Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

THỜI ĐÀM (XXX): NGHĨ VỀ ĐẠO THẦY TRÒ HÔM NAY



Truyền thống “tôn sư trọng đạo” có thể tìm thấy ở bất cứ xã hội nào và thời đại nào. Điều này không chỉ đơn thuần là quan niệm về cách cư xử mà đã trở thành một phạm trù đạo đức.

    Nước ta, do hoàn cảnh lịch sử, văn hóa-xã hội nên việc yêu quý người thầy, xem nghề giáo là nghề cao quý, luôn được thể hiện đậm đà. Từ thời Hoàng đế Lê Thánh Tông (cuối thế kỷ XV), khi Nho giáo độc tôn khiến cho con đường tiến thân của muôn dân chỉ còn cách duy nhất là học ngày học đêm thi đỗ để ra làm quan. Nếu không may mắn đỗ đạt thì về quê làm thầy để “hành đạo” theo lý tưởng Nho giáo. Mặt khác, Nho giáo là học thuyết cai trị thời bình, quy giản toàn bộ các quan hệ phức tạp của con người vào “tam cương, ngũ thường”. Và nếu giản lược hơn nữa là quan hệ cha-con kiểu thứ bậc cao thấp. Thầy được xem như đấng sinh thành thứ hai như lời một bài hát thiếu nhi vô tình rất đậm chất… Nho giáo: “Khi đến trường, cô giáo như mẹ hiền”.

Tình thầy trò tốt đẹp được duy trì ổn định suốt mấy trăm năm in dấu trong truyền thuyết về người con thủy thần học trò của thầy Chu Văn An cho đến những chuyện đời thường như thầy cưu mang trò nghèo… Ngày hôm nay, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ít nhiều bị mặt trái cơ chế thị trường làm méo mó, trong đó đáng lo ngại là tình cảm thầy trò không còn thân thiết như cha-con trong một nhà mà ngày càng thực dụng hóa. Muốn có bảng thành tích đẹp trong học tập không thể không “đi thăm” thầy với đủ quà cáp, phong bì này nọ. Tư cách người thầy ở một số giáo viên hiện đang khá thảm hại. Có chuyện một giảng viên đại học hẳn hoi lên lớp nói thẳng: "Đi dạy mà nhà trường chỉ trả vài trăm ngàn đồng thì con cái ở nhà chỉ có nước chết đói"! Những sinh viên đương nhiên không còn là những đứa trẻ ngây thơ mà thừa hiểu giảng viên đã “bật đèn xanh” thì phải làm gì tiếp theo…

Văn hóa Nho giáo là nền văn hóa biết xấu hổ. Văn hóa xấu hổ xuất phát từ tư tưởng đức trị, biến đạo đức thành một thứ luật vô hình, lạt mềm nhưng buộc chặt. Đối tượng do sợ xấu hổ vì thế mà không dám làm liều. Nhưng một khi hiện tượng đáng xấu hổ (mà không xấu hổ) trở thành phổ biến thì ai cũng có thể làm mà không bị lên án. Sự nguy hiểm của tính thực dụng trong quan hệ thầy trò ở chỗ, những học trò mai này trở thành người có tiền, có quyền, nhiều khả năng kế tục việc… “làm liều” do nhiễm tính thực dụng từ người thầy hồi còn đi học.

Chẳng khó khăn để tìm ra nguyên nhân cho những hành động vô đạo đức của những người thầy lẽ ra phải là tấm gương đạo đức cho học trò noi theo. Ai cũng biết đồng lương cho giáo viên thấp như thế nào. Những người thầy nào đa năng, giỏi quan hệ may ra mới có thu nhập kha khá; còn lại đều phải đi làm thêm những nghề lao động chân tay khác. Nỗi buồn giáo viên “tranh thủ đi dạy”, nghề chính thành nghề phụ cách đây mấy chục năm đâu đã hết. Đơn xin ra khỏi ngành cũng không phải là ít; nhiều giáo viên bỏ nghề còn ngậm ngùi: Nếu phải lựa chọn lại, họ sẽ không chọn nghề giáo nữa.

Nhiều giáo viên sống chết với nghề thì tìm cách dạy thêm ngoài giờ. Chiểu theo Thông tư số 17 quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 16-5-2012 không hề cấm dạy thêm nếu đáp ứng những quy định thủ tục, nhưng nhiều nơi cấm hẳn và rình bắt dạy thêm như… bắt trộm. Còn gì tủi hổ hơn khi giáo viên bị bắt quả tang, lập biên bản tại chỗ, đề nghị ký xác nhận vi phạm dạy thêm trước mặt học trò. Thiết nghĩ, làm luật cần phải bám sát cuộc sống và khi thi hành luật cần có hướng tạo điều kiện cho những giáo viên sống bằng nghề một cách chân chính, đừng để họ tha hóa.

Cứ mỗi dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 đến, tôi lại chợt nhớ hình ảnh anh xe ôm hiền lành, nhễ nhại mồ hôi chở tôi đi công tác ở một huyện miền núi xa xôi; rụt rè thổ lộ là Phó hiệu trưởng một trường tiểu học tranh thủ nghỉ hè đi làm thêm. Tôi tin những người thầy kiên trì vượt qua gian khó dạy chữ, dạy làm người cho học trò như anh vẫn là số đông. Nhưng, không thể để những người thầy cứ phải tự mình gánh nhiều khó khăn trong nghề nghiệp và cuộc sống như thế; sự chung tay quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội sẽ làm những người thầy vững tin hơn ở nghề nghiệp cao quý mà họ đã chọn.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét