Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

THỜI ĐÀM (XXVIII):NÓI THÊM TỪ VỤ "CANH GÀ THỌ XƯƠNG"....



Bài đăng đã lâu giờ mới post bản đầy đủ :)

Vừa qua, ở lĩnh vực giáo dục xảy ra chuyện hài, về việc hiểu sai cụm từ “canh gà Thọ Xương” là đặc sản Hà Nội của một số em học sinh lớp 7 Trường Lomonosov (Hà Nội) mà cô giáo H.T.T.T vẫn cho 8 điểm. Bắt lỗi ai đúng ai sai thôi thì cũng không quan trọng nữa, mọi việc có vẻ đi quá xa khi phe ủng hộ lẫn phản đối cô giáo “canh gà Thọ Xương” không tiếc lời mắng nhau.

Tuy nhiên, có một chuyện đằng sau vụ việc “canh gà Thọ Xương” cần nói rõ đó chính là về văn bản 4 câu: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”, được giảng rộng rãi là ca dao.

Văn bản trên thực chất đây chưa thể gọi là ca dao được, vì các tài liệu còn sót lại chứng minh tác giả là nhà thơ Dương Khuê (1839-1902). Dương Khuê (1839-1902) người làng Vân Đình, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Năm Mậu Thìn (1868) thời vua Tự Đức, ông thi đỗ tiến sĩ. Là người văn hay, chữ tốt, ông sáng tác nhiều bài thơ hay trong đó có bài “Hà Nội tức cảnh”, nguyên văn như sau: “Phất phơ ngọn trúc trăng tà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày An Thái, mảnh gương Tây Hồ”, (dẫn theo Trần Trung Viên trong “Văn đàn bảo giám”, NXB Nam Ký, Hà Nội, 1926).

Rõ ràng, đây là bài thơ có giá trị vì những câu tả cảnh tuyệt vời, cho nên dễ hiểu vì sao nó đi vào trí nhớ dân chúng đến mức bị biến thành ca dao. Tất nhiên, bài thơ này cũng như thơ ca trung đại nói chung khá khó hiểu với người ngày nay do nhắc đến các địa danh cũ và tính ước lệ như: Thọ Xương là tên huyện, quanh vùng Hồ Gươm của Hà Nội ngày trước. An Thái là làng làm giấy, có tiếng giã giấy thuộc vùng Bưởi (Hà Nội). “Ngàn” tương đương với “bờ”, chứ không phải “rừng” hay “một ngàn”.
Một cô giáo trẻ như cô giáo T. và các em học sinh chắc rằng không thể biết rõ nguồn gốc của bài “ca dao” nói trên được. Có trách là tại sao những người biên soạn sách và giảng dạy cho chính cô T. đã không cẩn trọng nghiên cứu, tìm hiểu lai lịch văn bản thơ trên là bài “Hà Nội tức cảnh” của cụ Dương Khuê, vì tài liệu dẫn trên hiện lưu trữ trong Thư viện Quốc gia, tra cứu rất dễ dàng.

Có người sẽ đặt câu hỏi: Có nhất thiết phải giảng dạy kỹ nguồn gốc, ‎‎nghĩa của văn bản thơ trên cho học sinh lớp 7 không? Câu trả lời là chẳng có cái gì là thừa cả. Đừng nghĩ rằng, học sinh tầm tuổi đó chỉ là đứa trẻ tuổi ăn tuổi chơi vô tư lự;  ở phương Tây, học sinh tầm tuổi này đã bắt đầu làm quen với triết học nhập môn. Đành rằng, lứa tuổi học sinh trung học phổ thông, học văn là học cảm thụ cái đẹp của nội dung tác phẩm, sự tinh tế của ngôn từ và cả kỹ xảo tổ chức văn bản. Nhưng tác phẩm văn chương vốn không thể thoát ly bối cảnh văn hóa, nền tảng chính trị-xã hội thời điểm tác phẩm ra đời; cho nên, nếu học văn mà bỏ sót tìm hiểu cả những điều liên quan đến tác phẩm là điều đáng tiếc.

Quan trọng hơn, học văn còn có thể giúp tư duy học sinh phát triển ở chỗ là tìm ra nhiều cách đọc, cách hiểu cho tác phẩm. Chẳng hạn, bài thơ nổi tiếng “Bạn đến chơi nhà” của nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835-1909) lâu nay vẫn hiểu là bài thơ cảm động về tình bạn. Nhưng, có người đã có bằng chứng cho hay là vị khách đến chơi nhà Nguyễn Khuyến vốn không được nhà thơ yêu mến cho lắm nên làm bài thơ này để… đuổi khéo. Thực hư bối cảnh ra đời bài thơ thế nào, hãy chờ các nhà nghiên cứu văn học trung đại tiếp tục tranh luận. Chỉ biết rằng, thời xưa, các cụ đến chơi nhà nhau không như con cháu bây giờ là chỉ đến chơi một vài ngày mà là cả tháng. Với những thứ “cây nhà lá vườn” sẵn có và với thời gian một tháng, chẳng lẽ Nguyễn Khuyến không đãi khách một bữa cơm thịnh soạn mà lại phải dùng những câu tỏ vẻ nuối tiếc rằng bạn đến chơi không đúng thời điểm? Với lại, Nguyễn Khuyến là nhà nho quân tử, một khi đã ghét ai hay cái gì là dùng thơ đả kích (hoặc bóng gió) như làm thơ chửi bọn Tây lẫn bọn gái đĩ...

Còn rất nhiều vấn đề trong di sản văn chương dân tộc cần nghiên cứu kỹ hơn để hiểu những câu chuyện quá khứ, cách nghĩ của cha ông. Làm như vậy, là để học sinh có tư duy độc lập, yêu thêm lịch sử dân tộc và tránh những câu chuyện cười ra nước mắt như vụ việc “canh gà Thọ Xương”!

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét