Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

THỜI ĐÀM (XXXI): QUAN TRỌNG LÀ VIẾT NHƯ THẾ NÀO



Mới đây, Hội Nhà văn Hà Nội và NXB Kim Đồng đã tổ chức kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm thiếu nhi kinh điển “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài. Sự vinh danh cho một tác phẩm văn học hiện đại là khá hiếm nhưng với trường hợp “Dế mèn phiêu lưu ký” quả xứng đáng.

     “Dế mèn phiêu lưu ký” là dấu ấn quan trọng nhất trong sự nghiệp của Tô Hoài. Nói đến Tô Hoài, ai ai cũng biết ông là “cha đẻ” chú dế mèn dù ông đã viết hơn 150 tác phẩm, trong đó không thiếu những tác phẩm xuất sắc như: “Giăng thề”, “Cỏ dại”, “Truyện Tây Bắc”, “Cát bụi chân ai”, “Giấc mộng ông thợ dìu”... “Dế mèn phiêu lưu ký” không chỉ là “người bạn” của nhiều thế hệ độc giả Việt Nam trong suốt 70 năm qua mà còn quen thuộc với bạn đọc nhí toàn cầu khi đã được dịch ra gần 40 thứ tiếng.

     Do ảnh hưởng của Nho giáo, nhà văn ở ta thường quan niệm tác phẩm văn học là một thứ gì đó rất ghê gớm, như là công cụ để truyền tải các chân lý nhằm giáo huấn “tiểu nhân”, bênh vực kẻ thấp hèn... Tóm lại là nuôi tham vọng muốn tác phẩm văn học là “vũ khí” tinh thần tác động tới xã hội. Sự kỳ vọng quá mức khiến tác phẩm khó hay như việc bắt con lừa chở quá nhiều hàng hóa khiến nó không thể cất bước. Vì thế, những đề tài to lớn, “đại tự sự” thường được nhà văn ở ta ưu tiên viết, chứ không mấy ai lựa chọn ngay từ đầu là sẽ viết về đề tài thiếu nhi vì cho nó là nhỏ nhặt, như chuyện bọn “trẻ con”. Năm xưa, ngay cả Tô Hoài để đời bởi “Dế mèn phiêu lưu ký” đã bị một đàn anh ngụ ý coi thường khi gọi ông là tác giả của mấy tác phẩm viết về giun dế!

     Những người coi thường văn học thiếu nhi đã quên đi điều sơ đẳng (nhưng quan trọng nhất) là để có một tác phẩm văn học hay là phải kể chuyện như thế nào, chứ không phải là kể về cái gì. Nghĩa là một cây bút trẻ tuổi nghề cứ an tâm viết điều mình quen thuộc nhất, tâm đắc nhất; chứ đừng quá chú ý đến hiệu quả tác phẩm. Lý luận văn học hậu hiện đại nói đến “cái chết của tác giả”, nghĩa là một khi được xuất bản, ý nghĩa tác phẩm được diễn giải thuộc về người đọc chứ không còn là của tác giả nữa.

     Hãy lấy ví dụ từ “Dế mèn phiêu lưu ký” để thấy rõ Tô Hoài có lẽ vô thức đã thực hành đúng như những gì mà lý luận văn học tân tiến định hướng. Tô Hoài viết “Dế mèn phiêu lưu ký” là từ đơn đặt hàng của Vũ Đình Long-ông chủ NXB Tân Dân; và ông chọn những gì thân thuộc của đứa trẻ ở ngoại ô Hà Nội trước 1945. Khi chất liệu văn học đã nằm lòng, viết sẽ dễ hơn ở chỗ không chỉ có chi tiết sinh động mà tâm tư tình cảm người viết đương nhiên sẽ dâng trào, thuận lợi cho sáng tạo.

     Tô Hoài từng tâm sự, ông viết “Dế mèn phiêu lưu ký” trong bối cảnh chủ nghĩa phát xít đang ở thế thượng phong và ông suy nghĩ rằng các dân tộc phải có tình bằng hữu mới ngăn chặn được bọn phát xít-đại diện cho cái ác, cái xấu. Nếu gạt bỏ bối cảnh chính trị-xã hội 70 năm trước, người đọc trước hết cảm nhận đây là câu chuyện hay về loài vật và phần nào vẫn hiểu được thông điệp của tác giả. Chính nhờ cách kể chuyện tự nhiên như không, nhân cách hóa loài vật tài tình và viết truyện bằng suy nghĩ của những đứa trẻ nên Tô Hoài đã truyền tải thông điệp một cách “êm đềm” vào suy tư độc giả.

     70 năm đã trôi qua nhưng giá trị nghệ thuật và giáo dục của “Dế mèn phiêu lưu ký” vẫn chưa hề phai mờ. Nếu ai đó đọc một số truyện thiếu nhi nước ngoài sử dụng nhân vật chính là các loài vật sẽ thấy chẳng hay ho hơn “Dế mèn phiêu lưu ký” chút nào. Để có thể có một tác phẩm văn học thiếu nhi đạt đỉnh như “Dế mèn phiêu lưu ký” hay rộng ra là tác phẩm văn học nói chung, có lẽ các nhà văn cần có nhận thức (hoặc đôi khi là sự vô thức) về thực chất công việc mình là kể một câu chuyện hay.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét