Thứ Tư, 6 tháng 5, 2009

PHIM SITCOM NHẠT CƯỜI

PHIM SITCOM: CŨ NGƯỜI…
Phim sitcom (viết tắt
tiếng Anh: situation comedy) hay hài kịch tình huống là một thể loại của hài kịch, lúc đầu được sản xuất cho radio nhưng hiện nay được trình chiếu chủ yếu trên ti vi. Sitcom có nhiều tập với những tình huống hài hước được lồng ghép vào nội dung câu chuyện phim và được thực hiện hầu hết trong trường quay, thu thanh đồng bộ, sử dụng cùng lúc 3 đến 4 máy quay phim ghi hình và bắt buộc phải dựng hình ngay tại trường quay để bảo đảm thời gian thực hiện một tập phim (khoảng 50 phút) chỉ trong thời gian 3 đến 4 ngày.
Hài kịch tình huống xuất hiện trên đài phát thanh từ thập niên
1920. Chương trình đầu tiên thường được gọi là Sam và Henry phát trên đài phát thanh của Chicago vào năm 1926 lấy cảm hứng từ các câu truyện tranh hay các tình huống gây cười để đưa lên sóng. Theo từ điển Merriam-Webster Collegiate tái bản lần thứ 12 thì thuật ngữ sitcom bắt đầu hình thành từ năm 1951 cùng lúc với vở kịch Tôi yêu Lucy.
Ngay từ những ngày đầu ra mắt, Hài kịch tình huống đã từng là một phần thiết yếu của các chương trình truyền hình. Đài BBC Anh đã phát sóng Pinwright's vào cuối năm 1946 và những năm kế tiếp. Sitcom ra mắt ở Mỹ lần đầu tiên có thể là Mary Kay and Johnny,với thời lượng phát sóng 15 phút trên hệ thống truyền hình DuMont vào tháng 11 năm 1947.
Vậy là sitcom đã có thâm niên gần 100 năm ở các nước phương Tây. Không thể thay thế phim truyền hình được thực hiện trong những bối cảnh thật của đời sống nhưng phim sitcom đã dần trở thành món ăn tinh thần quen thuộc của khán giả truyền hình ở nhiều nước phát triển. Thậm chí phim Những người bạn với nhana vật chính do Jenifer Aniston thủ vai, bộ phim làm theo công nghệ sitcom của truyền hình Mỹ đã từng tạo nên cơn sốt về phim sitcom ở đất nước được mệnh danh là kinh đô của điện ảnh thế giới.
Tại buổi giao lưu truyền hình 2006, Sitcom đứng cuối bản danh sách các chương trình mang tính đại chúng nhất của thị trường Mỹ.
… NHƯNG MỚI Ở TA
Hài kịch tình huống tại Việt Nam là điều khá mới mẻ. Cuối năm 2004, Bộ phim đầu tiên được làm theo công nghệ này là
Lẵng hoa tình yêu do Hãng phim Truyền hình TP.HCM hợp tác với Công ty FNC (Hàn Quốc) thực hiện, tiếp theo là Vòng xoáy tình yêu (được chiếu trên HTV9. Các tiểu phẩm của chương trình Gặp nhau cuối tuần trên VTV như: Chuyện của sếp (20 tập), Chuyện Giang Còi và Quang Tèo (20 tập), Chuyện hàng xóm cũng là một dạng sitcom. Phim sitcom đã bắt đầu được khán giả truyền hình biết đến kể từ đó.
Năm 2008, hai bộ phim thể loại
sitcom mới là Cô gái xấu xí (Hãng phim Việt) và Những người độc thân vui vẻ (Trung Tâm sản xuất phim truyền hình) được trình chiếu trên sóng VTV3 vào “giờ vàng” hàng ngày. Cô gái xấu xí với tên gốc là Betty la Fet (Betty xấu xí) đã từng tạo được cơn sốt trong khán giả tại quê hương Colombia khiến nhiều hãng truyền hình danh tiếng của Mỹ, Nhật, Đức, Tây Ban Nha, Anh, Hồng Công... quyết tâm mua lại bản quyền phát sóng và bản quyền sản xuất. Những người độc thân vui vẻ chuyển từ một phim sitcom đang rất ăn khách trên Đài truyền hình Thượng Hải có tên Chung cư vui vẻ - hiện đã kéo dài đến 500 tập và sẽ còn kéo dài đến khi nào khán giả không muốn xem nữa, bộ phim được Việt hóa với tên gọi Những người độc thân vui vẻ, dự kiến kéo dài 300 tập.
Nếu tính từ bộ phim đầu tiên đến nay, mới chỉ có 4 năm phim sitcom được trình chiếu trên truyền hình. Nỗ lực đưa phim sitcom đến với khán giả của những người làm phim là đáng kể, ai cũng biết rằng việc mua bản quyền những bộ phim ăn khách ấy không hề rẻ. Giới thạo tin cho biết, số tiền phải trả cho mỗi tập phim "Cô gái xấu xí" không dưới 1.000 USD. Ngoài ra, còn tiền thuê người chuyển ngữ, Việt hóa kịch bản cũng chiếm một chi phí không nhỏ. Tuy nhiên chưa có bộ phim nào gây được hiện tượng truyền hình như đã từng xẩy ra ở các nước khác.
NHẠT TIẾNG CƯỜI VÀ CHƯA VIỆT HÓA
Phim sitcom muốn thành công yếu tố đầu tiên phải hài hước. Tính chất hài hước tùy theo kịch bản của bộ phim. Thông thường các phim sitcom hiện nay trên thế giới sự hài hước mang tính giải trí, vui vẻ không có cái hài như trong các vở bi hài kịch theo kiểu khóc cười lẫn lộn. Thêm vào đó, hài tình huống nghĩa là mỗi tập đặt ra một tình huống, giải quyết ngay trong tập đó để người xem nếu bỏ sót một tập vẫn có thể dễ dàng theo dõi nhưng đáng tiếc cả hai yếu tố trên phim sitcom Việt chưa làm được. Chẳng hạn, ở ba tập đầu của phim Cô gái xấu xí, người xem chưa thấy có tình huống gì để giải quyết, còn chi tiết gây cười thỉnh thoảng vẫn có nhưng nhạt. Ví dụ trong phim Cô gái xấu xí đến cảnh họp công ty hoặc có nhân vật Đăng Dương xuất hiện người xem không thường xuyên theo dõi hẳn không tin đây là phim hài bởi nhân vật thể hiện bộ mặt hằm hằm, phát âm gằn từng tiếng lại còn... nghiến răng!
Cắt nghĩa cho hai điều trên ở chỗ đa phần các diễn viên đóng phim sitcom chủ yếu là diễn viên kịch nói nhất là bộ phim Những người độc thân vui vẻ dù cho họ đã từng đóng nhiều vai hài. Sự cường điệu, cứng nhắc trong diễn xuất làm mất vẻ tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày mà phim muốn hướng tới.
Nhưng nguyên nhân chính nằm là ở kịch bản. Kịch bản chuyển thể chưa thành công chưa gây cười, chưa Việt hóa. Một chi tiết nhỏ trong phim Cô gái xấu xi: khi nhân vật Huyền Diệu nói với giám đốc An Đông đã ăn trưa vào lúc 13 giờ. Trên thực tế đó là giờ ăn trưa ở các nước công nghiệp phương Tây, các công sở Việt Nam ăn trưa sớm hơn. Sự thiếu Việt hóa còn thể hiện ở sự đơn điệu trong bối cảnh (chủ yếu là nội cảnh) cũng làm giảm đi chất điện ảnh khiến khán giả xem phim mà tưởng như đang xem kịch tại nhà. Các chi tiết kịch bản chưa gần gũi với bối cảnh Việt Nam.
Vẫn biết với bốn năm kinh nghiệm chưa thể đòi hỏi sự thành công của phim sitcom trên truyền hình được nhưng nếu đầu tư kỹ hơn về phần kịch bản hẳn những phim sitcom trên sẽ thu hút khán giả từ đầu đến cuối bộ phim.
HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét