Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

RAYMOND CARVER, BẬC THẦY TRUYỆN NGẮN TỐI GIẢN



Với một số nhà văn, không hay ho gì khi bị các nhà nghiên cứu dán nhãn thuộc trường phái này hay chủ nghĩa nọ. Bản thân những “siêu độc giả” ít nhiều lúng túng trước tác phẩm của Jorge Luis Borges, Italo Calvino…, quá cỡ cho tham vọng quy phạm của các thuật ngữ văn học. Ngược lại, có một số nhà văn có thể định danh bằng một vài từ ngữ vì phong cách nghệ thuật xuyên suốt đời văn khá thống nhất. Như trường hợp nhà văn Mỹ Raymond Carver (1938-1988), ngay cả bạn đọc thông thường cũng dễ dàng nhận ra R. Carver là bậc thầy truyện ngắn tối giản; chí ít là qua hai tập truyện ngắn đã chuyển ngữ sang tiếng Việt là “Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình” (Dương Tường và Nguyễn Hạnh Quyên dịch, NXB Văn hóa Sài Gòn và Nhã Nam, 2009) và “Em làm ơn im đi, được không?” (Lâm Vũ Thao dịch, NXB Văn học và Nhã Nam, 2012).

R. Carver không phải là người tiên phong của chủ nghĩa tối giản, nhưng có thể xem ông là một nhà văn thành công nhất với phong cách tối giản. Những truyện ngắn của ông là những ví dụ hoàn hảo cho đặc tính của sự tối giản: Tránh những đoạn trần thuật rườm rà, gạt bỏ sự hư cấu mang tính chủ quan của người viết, nhanh chóng tạo dựng không khí gợi sự tò mò với người đọc… Song, truyện ngắn của R. Carver không đánh đố người đọc như bắt họ chơi trò vừa đọc truyện vừa ghép hình thông qua việc che dấu cốt truyện như thủ pháp quen thuộc của nữ nhà văn Pháp Annie Saumont. Câu chuyện trong truyện ngắn được R. Carver phơi bày rõ ràng khiến độc giả an tâm đọc một mạch từ đầu đến cuối. Chỉ ở một số truyện như “Hàng xóm” hay “Người bố”, cốt truyện được triển khai không có biến cố. Nhưng nên nhớ trong truyện ngắn, việc nhà văn tạo ra một không khí bất thường cốt chỉ để gây nên tâm trạng chờ đợi của độc giả, sau đó khiến họ ngộ ra mình bị lừa thì truyện ngắn cũng được xem như tạo một biến cố rồi. Cho nên, nhiều người không ưa truyện của R. Carver nếu họ có thói quen đọc truyện ngắn có cốt truyện kịch tính.

Sau những truyện ngắn kịch tính mẫu mực của Edgar Poe, Guy de Maupassant, O. Henry…, các nhà văn chuyên viết truyện ngắn đều cố gắng sáng tạo truyện ngắn thông qua việc loay hoay xử lý khoảnh khắc biến cố. Đến nỗi, người ta nhanh chóng đi đến kết luận khá đơn giản rằng: Nghệ thuật viết truyện ngắn là cách tạo dựng biến cố làm bất ngờ người đọc! Nhưng sau này, khi cốt truyện truyện ngắn tãi ra, “thời gian lịch sử” dài hơn “thời gian văn bản”, xuất hiện một kiểu truyện ngắn là phép cộng của một chuỗi tình tiết na ná tiểu thuyết, thể hiện tham vọng của nhà văn muốn thâu tóm càng nhiều chất liệu hiện thực, càng muốn đưa ra nhiều tầng nghĩa trong một dung lượng hạn chế. Truyện ngắn của R. Carver đi theo một ngả đường khác. Về cơ bản, truyện ngắn của R. Carver có hình thức kinh điển xuất phát từ quan niệm: Phong cách truyện ngắn là thuộc về tình tiết và sự diễn biến của truyện ngắn lại thông qua sự tập trung, dồn nén, soi chiếu của các tình tiết. Đi theo phong cách tối giản nên trong truyện R. Carver cũng không có nhiều tình tiết mà thường chỉ có một. Ít ỏi là vậy, nhưng sức nặng, tính tượng trưng và tính dự báo của các tình tiết rất đáng kể. Như truyện ngắn “Béo”, chỉ có tình tiết đơn giản là cô hầu bàn nhìn thấy thực khách to béo vào ban ngày và tối hôm đó cô chuẩn bị quan hệ với bạn trai và cảm giác béo ra. Không ai biết chắc sau ngày hôm đó, cuộc đời cô hầu bàn sẽ như thế nào nhưng chắc chắn nó đổi khác như lời cuối của truyện: “Đời tôi bắt đầu thay đổi. Tôi cảm thấy điều đó”. Nhờ sự tiết chế tối đa sự mâu thuẫn như trong tình huống kịch, R. Carver không rơi vào việc phải tìm các xử lý khoảnh khắc then chốt mà tự để câu chuyện diễn biến khách quan nhất có thể.

R. Carver thuộc mẫu nhà văn càng viết càng hoàn thiện dần những thủ pháp nghệ thuật độc đáo mang dấu ấn cá nhân. Đương nhiên, một tác phẩm văn học không chỉ có những thủ pháp nghệ thuật thuần túy, vì như vậy, vô hình trung sẽ biến công việc viết văn không khác gì công việc của người thợ thủ công; cứ cố bắt chước là sẽ có thành quả. R. Carver đã tự tìm ra cách khám phá bề sâu hiện thực cuộc sống độc đáo. Bằng cái nhìn sắc sảo, lạnh lùng cách biệt với đối tượng, ông đã mổ xẻ tài tình sự bế tắc trong cuộc sống thường nhật của một lớp người trung lưu trong xã hội Mỹ. Sự bế tắc của lớp người này không chỉ là khó khăn tiền bạc để xảy ra tình huống cười ra nước mắt khi một anh chàng tiếp thị sản phẩm cố diễn mọi trò để moi tiền một tay thất nghiệp trong truyện “Những người đi thu tiền”. Đáng kể hơn là sự nghèo nàn trong đời sống tinh thần. R. Carver đã lột tả suy nghĩ bất thường của lớp người lăn lộn để duy trì cuộc sống, giải trí thông qua phương tiện thông tin đại chúng, ngoài ra họ chẳng có thêm bất cứ điều gì tốt đẹp hơn để làm. Khá quái đản như trong truyện “Họ đâu phải chồng em”, khi người chồng bắt người vợ làm nghề hầu bàn ăn kiêng chỉ vì nghe khách hàng lui đến quán bàn về vòng ba quá khổ của người vợ. Với phong cách truyện tối giản, R. Carver không bao giờ giải quyết triệt để xung đột trong truyện; ông chỉ miêu tả tâm trạng, hành động nhân vật như một cách “mã hóa” để người đọc lờ mờ nhận ra tình cảm giữa hai người sẽ ngày càng lạnh nhạt sau yêu cầu kỳ quặc của người chồng.

Ai đó từng nói, mục đích công việc của nhà văn chỉ có một phần giống với bác sĩ là tìm ra nguyên nhân của sự bất ổn cuộc sống tưởng chừng bình thường; tìm ra giải pháp không phải là việc của các cây bút. R. Carver đã tìm ra nguyên nhân, và gieo vào tâm trí những con người đã đang và sẽ rơi vào những bất ổn một sự tỉnh ngộ. Nhưng, có vẻ R. Carver muốn đi xa hơn như trong truyện “Em làm ơn im đi, được không?” Khi người vợ tự thú có quan hệ với người đàn ông khác trước khi hôn nhân, cuộc sống gia đình đang hạnh phúc có nguy cơ đổ vỡ. Nhưng cuối truyện, mọi việc trở nên ổn thỏa khi không ai cực đoan và đều cố gắng hàn gắn tình cảm. Phải chăng, rút cuộc R. Carver đưa ra giải pháp cần mở rộng tấm lòng, giữ sự hài hòa trong tâm trí để mọi việc trong cuộc sống tốt đẹp hơn?

HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét