Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

NHỮNG KINH NGHIÊM NGHỆ THUẬT CỦA TIỂU THUYẾT CHIẾN TRANH NƯỚC NGOÀI



Chiến tranh luôn là một đề tài tạo cảm hứng bất tận cho văn học; trong đó, tiểu thuyết là thể loại văn học có nhiều thành tựu hơn cả. Mối quan hệ tốt đẹp này không hề khó hiểu. Trước hết, chiến tranh tạo ra cuộc sống bất bình thường; những cảm xúc con người lên tới cao độ, nhất là khi đối diện với cái chết. Để thể hiện sự phức tạp của chất liệu chiến tranh qua phương thức sáng tạo đặc thù của văn học thì tiểu thuyết tỏ ra có ưu thế bởi tiểu thuyết là “thể loại duy nhất còn đang chuyển biến” và “nòng cốt chưa hề rắn lại”-như nhà lý luận tiểu thuyết kiệt xuất người Nga Mi-khai-in Ba-khơ-tin (Mikhail Bakhtin, 1895-1975) từng nhận xét.

Ở các nền văn học phát triển, không chỉ có những tiểu thuyết gia từng kinh qua chiến tranh mới viết và viết hay về đề tài chiến tranh. Thời gian càng lùi xa, hiện nay, chính những nhà văn trẻ không biết đến mùi thuốc súng mới đang là chủ lực làm nên những tiểu thuyết chiến tranh hay nhất. Đặt một sự so sánh với hoàn cảnh nước ta mới dứt tiếng súng chưa lâu và trong suốt chiều dài lịch sử trải qua nhiều chiến thắng quân sự oai hùng; nhưng lại không có các tiểu thuyết xứng tầm. Vì vậy, việc tìm hiểu căn nguyên thành công của tiểu thuyết chiến tranh nước ngoài và rút ra kinh nghiệm để làm mới tiểu thuyết chiến tranh Việt Nam là điều cần thiết.

***

Trước khi sáng tác, mỗi nhà văn đều có thái độ nhìn nhận cuộc chiến dưới góc nhìn cá nhân, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của các tiểu thuyết sau này. Về cơ bản thái độ của các nhà văn nhìn chiến tranh theo hai hướng sau: Thứ nhất, xem cuộc chiến là chính nghĩa hay phi nghĩa. Ví dụ ở Mỹ, các văn nghệ sĩ nói chung xem việc quân đội Mỹ can dự vào Đệ nhị Thế chiến (1939-1945) là hợp đạo nghĩa khi họ chống lại phe Phát xít cứu loài người và nhất là họ bị tấn công trước trong trận Trân Châu cảng ngày 7-12-1941. Ngược lại, với cuộc chiến Việt Nam, các văn nghệ sĩ Mỹ đều bày tỏ hoài nghi về tính chính đáng trong việc tham chiến và nuối tiếc cái giá của cuộc chiến là quá lớn. Thái độ thứ hai là nhà văn nhìn bất cứ cuộc chiến tranh đều là thảm họa cho con người nói chung. Hai xu hướng trên xuất hiện song song nhau với nhau và đều để lại tác phẩm giá trị.

Việc lựa chọn khuynh hướng nhằm khẳng định tư tưởng là yếu tố chủ đạo trong tiểu thuyết chiến tranh chỉ thịnh hành hồi đầu thế kỷ XX như tiểu thuyết kinh điển “Phía Tây không có gì lạ” (1929) của nhà văn Đức E-ríc Ma-ri-a Rơ-mác (Erich Maria Remarque, 1898-1970). Ý nghĩa và mức độ tàn khốc của cuộc chiến như cách liệt kê trong sách giáo khoa lịch sử bị hạn chế tối đa trong tiểu thuyết chiến tranh đương đại.

Ngày nay, đa phần các nhà văn có thể lựa chọn bất kỳ một cuộc chiến nào với chức năng làm bối cảnh cho tiểu thuyết để đạt đến mục đích chính là khám phá tâm lý, tâm linh con người, nhất là người chiến sĩ. Như trong tiểu thuyết “Nhẫn thạch” của nhà văn Pháp gốc Áp-ga-nix-tan A-típ Ra-hi-mi (Atiq Rahimi) đoạt giải Goncourt 2008, kể về câu chuyện người phụ nữ Áp-ga-nix-tan chăm sóc người chồng trúng đạn sống “thực vật” trong một căn phòng chật hẹp. “Nhẫn thạch” có thể xem là một tiểu thuyết chiến tranh tối giản khi không khí cuộc chiến tàn khốc ở Áp-ga-nix-tan chỉ hiện diện thông qua tiếng súng vang vọng từ ngoài căn phòng. Cuốn tiểu thuyết lời độc thoại của người vợ với người chồng còn sống mà như đã chết, và cô đã nói hết tất cả những ẩn ức dồn nén của người phụ nữ Hồi giáo mà không cần e ngại vi phạm cấm kỵ. Những lời bộc bạch của cô có lẽ cũng là lời của một dân tộc đã quá suy kiệt vì chinh chiến suốt hàng thập kỷ. Qua “Nhẫn thạch”, chúng ta có thể rút ra một kinh nghiệm hay đó là một tiểu thuyết chiến tranh tầm cỡ không nhất thiết phải sử dụng chất liệu là những trận chiến đẫm máu với những mốc sự kiện lịch sử cụ thể mà cần chú trọng đến thân phận con người trong chiến tranh. Chú trọng làm rõ thân phận con người một cách cụ thể, có chiều sâu lập tức sẽ phản chiếu được tính chất, mức độ... của cuộc chiến.

***

Một vấn đề mà lâu nay người sáng tác văn học ở Việt Nam luôn mắc phải như húc vào tường là giải quyết vấn đề giữa văn học và hiện thực. Nhìn một cách cụ thể ở trường hợp của tiểu thuyết chiến tranh, nhiều người lo ngại thế hệ nhà văn trẻ trưởng thành sau năm 1975 chỉ biết đến chiến tranh thông qua tư liệu sẽ khó viết hay hơn các tiền bối đã có kinh nghiệm khi vừa cầm bút vừa cầm súng. Điều lo ngại nói trên là chính đáng nhưng không đáng... lo ngại! Quy luật văn học cho thấy, không phải cuộc chiến lớn sẽ cung cấp chất liệu để cho ra đời tác phẩm lớn; đồng thời, nhiều tiểu thuyết gia viết về chiến tranh chỉ thông qua tư liệu cũng có thể đạt được thành công như trường hợp nhà văn Pháp Alexis Jenni (A-lê-xi Gien-ni) sinh năm 1963 đã viết tiểu thuyết dày hơn 600 trang “Binh thư của người Pháp” (2011) đoạt Giải Goncourt 2011 về cuộc chiến của người Pháp Đông Dương và An-giê-ri.

Khoảng giữa thế kỷ XX là thời điểm các yếu tố đối nghịch với chất liệu trần trụi, tàn khốc của chiến tranh như trào phúng, huyền ảo... xâm nhập mạnh mẽ làm phong phú thêm tiểu thuyết chiến tranh, tạo ra những kiệt tác như tiểu thuyết “Lò sát sinh số 5” (1969) của nhà văn Mỹ Cớt Vôn-nê-gớt (Kurt Vonnegut, 1922-2007) viết về cuộc du hành xuyên thời gian của anh lính Bi-li Phiêu-rum (Billy Pilgrim) đang tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Với các nền văn học đi sau như Trung Quốc, Nhật Bản... những yếu tố phi thực khi kết hợp với tư duy, văn hóa và chất liệu bản địa đều tạo ra những tác phẩm độc đáo như trường hợp các tiểu thuyết của nhà văn mới đoạt giả Nobel Văn học 2012 Mạc Ngôn. Ở nước ta, tác phẩm văn học đậm chất phi thực rất hiếm, đặc biệt là trong tiểu thuyết chiến tranh, không hiểu sao các nhà văn nước ta không thử nghiệm theo hướng sáng tạo này? Hiện tại, những tiểu thuyết chiến tranh viết theo kiểu hiện thực “soi gương” gần như không còn được chú ý! Lý do là thời buổi bây giờ là thời đại nghe-nhìn, tiểu thuyết chiến tranh không thể địch nổi với phim ảnh kể cả phim tài liệu chiến tranh; thậm chí nếu một loạt bài báo viết về một trận chiến mà công phu, hấp dẫn có khi còn nhiều người đọc hơn một tiểu thuyết chiến tranh dày cộp.

Có người sẽ lý luận rằng: Các tiểu thuyết phi thực mới mẻ, hấp dẫn đấy nhưng sẽ làm mất đi cái nhìn về đầy đủ về cuộc chiến và đề tài chiến tranh cứ phải viết theo lối viết thực mới hợp lý nhất. Nhưng những người phản bác quên mất rằng, các tiểu thuyết phi thực chỉ đi tìm cách thức diễn đạt khác chứ mục đích của nó không khác các tác phẩm hiện thực là đều muốn nêu ra bản chất khốc liệt của chiến tranh và số phận con người bị thử thách thông qua chiến tranh.

***

Đành rằng, để có một tiểu thuyết lớn nói riêng và một tác phẩm văn học nói chung điều quan trọng là tài năng cá nhân nhà văn. Song, để có một nền tiểu thuyết chiến tranh đa dạng và có chất lượng, thiết nghĩ những ai cầm bút đều phải hiểu biết tối thiểu những đặc trưng của thể loại mới có thể hy vọng có những tiểu thuyết lớn.

Đầu tiên, tiểu thuyết không phải là tác phẩm tự sự cỡ lớn như lâu nay nhiều người ở nước ta quan niệm. Tiểu thuyết chỉ là tiểu thuyết khi đi theo nguyên tắc truyện kể theo xu hướng tiểu thuyết hóa với yêu cầu sáng tạo tự do, mới mẻ trong cách kể. Các tiểu thuyết chiến tranh của nước ngoài không chỉ đạt đến tầm cao của tư tưởng mà còn đi rất xa trên con đường hình thức với nghệ thuật cấu trúc truyện kể tinh vi. Yếu kém trong nghệ thuật cấu trúc văn bản không chỉ có trong tiểu thuyết chiến tranh Việt Nam mà còn nhìn rộng ra cả nền văn học. Giải pháp này thực ra nằm ở chính trong mỗi nhà văn khi anh ta phải luôn tìm cách đổi mới cách kể nhằm hấp dẫn người đọc.

Đặc trưng quan trọng khác của tiểu thuyết là thể loại cho phép nhà văn đổi mới ngôn ngữ triệt để. Quan niệm cũ xem ngôn ngữ là phương tiện chứ không phải mục đích vẫn khá phổ biến. Hầu hết tiểu thuyết Việt Nam đều sử dụng ngôn ngữ trung tính như lời nói hàng ngày mà quên mất rằng ngôn ngữ có nhiều biến thể mang tính thẩm mỹ ở nhiều trường hợp khác nhau có thể áp dụng vào trong tiểu thuyết. Ví dụ như, tiểu thuyết “Đàn hương hình” (2001) của Mạc Ngôn nói về cuộc loạn chiến giữa quân triều đình nhà Thanh, quân nông dân khởi nghĩa và cả quân nước ngoài; nhưng sử dụng ngôn ngữ kịch Miêu xoang nên tiểu thuyết trở nên lạ lùng khi cốt truyện hấp dẫn đặc trưng tiểu thuyết nhưng khi đọc lại cảm tưởng như đang ở trong nhà hát xem kịch cổ điển. 

Tiểu thuyết như đã nói là thể loại tự do nhất trong văn học. Cốt lõi để có tiểu thuyết hay là nhà văn có nhiều ý tưởng để sáng tạo và quan trọng là có bản lĩnh dám đi đến cùng những ý tưởng đó không. Chất liệu chiến tranh dồi dào, nhiều phương pháp sáng tác tiên tiến đã và đang được phổ cập ở Việt Nam, đó là những cơ sở để tin nhà văn Việt Nam sẽ sáng tác được nhiều tiểu thuyết chiến tranh hay trong tương lai.  

HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét