Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2009

RASHOMON - KIỆT TÁC ĐIỆN ẢNH THẾ GIỚI

Phim Rashomon với phụ đề tiếng Anh

KIỆT TÁC SUÝT BỊ LÃNG QUÊN
Rashomon là một bộ phim đen trắng Nhật Bản sản xuất năm 1950. Phim do Akira Kurosawa (1910 - 1998) làm đạo diễn cộng tác với nhà quay phim Kazuo Miyagawa với sự tham gia diễn xuất của một dàn diễn viên xuất sắc:
Toshiro Mifune, Takashi Shimura, Machiko Kyo, Masayuki Mori and Minoru Chiaki. Bộ phim chuyển thể từ hai truyện ngắn Cổng Rashomon (1) và Trong Rừng Trúc (2) của bậc thầy truyện ngắn Nhật Bản và thế giới Ryunosuke Akutagawa (1892 - 1927) tương tự như trường hợp Làng Vũ Đại ngày ấy ở ta dựa theo ba tác phẩm của Nam Cao. Nếu truyện ngắn Cổng Rashomon cung cấp bối cảnh nền cho phim thì truyện ngắn Trong rừng trúc cung cấp nhân vật và tình tiết câu chuyên. Cho nên, những ai đã đọc truyện ngắn Trong rừng trúc trước khi xem phim sẽ hiểu bộ phim hơn là những người chưa đọc truyện.
Sau thế chiến thứ hai, nước Nhật không giao du với ngoại quốc mấy nên người ta không rõ về điện ảnh của họ. Năm 1950, đạo diễn Akira dàn cảnh phim Rashomon do hãng Daiei thực hiện, hãng này lúc đó miễn cưỡng nhận làm vì họ cho là truyện phim khó hiểu nửa phim nửa kịch. Khi trình chiếu, Rashomon đã gây ra sự thất vọng cho khán giả Nhật. Bộ phim đã bị thất bại nặng nề về mặt doanh thu thậm chí còn bị tống vào kho, liệt vào danh sách những bộ phim dở nhất trong năm, vì cách kể chuyện có phần khó hiểu và kì lạ.
Số phận của bộ phim chỉ thực sự thay đổi nhờ vào một phái đoàn nghệ thuật đến từ nước Ý. Phái đoàn này đã đề nghị các nhà làm phim Nhật Bản cho xem những bộ phim hay nhất và dở nhất trong năm, Rashomon đã được chiếu trong danh mục những phim dở nhất. Con mắt xanh của các nhà làm phim Ý đã khiến họ thấy ở đây là một bộ phim kiệt tác. Bộ phim đựợc đưa về tham dự Liên hoan phim Venice đoạt giải Sư tử vàng (1951) cùng năm đó phim đoạt thêm giải Oscar của Hàn lâm viện Mỹ (phim nói tiếng ngoại quốc hay nhất trong năm) (3) để rồi được ca ngợi khắp nơi trên thế giới.
NỘI DUNG PHIM:
Tình tiết vụ án không được mở ra ngay từ đầu mà được hồi tưởng qua lời thuật lại của nhà sư (Chiaki Minoru thủ vai), một lão tiều phu (Shimura Takashi thủ vai) cho một người bình dân (Ueda Kichijiro thủ vai) khi cả ba trú con mưa dông tầm tã tại cổng Rashomon hoang phế. Câu chuyện diễn biến khác nhau do người tiều phu và thầy tu đều được nghe các nhân vật trong câu chuyện kể lại trước quan toà.
Một người tiều phu khai: anh ta đã tìm thấy thi thể nạn nhân (tức là võ sĩ) ba ngày trước trong rừng. Do quá hoảng sợ nên anh ta đi tìm cảnh sát.
Người tu sĩ khai: vào lúc ấy vào khoảng giữa trưa cách đây ba hôm ông đã thấy hai vợ chồng. Anh chồng đi bộ, cùng đi là một phụ nữ ngồi trên lưng ngựa. Cô vợ mang một tấm mạng che mặt.
Người lính tuần khai (Kato Daisuke đóng): Đã bắt được tên cướp nổi tiếng Tajomaru ở bờ sông khi hắn bị ngã ngựa và đang rên rỉ do bị thương.
Tên cướp Tajomaru khai (Mifune Toshiro đóng): Hắn ta nói thấy người chồng dắt con ngựa, chị vợ ngồi trên lưng ngựa đi ngang qua một khu rừng. Thấy người đàn bà xinh đẹp, hắn sinh lòng tà muốn làm bậy. Tên cướp dụ người chồng vào trong khu lùm cây, nói là đi tìm gươm quý rồi lừa trói anh ta lại. Kế đó hắn ta dẫn người vợ vào, thấy vậy chị ta rút đoản đao đâm chém tên cướp, hắn tránh đươc hết và rồi ôm được chị ta vào lòng thoả mãn thú tính. Tên cướp khai hắn chỉ muốn làm chuyện tồi bại chứ không có ý gây án mạng. Tên cướp và người chồng đấu gươm được chừng hai mươi ba hiệp thì bị hắn đâm chết. Tên cướp lấy thanh kiếm, con ngựa, cung tên của người chồng, người vợ trốn đâu mất.
Lời khai của người vợ (Kyo Machiko đóng ) như sau.
Khi tên cướp làm nhục chị ta xong bỏ đi, người chồng bèn nhìn vợ bằng cặp mắt khinh bỉ, chị cầm con dao tiến lại anh từ từ, vừa đi vừa khóc rũ rượi. Chàng võ sĩ đạo vẫn ngồi ngay như tượng gỗ, không hé răng nói đến nửa nhời. Người đàn bà đau khổ vừa khóc vừa tiến lại chồng rồi vấp ngã khiến con dao đâm phập vào ngực chàng võ sĩ.
Người ta nhờ một bà đồng cốt (Honma Fumiko đóng) để cầu hồn chàng võ sĩ đạo (Mori Masayuki đóng ) và lời khai được ứng ra như sau.
Anh ta cho biết sau khi hãm hiếp vợ anh, tên cướp dụ dỗ chị ta bỏ chồng đi theo hắn, chị siêu lòng, tệ bạc hơn chị chỉ tay về phía chồng bảo tên cướp.
-Giết nó đi!
Chị nói với nó hai ba lần như vậy.Tên cướp nghe vậy thì lông mày dựng ngược vô cùng căm giận tâm địa gian ác của người đàn bà phản bội, hắn bèn đạp chị ta xuống đất rồi bảo người chồng. Chị ta bỗng vùng dậy chạy mất, tên cướp cởi trói cho người võ sĩ đạo rồi bỏ đi, anh tự thấy xấu hổ và lấy dao đâm vào ngực tự vẫn.
Nhà sư vừa kể xong mấy lời khai khiến lão tiều phu không vừa ý, ông bèn kể lại vụ án mà mình đã chứng kiến tận mắt.
Sau khi tên cướp làm chuyện tồi bại, hắn cởi trói cho người võ sĩ đạo, ông ta mắng vợ.
- Chết đi ! mi chết đi cho khuất mắt, sống làm gì?
Người vợ muốn chồng và tên cướp đấu gươm nhưng võ sĩ đạo vẫy tay phản đối với tên đạo tặc.
-Không! Tôi không muốn thí mạng vì con đàn bà vô giá trị đó.
Hai tay kiếm đang nghinh nhau, người vợ chạy lại bên chồng khóc lóc thảm thiết.
-Tại sao mình không giết cái người này đi lại bắt em phải tự ải?
Người chồng tức khí rút gươm ra, trận đấu diễn ra ác liệt rùng rợn, tên cướp đâm hụt, lưỡi gươm cắm xuống đất không rút ra được, người võ sĩ đạo thắng thế đuổi tên cướp chạy lòng vòng, hai người chạy quanh một gốc cây lớn (đã bị cắt ngang sát đất), người chồng chém tên cướp nhưng hắn tránh được, lưỡi gươm mắc vào gốc cây không rút ra được.
Tên cướp vội chạy lại chỗ thanh gươm của hắn, chàng võ sĩ đạo ôm chân hắn, tên cướp lết dần lại chỗ thanh gươm rồi rút nó lên. Người chồng sợ quá thụt lùi dần dần và vướng vào bụi cây, tên cướp dơ gươm lên sắp lao xuống, người chồng xua tay can. Nhưng tên đạo tặc không tha, hắn nghiến răng phóng thanh kiếm vào ngực người võ sĩ đạo.
Cảnh cuối phim, tại Cổng Rashomon, ba người kể chuyện xong bỗng nghe có tiếng trẻ khóc oe oe. Một đứa trẻ sơ sinh bị người mẹ đem bỏ, người nông dân lại gỡ tã lót của em bé, bác tiều phu can ngăn bị hắn xỉ vả.
-Anh đâu có tử tế gì, anh cũng lấy cắp cái đoản đao quí chuôi nạm ngọc, tại sao mất con dao đó?
Nói rồi đánh bác tiều một bạt tai.
Cảnh cảm động đầy tình thương kết thúc phim khi bác tiều xin nhà sư đứa trẻ về nuôi mặc dù nhà đã có 6 đứa con.
THÔNG ĐIỆP VÀ Ý NGHĨA
Các lời khai phủ định lẫn nhau khiến cho khán giả như rơi vào mê cung, không thể biết lời khai nào là sự thật. Điều này cho thấy tính không đáng tin cậy của lời người kể chuyện trong quan niệm của tự sự hiện đại. Nó hoàn toàn khác với tự sự truyền thống. Tự sự truyền thống đi tìm cách kể mà người kể phải là người ban phát chân lí cuối cùng. Nếu theo cách dựng của tự sự truyền thống đây sẽ là một bộ phim trinh thám. Nó sẽ chỉ dừng lại khi tìm ra sự thực về thủ phạm giết người. Chính vì các khán giả Nhật Bản lúc đầu đã xem Rashomon theo cách như vậy nên họ thấy đây là một thất bại của Kurosawa. “Bộ phim quá khó hiểu.”
Trên thực tế, bộ phim đã đưa ra một quan niệm mới về người kể chuyện: người kể chuyện không phải là người biết hết tất cả, anh ta chỉ biết một phần của sự thực và cố tình kể sự thực theo cách có lợi nhất cho mình. Hay như lời nhà sư nói trong ngôi đền đổ nát, con người sẽ mãi mãi không thể có được sự thực vì sự yếu đuối và ích kỉ của chính mình, Một nét mới trong nghệ thuật tự sự cuả bộ phim này là cách kể chuyện bằng phục hiện. Nó kể lại vụ án mạng qua hồi tưởng của 4 nhân vật. Đây là điểm Kurosawa kế thừa từ tác giả truyện ngắn Akutagawa. Nhưng bộ phim còn đẩy xa hơn kĩ thuật kể chuyện bằng hồi tưởng vì câu chuyện vụ án của ông thực chất là hồi tưởng của hồi tưởng, phục hiện nằm trong phục hiện.Thật vậy, lời khai cuả các nạn nhân ở đây không phải được ghi lại một cách trực tiếp như trong truyện ngắn của Akugatawa mà được kể lại trong lời của tiều phu và nhà sư nói với một kẻ tiện dân khi họ cùng trú mưa trong một cổng thành hoang phế. Tính hồi tưởng lồng trong hồi tưởng này chi phối sự xuất hiện 3 mảng không gian khác nhau trong câu chuyện. Không phải là hai mảng không gian: công đường và khu rừng- hiện trường vụ án mà là cổng thành Rashomon- công đường- khu rừng.
Cấu trúc tự sự độc đáo của bộ phim cùng với tính không thể khám phá của sự thực mà bộ phim đề cập khiến cho trong văn hóa phương Tây, Rashomon gần như đã trở thành một điển tích. Trong tiếng Anh cũng như một số ngôn ngữ khác, Rashomon đã trở thành từ chỉ tình trạng sự thật không thể được tìm ra vì các nhân chứng khác nhau cung cấp những bằng chứng trái ngược nhau. Thuật ngữ hiệu ứng Rashomon trong tâm lí học cũng bắt nguồn từ chính bộ phim này.
Phim Rashomon được chiếu ở Việt Nam quãng những năm 1954 ở miền Bắc và muộn hơn một chút ở miềm Nam. Khán giả Việt Nam cũng như khán giả toàn cầu đã gần 60 năm nay mê mẩn từng phút bộ phim và biết bao lời ngợi khen đi kèm. Đã là một kiệt tác thì thế hệ này đến thế hệ khác đều có một cách nhìn, cách lý giải riêng bởi một kiệt tác làm sao khai thác hết tầng vỉa ý nghĩa trong đó!
CHÚ THÍCH:
1. Cổng Rashomon vốn là một cửa ô của thành Heiankyo xưa kia, nay thuộc địa phận thành phố Nara. Thành Heiankyo được xây mô phỏng theo thành Trường An của Trung Hoa. Rashomon vốn viết chữ Hán là La Thành Môn. Nhưng qua phát âm thành La Sinh Môn nên sau đó quen viết La Sinh Môn. Ngày nay chỉ còn lại một vài tảng đá và chiếc cột dựng tại cùng địa điểm cho biết dấu tích xa xưa. Cổng Rashomon dựng tại phim trường của công ty điện ảnh Daiei ở Kyoto, cao khoảng 20 mét, bề ngang khoảng 33 mét, và bề dầy ( sâu) khoảng 22 mét, có 18 chiếc cột chu vi khoảng 1,2 mét, và mái cổng đang sập được lợp bằng 4000 miếng ngói có in niên hiệu Diên Lịch thứ 17 (năm 789).
2. Truyện ngắn Trong rừng trúc tiếng Nhật là Yabu no naka nghĩa là Trong bụi rậm (tiếng Anh là In the grove). Được dịch ra tiếng Việt là Bốn bề bờ bụi hoặc Trong rừng trúc. Nhưng người Việt quen gọi là Trong rừng trúc hơn cả nên xin giữ nguyên.
3. Trước năm 1956, chỉ có trao giải thưởng danh dự cho phim tiếng nước ngoài hay nhất chứ không trao tượng Oscar.

Hàm Đan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét