Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2011

VÒNG CHUNG KẾT GIẢI VÔ ĐỊCH BÓNG ĐÁ CHÂU Á 2011: NGÔI VƯƠNG KHÓ ĐOÁN

Sau hơn 1 năm thi đấu vòng loại từ tháng 1-2009 đến tháng 3-2010, 10 đội bóng đứng thứ nhất và nhì 5 bảng đấu đã giành vé dự AFC Asian Cup 2011 cùng với 6 đội được vào thẳng là đội chủ nhà Ca-ta, 3 đội giành huy chương tại AFC Asian Cup 2007 là I-rắc, Ả-rập Xê-út, Hàn Quốc và 2 đội vô địch AFC Challenge Cup là Ấn Độ (2008) và CHDCND Triều Tiên (2010). Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Á 2011 là lần thứ Vòng chung kết thứ 15 sẽ được tổ chức từ ngày 7 đến 29-1 tại 5 sân vận động ở đất nước vùng Tây Á Ca-ta.

Qua lễ bốc thăm tại thủ đô Đô-ha hôm 23-4-2010, đã xác định 4 bảng đấu của Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Á 2011 bao gồm:
Bảng A: Ca-ta, Cô-oét, Trung Quốc, U-dơ-be-kít-xtan.

Bảng B: Ả-rập Xê-út, Nhật Bản, Gióc-đan-ni, Sy-ri.

Bảng C: Hàn Quốc, Ốt-xtrây-li-a, Ấn Độ, Ba-ranh.

Bảng D: I-rắc, CHDCND Triều Tiên, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (U.A.E), I-ran.

Chưa cần nhìn vào cục diện các bảng đấu mà chỉ cần xướng tên các đội bóng lọt vào Vong chung kết có thể thấy AFC Asian Cup 2011 đã quy tụ đầy đủ các anh tài ở làng túc cầu châu Á. Trình độ các đội bóng không quá chênh lệch nhau, đây được xem là tiền đề hứa hẹn sức hấp dẫn mang tính cạnh tranh cao của giải đấu lần này.

Nếu xét tương quan các bảng đấu, dễ dàng nhận ra ngay bảng D chính là “bảng tử thần”. Ngoài đương kim vô địch I-rắc đang quyết tâm bảo vệ ngôi vương tại AFC Asian Cup 2007 mà nhiều người cho rằng “ăn may” thì 3 đội còn lại đều có thực lực đáng nể. I-ran chính là đội bóng giàu thành tích nhất tại các kì AFC Asian Cup (3 lần vô địch, 4 lần xếp thứ 3); CHDCND Triều Tiên với lối chơi kỷ luật, từng gây khó cho Bra-xin tại World Cup 2010 vừa qua chí ít đã đặt mục tiêu lọt vào vòng loại trực tiếp, U.A.E tuy không được đánh giá cao song dưới sự chèo lái của HLV-cựu cầu thủ X-lô-ven-ni-a Srecko Katanec biết đâu lại gây bất ngờ?

Bảng B và C có lẽ sẽ không làm khó các chuyên gia dự đoán các suất vào vòng trong. Nếu không có nhiều bất ngờ, ở bảng B, Ả-rập Xê-út và Nhật Bản sẽ đi tiếp cho dù Sy-ri chưa bao giờ bị xếp là đội bóng “lót đường”; ở bảng C, Hàn Quốc và Ốt-xtrây-li-a-hai đội tuyển có đẳng cấp ngang tầm thế giới hẳn sẽ không khó khăn khi qua mặt Ba-ranh, riêng Ấn Độ-đất nước đông dân thứ 2 thế giới chưa bao giờ được đánh giá cao ở môn bóng đá bởi thế mạnh của thể thao nước này là bóng chày và bóng bầu dục. Bảng A dù không có “đại gia” nào góp mặt song lại là bảng đấu khó dự đoán bởi lẽ trình độ các đội đều ngang bằng nhau, chỉ có Ca-ta với tư cách chủ nhà sẽ có lợi thế tinh thần hơn các đội còn lại.

Ngoài Ốt-xtrây-li-a như một đội bóng châu Âu ngoài lục địa có thể tranh giành ngôi vô địch, cuộc đua đến ngôi vương lục địa vàng thực chất vẫn là sự cạnh tranh của hai trường phái bóng đá đến từ Đông Á là Hàn Quốc và Nhật Bản, bên kia là các đội bóng Tây Á là I-ran, Ả-rập Xê-út, I-rắc, Cô-oét. Đánh giá trên không chỉ dựa vào thống kê là 6 đội bóng vừa kể trên vô địch thay nhau 14 lần vô địch trong 15 Vòng chung kết AFC Asian Cup mà thực chất trình độ bóng đá hai khu vực trên đã vượt các đội bóng khác ở châu Á. Có chăng năm nay, Ốt-xtrây-li-a sẽ phá vỡ cán cân hiện tại như Ix-ra-en (đội bóng có các cầu thủ đều gốc châu Âu) từng làm được vào năm 1964.

Nhờ cơ hội vô địch được chia đều cho nhiều đội bóng có lối chơi khác nhau nên dẫu chất lượng chuyên môn của AFC Asian Cup vẫn chưa thể so được với Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO), Cúp bóng đá Nam Mỹ (Copa America) hay Cúp bóng đá châu Phi (CAN) thì AFC Asian Cup vẫn là giải đấu đáng xem vào đầu năm mới 2011.

HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét