Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

THỜI ĐÀM (XXXII): MỘT THÁCH THỨC... THÚ VỊ



Từ cuộc tọa đàm về truyện ngắn dự thi trên Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) mới đây, bước đầu lộ ra một sự thật khá nhiều người hiểu rõ từ lâu nhưng không ai mạnh miệng nói ra đó là: Truyện ngắn đang lâm vào khủng hoảng!
     Sự khủng hoảng ở đây hiểu theo hướng chất lượng chứ không phải số lượng. Người viết truyện ngắn vẫn đông đảo và luôn trẻ hóa đội ngũ - đây là điều mà ở lĩnh vực nghiên cứu văn học và tiểu thuyết luôn ghen tỵ; nhưng truyện ngắn hay, gây xôn xao dư luận cứ thưa dần. Những “cú sốc” mà truyện ngắn mang lại gần đây nhất là “Cánh đồng bất tận” (Nguyễn Ngọc Tư) và “Bóng đè” (Đỗ Hoàng Diệu) từ năm 2005 hay sự xuất hiện của giải nhất truyện ngắn Báo Văn nghệ năm 2007 của “lão nông viết văn” Ngô Phan Lưu cũng đã qua lâu. Nền truyện ngắn rộng mà đỉnh cao ít, tại sao lại như vậy? Bao giờ thời hoàng kim truyện ngắn như những năm cuối 1980 đầu 1990 trở lại?
     Quay ngược lại lịch sử, thời kỳ văn học đầu những năm Đổi mới được xem là thời kỳ đỉnh cao của truyện ngắn Việt Nam. Thời kỳ này truyền thông đại chúng chưa phát triển, văn học đương nhiên vẫn đang chiếm ưu thế. Thêm vào đó, thời kỳ này đời sống đang vận động mạnh mẽ, nảy sinh nhiều cái mới, đôi khi tạo ra mâu thuẫn với cái cũ. Đây chính là mảnh đất màu mỡ chất liệu cho truyện ngắn vì bản chất của truyện ngắn là từ một xung đột rất nhỏ cũng tạo ra một cốt truyện. Khi những yếu tố khách quan thuận lợi không còn, cộng với việc trình độ người đọc nâng cao và sự lớn mạnh của văn học dịch cũng như việc người người đua nhau viết tiểu thuyết khiến truyện ngắn thu hẹp phạm vi ảnh hưởng đáng kể.
     Đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan thì khá dễ, nhìn thẳng vào nguyên nhân chủ quan mới khó. Truyện ngắn có khả năng biến hóa cao về dung lượng (từ vài chục từ cho đến vài chục trang), phân loại (kỳ ảo, khôi hài, hiện thực…) và nội dung (mọi thứ đều có thể tạo biến cố trong cốt truyện). Truyện ngắn tự do như vậy đồng nghĩa với việc nhà văn thỏa sức sáng tạo nhưng thực tế truyện ngắn Việt Nam đương đại không khác nhiều truyện ngắn 20-30 năm trước. Vẫn là lối kể truyện rề rà, nệ thực, lộ liễu truyền đi một thông điệp khoác cái áo nhân văn hoặc giáo dục… Sự nghèo nàn trong sáng tạo truyện ngắn xuất phát từ nhận thức cũ kỹ: Truyện ngắn hay là kể một câu chuyện bằng dung lượng ngắn một cách rõ ràng. Như đã nói ở trên, truyện ngắn tự do trong thể hiện nhưng để có một truyện ngắn có sức nặng lại đòi hỏi công phu của người viết. Chi tiết nào là chủ đạo trong truyện? Cốt truyện phát triển đến độ nào thì dừng lại để tạo ra kết cấu thích hợp? Chọn giọng điệu, kiểu ngôn từ nào hợp với tâm trạng nhân vật và đủ để truyền tải thông điệp ngầm ẩn? Chưa kể, các yếu tố trong truyện ngắn cần hài hòa với nhau để tạo ra một chỉnh thể nghệ thuật. Bỏ bẵng đi nhu cầu đổi mới mà vẫn loay hoay dưới cái bóng của mô hình truyện ngắn cũ là nhược điểm chí tử của truyện ngắn hiện nay.
     Chưa bao giờ như bây giờ, yêu cầu cách tân truyện ngắn cấp thiết hơn vì cũng như mọi thứ tồn tại trên đời, truyện ngắn cần một sự biến dịch. Việc thay đổi sẽ mang lại một giá trị bất hủ, vĩnh hằng thì e rằng là tham vọng quá lớn; nhưng nếu không thay đổi cách viết truyện ngắn sẽ lặp lại chính mình, đến và đi rất nhanh trong trí nhớ người đọc. Thêm vào đó, đọc truyện ngắn khá mệt mỏi vì cũng như thơ, đòi hỏi người đọc phải đọc chậm rãi nhiều lần mới hiểu các bí mật nhà văn cất giấu đằng sau câu văn. Đòi hỏi từ khách quan bạn đọc lẫn chủ quan làm mới của thể loại là một thách thức… thú vị với các cây bút truyện ngắn Việt Nam mà sớm hay muộn họ phải thực hiện.
     Nếu được quyền lạc quan thì mong sao lại xuất hiện một cây bút truyện ngắn xuất sắc mới tinh để chí ít xua đi vẻ ảm đạm bao trùm lên truyện ngắn nước nhà. Sự xuất hiện này không chỉ kéo người đọc quan tâm đến truyện ngắn, mà còn tạo động lực cho người viết.
                                                 HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét