Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

TRIỂN LÃM “TUỔI TRẺ ANH HÙNG-TRUYỀN THỐNG VẺ VANG”: ẤN TƯỢNG MẠNH VỚI TUỔI TRẺ

Năm 2011 đánh dấu mốc quan trọng: 80 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đặc biệt hơn khi năm 2011 được chọn là Năm Thanh niên. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tổ chức triển lãm với chủ đề “Tuổi trẻ anh hùng-Truyền thống vẻ vang”, khai mạc vào ngày 15-3 vừa qua.

Kịp thời và sáng tạo

Triển lãm đã trưng bày 500 hình ảnh, tài liệu hiện vật và 6 bộ sưu tập của triển lãm với chủ đề “Tuổi trẻ anh hùng-Truyền thống vẻ vang” đã phản ánh những cống hiến của tuổi trẻ Việt Nam trong suốt 80 năm qua.

Điểm nhấn của triển lãm là hai giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với những gương anh hùng, liệt sĩ trẻ tuổi như La Văn Cầu, Võ Thị Sáu... cùng những kỷ vật tiêu biểu của lớp lớp bộ đội, dân quân du kích, thanh niên xung phong đã hiến dâng tuổi thanh xuân để hoàn thành sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước. Song, theo Đại tá, tiến sĩ Nguyễn Xuân Năng (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam), điều mà triển lãm “Tuổi trẻ anh hùng-Truyền thống vẻ vang” muốn khái quát là vai trò của thanh niên đến tiến trình lịch sử dân tộc. Cho nên, triển lãm còn tập trung đến các phong trào Đoàn trong suốt 80 năm qua lôi cuốn hàng triệu thanh niên hăng hái thi đua như: “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Ba xung kích làm chủ tập thể”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”... Một phần lịch sử hào hùng của dân tộc được đánh thức, sống động, gây ấn tượng mạnh với người xem, nhất là lớp trẻ.

Ngoài ra, triển lãm còn sáng tạo khi sắp đặt thêm các bức tranh và pa-nô về lịch sử Đoàn. Theo Đại úy Lò Thị Xuân, cán bộ Phòng nghiên cứu-Sưu tầm-Quản lý nghiệp vụ, góc triển lãm nhằm phổ biến kiến thức về lịch sử của Đoàn cho các bạn trẻ vì đơn giản không phải ai cũng có cơ hội hiểu biết cặn kẽ.

Sự kịp thời và sáng tạo đã khiến triển lãm thu hút rất đông khách tham quan ngay cả khi thời tiết Hà Nội trở lạnh đột ngột vào ngày khai mạc. Bạn Hoàng Anh Tuấn, Sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam rất hồ hởi với triển lãm bởi lần đầu tiên bạn được tận mắt xem lọ hoa làm từ vỏ ốc và dây điện hay chiếc súng bắn cá của các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh giữ quần đảo Trường Sa để cảm phục hơn tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” của người chiến sĩ hôm nay. Có suy nghĩ khác, Thượng sĩ Nguyễn Xuân Quốc, Bí thư chi đoàn 2, Tiểu đoàn 6, Trường Đại học chính trị - một trong 80 bí thư Đoàn xuất sắc giai đoạn 2008-2010 của quân đội cho biết: “Qua triển lãm này, bản thân tôi nghĩ các cơ sở Đoàn nói chung và các cơ sở Đoàn trong quân đội nói riêng phải không ngừng sáng tạo trong hoạt động để tổ chức các chương trình, phát huy hơn nữa tinh thần xung kích của thanh niên. Triển lãm “Tuổi trẻ anh hùng-Truyền thống vẻ vang” có thể xem là giờ học trực quan sinh động, bổ sung thêm kiến thức về lịch sử đã được học trên ghế nhà trường”.

Tiếp lửa truyền thống

Thông thường, những khách đến dự triển lãm chỉ đến xem trong chốc lát. Nhưng với triển lãm “Tuổi trẻ anh hùng-Truyền thống vẻ vang” đã có giờ phút đặc biệt mà nhiều người đến dự phải nán lại hồi lâu như phong lương khô chưa kịp dùng của liệt sĩ Lê Văn Phượng (Trợ lý chính trị thuộc BCH quân sự thị xã Quảng Trị) - người quên mình cứu người dân trong trận lũ miền Trung năm 2009.

Khách tham quan còn được nghe những câu chuyện của những nhân vật đã có một thời trai trẻ hào hùng. Những đoàn viên cách đây hơn 40 năm đã viết những bức thư bằng máu để xin ra chiến trường đánh Mỹ giờ đây là cựu chiến binh tóc đã bạc tình cờ gặp các bạn trẻ đoàn viên, họ không hề quen biết nhau nhưng “bắt chuyện” rất nhanh.

Nhiều bạn trẻ đã không khỏi xúc động khi nghe lại những câu chuyện thời thanh niên của cựu chiến binh Trần Thị Bình, nữ quân y tại chiến trường Đường 9, Khe Sanh. Ước mơ lớn nhất của một cô bé mồ côi là trở thành bộ đội và đến khi trưởng thành qua bao lần tuyển lựa cuối cùng mới thành hiện thực. Chắc hẳn, qua câu chuyện của một cựu chiến binh đã dành hết thời tuổi trẻ cho sự nghiệp chung của đất nước, nhiều bạn trẻ đã hiểu cần phải có ước mơ để phấn đấu, nối tiếp truyền thống xung kích đi đầu của thanh niên.

Trước lúc chia tay, những con người ở các thế hệ khác nhau đã cùng hát vang những bài ca của tuổi trẻ: “Đi lên thanh niên, làm theo lời Bác. Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Họ hát trong gian phòng triển lãm, họ hát trước tất cả mọi người với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ.

HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét