Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

CÙNG BÀN LUẬN (XVI): LÀM "SỐNG LẠI" NHỮNG DI TÍCH CÁCH MẠNG


Càng đến gần những ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước như Quốc khánh 2-9, nhu cầu của du khách được trở về các di tích gắn liền với quá trình kháng chiến gian khổ giành độc lập tự do cho Tổ quốc của quân và dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh càng tăng lên. Vẫn biết rằng, thời nay không thiếu những phương tiện hiện đại để giáo dục truyền thống Cách mạng, nhưng không cách nào sinh động bằng được đi tận nới, nhìn tận mắt những di tích gắn liền với sự kiện và nhân vật in dấu trong lịch sử Cách mạng Việt Nam, đặt nền móng cho nền độc lập của đất nước, sự no ấm của nhân dân ngày hôm nay.

Tầm quan trọng của di tích Cách mạng cơ bản đã được các cơ quan chức năng nhận thức đúng đắn; từ đó, đã có những biện pháp bảo vệ, trùng tu và phát triển giá trị di tích. Như địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), những người có trách nhiệm không chỉ gìn giữ tốt một số đoạn đường hầm, mà còn giữ cả khu rừng nguyên sinh, giữ nguyên đường đất đi vào địa đạo. Cao hơn nữa là dựng lại một phần nhỏ đủ hình dung cuộc sống trong lòng địa đạo Củ Chi. Còn gì thú vị và cảm động hơn sau khi tham quan địa đạo, du khách được ăn những miếng sắn luộc từng là thức ăn của của cán bộ, chiến sĩ vùng “đất thép” gian khổ năm xưa!

Nhưng không phải ở đâu những di tích Cách mạng cũng phát huy được giá trị như địa đạo Củ Chi. Ở huyện Định Hóa (Thái Nguyên)-vùng ATK trong kháng chiến chống Pháp mới chỉ có 19/129 di tích được xếp hạng. Không được xếp hạng đồng nghĩa với việc di tích không được bảo vệ trước sự hủy hoại của tự nhiên và tệ hơn là của con người. Nhiều di tích chiến tranh nổi tiếng thế giới, ghi lai chiến công hiển hách thời đại ta, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, nhưng lại rơi vào tình trạng "dự án treo" đến cả một thập kỉ, như hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra tại Quảng Trị.

Phục hồi các di tích Cách mạng là đòi hỏi cấp thiết nhưng vẫn hết sức thận trọng tránh những cách làm vô nguyên tắc. Trong quá trình phục hồi các di tích, chính quyền địa phương cần phải “cầu thị và bắt tay” chặt chẽ với các nhà khoa học (đặc biệt là các nhà sử học) để phục hồi chính xác hiện trạng di tích trong quá khứ. Bởi một khi phục dựng sai sẽ phản lại giá trị giáo dục!

Với những di tích đặc biệt không khác gì một “bảo tàng ngoài trời" khổng lồ như Điện Biên Phủ cần có những kế hoạch phục dựng trung thực bằng tầm cao nghệ thuật và khoa học hiện đại. Điểm độc đáo trong nghệ thuật quân sự của quân đội ta trận Điện Biên Phủ là chiến thuật công kiên. Đặt giả thiết rằng, những đường hào từng là “thòng lọng” kết liễu quân đội Pháp được phục hồi, du khách sẽ hiểu sâu sắc tầm quan trọng sự thay đổi phương án tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc”, là quyết định chính xác và "khó khăn nhất" trong đời cầm quân của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, vốn chỉ được đọc trong sách vở và nghe kể như huyền thoại.    

Muộn và khó vẫn phải làm! Lịch sử giữ nước của dân tộc ta trong thế kỉ hai mươi sự thật mà ngỡ như huyền thoại. Nếu không nhanh phục dựng những di tích cách mạng thì không chỉ hôm nay thế hệ trẻ lãng quên quá khứ, mà muôn năm sau sự thật sẽ trở nên hư ảo, mờ nhạt. Sẽ rất nguy hiểm với nền văn hóa dân tộc ta, khi tuổi trẻ mai sau hiểu biết hạn chế về dân tộc, về cha ông mình, mất đi nguồn sữa truyền thống Cách mạng nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc và khí phách của một dân tộc anh hùng. "Việc hôm nay chớ để ngày mai". Làm sống lại những di tích Cách mạng là việc làm vừa cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài./.

          HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét