Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

MIKHAIL BAKHTIN, NHÀ LÝ LUẬN TIỂU THUYẾT KIỆT XUẤT



     Nhắc đến Mi-khai-in Ba-khơ-tin (Mikhail Bakhtin, 1895-1975) giống như nhắc về một nhân vật huyền thoại nhiều hơn là một học giả có thật. Đến ngay những chuyên gia về M. Ba-khơ-tin cũng không thể hiểu nổi làm thế nào mà người đàn ông suốt đời đau yếu, tật nguyền, chỉ học dự thính đại học, nhiều năm sống ở vùng quê hẻo lánh lại gây dựng được sự nghiệp học thuật vĩ đại. Ngay từ khi còn sống, M. Ba-khơ-tin đã được liệt vào hàng những nhà khoa học nhân văn hàng đầu không chỉ của nước Nga mà cả trên thế giới.

     Sự nghiệp M. Ba-khơ-tin to lớn và đa dạng: Triết học, văn hóa học, mỹ học, ngữ văn học…; cho nên, người ta gọi ông là nhà bác học kiểu cổ điển cuối cùng của nước Nga. Khoảng chục năm trước khi qua đời, tên tuổi của M. Ba-khơ-tin mới được biết đến rộng rãi ở Nga và phương Tây. Đến nay, giới nghiên cứu vẫn tiếp tục tìm hiểu di sản của M. Ba-khơ-tin và nhiều người kinh ngạc khi trong các công trình của M. Ba-khơ-tin có tính dự báo về một số đặc trưng của thời hậu hiện đại. Song lĩnh vực được chú ýsớm nhất và nổi tiếng nhất của M. Ba-khơ-tin vẫn là lý thuyết về tiểu thuyết.

     Trong công trình nổi tiếng “Những vấn đề thi pháp Đốt-tôi-ép-xki” xuất bản năm 1929 (Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dịch, NXB Giáo dục, 1993), M. Ba-khơ-tin đã nêu ra phát hiện về tính đa âm (polyphonique) xuất hiện lần đầu tiên trong các tiểu thuyết của Đốt-tôi-ép-xki. Đa âm là thuật ngữ M. Ba-khơ-tin mượn từ âm nhạc để chỉ hiện tượng các bè đều bình đẳng, khác với đơn âm (monologique) có phân biệt bè chính và bè phụ. M. Ba-khơ-tin chỉ rõ trong tiểu thuyết của Đốt-tôi-ép-xki không chỉ có tiếng nói và
ý thức của tác giả mà còn có nhiều giọng điệu và suy nghĩ của nhân vật bình đẳng với tác giả, lẫn vào nhau như đang cãi vã lẫn nhau. M. Ba-khơ-tin nhận xét: “Đốt-tôi-ép-xki là người sáng tạo ra tiểu thuyết đa âm… Trong tác phẩm của ông xuất hiện loại nhân vật mà tiếng nói của nó được xây dựng giống như tiếng nói của tác giả trong tiểu thuyết thông thường”. Như vậy, trong tiểu thuyết của Đốt-tôi-ép-xki, phát ngôn của nhân vật do nhà văn viết ra nhưng không biểu hiện ý thức của tác giả thay vào đó là của nhân vật.

     Lý thuyết về giọng điệu tiểu thuyết của M. Ba-khơ-tin vốn được triển khai từ nguyên tắc đối thoại đặc thù của con người. M. Ba-khơ-tin chỉ rõ Đốt-xtôi-ép-xki đã xây dựng tiểu thuyết của ông như một cuộc đối thoại lớn, dệt nên từ những cuộc đối thoại nhỏ gọi là “vi thoại” (microdialogue)-tương ứng với mỗi chữ, mỗi lời. Tinh thần đối thoại ngấm vào từng chữ, từng cử chỉ của nhân vật để diễn tả những mâu thuẫn nội tâm của nhân vật như những đoạn độc thoại của Ra-cô-ni-cốp trong tiểu thuyết “Tội ác và trừng phạt” gợi lại lời nói của những nhân vật khác xung quanh anh ta.

     M. Ba-khơ-tin cũng đã tìm ra sự khác biệt tiểu thuyết đa âm và tiểu thuyết đơn âm. Ba-khơ-tin xem hiện tượng đơn âm là tất cả những đối thoại phát xuất từ tác giả, được tác giả áp đặt suy nghĩ đối với nhân vật của mình. Trong tiểu thuyết đơn âm các nhân vật có nói chuyện với nhau nhưng không đối thoại với nhau do nội tâm nhân vật và tác giả khép kín, không hề có mối liên hệ
ý thức. M. Ba-khơ-tin kết luận rằng: Hồi ký, tự thuật, truyện lịch sử, truyện phong tục, anh hùng ca và thơ là những thể loại đơn âm.

     Qua l
‎‎ý thuyết về giọng điệu tiểu thuyết có thể xem M. Ba-khơ-tin là người tiếp tục phát triển nghiên cứu văn học thông qua hình thức. M. Ba-khơ-tin không đồng ý với các nhà hình thức Nga xem hình thức chỉ là tập hợp các thủ pháp nghệ thuật thuần túy mà thực ra phải là hình thức của cái nhìn, thể hiện thế giới quan của chủ thể.

     Trong một số công trình khác được in chung trong cuốn “L‎‎ý luận và thi pháp tiểu thuyết” (Phạm Vĩnh Cư dịch, Trường Đại học Viết văn Nguyễn Du xuất bản, 1992), M. Ba-khơ-tin còn nỗ lực xác định những vấn đề quan trọng khác của tiểu thuyết như: Xác định tiểu thuyết là thể loại duy nhất đang chuyển biến và còn chưa định hình; tiểu thuyết ôm chứa mọi thể loại khác và “tiểu thuyết hóa” chúng; tiểu thuyết là sự pha tạp nhiều loại phong cách (kể truyện trực tiếp, lối kể truyện truyền khẩu, lối trần thuật, lời nói của các nhân vật…) được trộn lẫn với nhau thành một hệ thống văn chương khống chế toàn bộ tác phẩm; những biến cố chính chứa đựng trong tác phẩm tạo ra nút thắt, mở trong tiểu thuyết nằm trong “thời-không-gian”…

     Theo nhà phê bình văn học Pháp gốc Bun-ga-ri T. Tô-đô-rốp thì M. Ba-khơ-tin có tham vọng phát triển các suy nghĩ của ông thành triết thuyết, nhưng do nhiều lý
do ông phải “đi đường vòng” thể hiện các tư tưởng của mình thông qua việc nghiên cứu văn học, đặc biệt là tiểu thuyết. Với một bộ óc thiên tài như của M. Ba-khơ-tin, sản phẩm phụ hóa lại thành một sản phẩm chính, giúp tên tuổi ông trở nên bất tử. Ngày nay, những lý luận tiểu thuyết của M. Ba-khơ-tin đã trở nên quen thuộc song không vì thế mà giảm đi khả năng ứng dụng trong việc nghiên cứu tiểu thuyết.

HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét