa đàm, nhà thơ Vân Long cho biết, hai niềm đam mê lớn nhất của đời Quang Dũng là “đi” và “bạn”. Ông luôn mang trong lòng giấc mộng phiêu du và bạn bè dường như là điều quý giá nhất với ông, hơn cả thơ. Nhà thơ Quang Dũng thường dửng dưng với thơ của mình, ông làm thơ xong thường để đâu đó và không quan tâm đến nó, nên thơ của ông thất lạc rất nhiều. Nhưng với bạn bè, ông là một người đôn hậu, hiền hòa, cởi mở, tình bạn rộng khắp.
Nhà thơ Vân Long nhận xét, thơ là hệ quả tất yếu từ hai điều quan trọng nhất trong đời Quang Dũng là “đi” và “bạn”, nhưng dường như khi đặt cạnh hai yếu tố này, thơ bỗng trở nên không chút quan trọng. Ông đưa ra ví dụ về bài thơ “Mai chị về”, được Quang Dũng chép tặng rất nhiều bạn bè, khiến tất cả những ai đọc bài thơ đều cho rằng đó là Quang Dũng. Ban đầu bài thơ được đưa vào tập thơ duy nhất của Quang Dũng lúc sinh thời “Mây đầu ô” (NXB Tác phẩm mới, 1986); nhưng khi đưa nhà thơ xem, ông đã kiên quyết từ chối và có đưa manh mối giúp nhà thơ Vân Long tìm ra tác giả thật của bài đó là ông Phan Quang Chấn-Nguyên trưởng ban Quân y trung đoàn Tây Tiến.
Nói về thơ Quãng Dũng, các ý kiến phát biểu tại tọa đàm đều nhấn mạnh vai trò của bài thơ “Tây Tiến” như một dấu son trong thi nghiệp Quang Dũng, cũng như thơ ca thời chống Pháp (1946-1954). Hơn hết, “Tây Tiến” có một vị trí đặc biệt trong lòng công chúng, một bài thơ được kỷ niệm 60 năm ngày sáng tác (năm 2008), một bài thơ làm sống dậy cả một trung đoàn, khiến địa danh Tây Tiến trường tồn trong lịch sử và ký ức mỗi người.
Do sự nổi tiếng của bài thơ “Tây Tiến”, vô hình trung khiến Quang Dũng nghiễm nhiên trở thành “nhà thơ một bài” bất đắc dĩ. Tuy nhiên, nếu đọc tinh tuyển thơ “Mắt người Sơn Tây”, người đọc lập tức có một hình dung về tài thơ Quang Dũng phong phú hơn nhiều với những bài thơ hay không hề kém “Tây Tiến” như: “Chiêu Quân”, “Mắt người Sơn Tây”, “Đêm Bạch Hạc”, “Cố quận”...
Thơ ca thời chống Pháp có nét rất đặc biệt đó chất lãng mạn của thơ ca Tây phương hòa với cảm hứng yêu nước, chất hùng ca. Thời kỳ này cũng rất đặc biệt khi xuất hiện một lớp nhà thơ mới như: Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Quang Dũng, Hữu Loan, Hoàng Cầm… Thế hệ nhà thơ tài hoa này đã làm nên thơ ca thời chống Pháp một cách kịp thời trong khi các nhà thơ nổi tiếng trước 1945 như: Xuân Diệu, Huy Cân, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư... vẫn đang loay hoay “tìm đường”. Trong số này các nhà thơ kể trên, không ngoa khi cho rằng Quang Dũng là một trong gương mặt thi nhân tiêu biểu nhất của thơ ca chống Pháp bởi sự nhất quán trong thi pháp, chất lãng mạn đậm đặc nhưng vẫn mang hồn cốt dân tộc:
“...Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Thương vườn ruộng khôn khuây

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng.

Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?”
(Bài thơ “Mắt người Sơn Tây”)

          Một cuộc tọa đàm đương nhiên không thể nói hết về thơ Quang Dũng mà cần những công trình dài hơi, mang tính khoa học cao. Và nếu nghiên cứu thấu đáo gia tài thơ Quang Dũng, giới nghiên cứu văn học có thể tiệm cận với các đặc trưng thơ ca chống Pháp; từ đó, tổng kết một giai đoạn thơ ca đặc biệt của nước ta thời hiện đại.

           HÀM ĐAN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét