Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

THỜI ĐÀM (XXII): TIN Ở HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH!


Mùa phim hè 2012 ở Việt Nam xảy ra vụ việc hiếm gặp đó là khi bộ phim “Bẫy cấp 3” của đạo diễn Lê Văn Kiệt bị cấm trình chiếu dưới mọi hình thức. Quyết định do Cục Điện ảnh ban hành sau khi Hội đồng duyệt phim Quốc gia không thông qua bộ phim này. Quyết định nói trên lại không hề gây tranh cãi khi đại diện MegaStar-đơn vị phát hành bộ phim “Bẫy cấp 3” tôn trọng ý kiến kết luận của Hội đồng duyệt phim Quốc gia. Về phía khán giả thì qua một khảo sát cho thấy, lượng khán giả ủng hộ quyết định cấm phát hành phim “Bẫy cấp 3” chiếm hơn 50% số người được hỏi.

Sở dĩ “Bẫy cấp 3” bị xếp xó vì bộ phim này có nội dung không lành mạnh khi mô tả rất thô thiển khát khao “chuyện ấy” của các cô cậu tuổi học trò; mặt khác, phim thể hiện sự thù hận của một nam sinh do chấn thương tâm lý từ nhỏ đã ra tay giết người dã man, mất nhân tính, mang tính kích động bạo lực. Xét về luật, phim không được phổ biến là những phim vi phạm điều 11 Luật điện ảnh và điều 9 nghị định 54/2010/NÐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều trong Luật điện ảnh và Luật sửa đổi, bổ sung Luật điện ảnh về những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh đó là: “Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết thể hiện cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, khuyến khích tội ác, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án cái ác gắn với nội dung phim”.

Cần nhấn mạnh rằng, không biết bao nhiêu lần dư luận phê phán ảnh hưởng xấu của các bộ phim “đen” như là nguyên nhân của các tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, tội phạm vị thành niên. Ai dám chắc sau khi xem phim “đen” tất cả người xem đều có thể tự chủ để không hành động như trong phim? Không chỉ riêng “Bẫy cấp 3” mà nhiều bộ phim “đen” khác sẽ xuất hiện trong tương lai đều được thanh minh là không có dụng ý xấu. Nhưng giữa tính nghệ thuật và những cảnh phim “đen” là ranh giới hết sức mong manh. Sự non tay trong nghề nghiệp sẽ khiến những cảnh “nóng” mất tác dụng nghệ thuật, trở nên thô thiển, dung tục và phản nghệ thuật; nhưng có khi chính các nhà sản xuất lại cố tình làm một bộ phim “nhạy cảm” để câu kéo khán giả đến rạp.

Chính vì vậy, việc tồn tại Hội đồng duyệt phim Quốc gia là cực kỳ cần thiết. Những thành viên của Hội đồng duyệt phim Quốc gia đều đã có thành tựu trong nghề, những người chuyên môn cao nên họ dễ dàng phân biệt đâu là phim “đen” đâu là phim nghệ thuật hơn hẳn khán giả không có chuyên môn chỉ nhận xét theo cảm tính. Và trường hợp cần cắt một số cảnh “nhạy cảm” không phù hợp trong phim, Hội đồng cũng sẽ biết cắt cảnh gì và cắt như thế nào để phim vừa không còn dung tục nhưng đồng thời cũng không làm mất kết cấu hay mạch tự sự trong phim.

Không chỉ trong lĩnh vực điện ảnh mà ở trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác, các hội đồng thẩm định cũng sẽ có ích ở nhiều việc khác nhau. Còn nhớ, cách đây vài năm, một nhạc sĩ trẻ sáng tác nhiều ca khúc khá hay. Tuy nhiên, một bài hát của nhạc sĩ này bị dư luận cho là đạo nhạc. Lẽ dĩ nhiên, nhạc sĩ này chối bay chối biến. Các fan hâm mộ nhạc anh ta thì chăm chăm bênh thần tượng cho rằng có ai ghen ghét nên mới tung tin đạo nhạc. Sự việc chỉ kết thúc khi Hội đồng nghệ thuật của Hội nhạc sĩ địa phương nơi nhạc sĩ kia đang hoạt động chính thức vào cuộc để thẩm định tác phẩm. Kết luận của Hội đồng nghệ thuật là nhạc sĩ kia đã đạo nhạc. Sau khi có kết luận, chẳng ai còn bênh nhạc sĩ kia nữa vì Hội đồng toàn là các nhạc sĩ “cây đa cây đề”.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp một số Hội đồng có chức năng kiểm duyệt các các phẩm văn học nghệ thuật lại tập hợp một số người không có chuyên môn. Điều này dẫn đến việc những người trong hội đồng không nhìn thấy những cách tân độc đáo đằng sau những cách diễn đạt tưởng chừng rối rắm hoặc không nhận ra những ẩn dụ sâu sắc đằng sau những hình ảnh “nhạy cảm”... Vì vậy, đội khi lại cấm phát hành nhầm tác phẩm hay, gây ra sự mâu thuẫn không đáng có với giới sáng tác.

Dù có những quyết định đúng hay sai thì không nên trách các hội đồng thẩm định. Nhưng để nâng cao úy tín, về cơ bản, các Hội đồng thẩm định nghệ thuật cần phải nâng cao trách nhiệm tránh để lọt những tác phẩm độc hại ra thị trường; và cần có tiếng nói kịp thời và có trọng lượng để định hướng dư luận biết thưởng thức nghệ thuật đúng đắn, tránh những tranh cãi trái chiều không cần thiết. Ở chiều ngược lại, công chúng cũng cần đặt niềm tin vào các hội đồng thẩm định nghệ thuật-những người hết lòng bảo vệ sự lành mạnh của văn học nghệ thuật nước nhà.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét