Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

NOBEL VĂN HỌC 2011: NHÀ THƠ CỦA NHỮNG THAO THỨC SIÊU HÌNH



1. Vào mỗi mùa trao giải Nobel, Nobel Văn học luôn là giải thưởng tạo ra nhiều sự tranh cãi. Ngoài lí do văn chương luôn có những đánh giá khác nhau dựa trên nhiều cách đọc; giải thưởng Nobel còn tạo hay trao cho những gương mặt quá mới mẻ như Cao Hành Kiện (Nobel 2000), Herta Muller (Nobel 2009) hoặc những người dính líu đến chính trị như Orhan Pamuk (Nobel 2006).  

Chính vì sự khó lường nên không chỉ được những người trong nghề theo sát từng giờ mà còn là dịp để… dân cá cược trổ tài! Hai ngày trước giờ công bố giải thưởng, nhiều người đã tin tưởng đổ tiền để đưa nhà thơ Adonis (Xi-ri) lên đầu bảng với tỷ lệ cá cược là 4/1. Adonis được đặt nhiều kỳ vọng vì từ lâu ông được đánh giá là nhà thơ viết bằng ngôn ngữ Ả-rập quan trọng nhất; mặt khác, Adonis được “tiếng thơm” khi lên tiếng phê phán chính phủ Xi-ri không nên đàn áp người biểu tình.

Một nhà văn khác luôn đứng đầu danh sách dự đoán là Haruki Murakami (Nhật Bản) với tỷ lệ 8/1. Tuy nhiên, tác giả tiểu thuyết Rừng Na Uy thuộc kiểu nhà văn ăn khách thường không được Viện Hàn lâm Thụy Điển để ý. Một dạng nhà văn khác cũng không được dân cá cược tin tưởng đó là những nhà văn cách tân mà đại diện là Thomas Pynchon-tác giả tiểu thuyết Cầu vồng của trọng lực.

Trường hợp nhà thơ Tomas Tranströmer của nước chủ nhà Thụy Điển được xem là có nhiều biến động kỳ lạ tại nhiều hãng cá cược. Lúc đầu, ông ở vị trí cao với tỷ lệ cá cược ở tầm 7/1. 10 tiếng trước khi công bố giải thưởng, ông bị văng ra khỏi tốp 5-điều mà chẳng mấy người ngạc nhiên vì quy luật trên đã diễn ra nhiều năm. Nhưng bất ngờ 7 giờ đồng hồ sau, dân cá cược khắp nơi dồn tiền vào cái tên Tomas Tranströmer khiến ông vọt lên đầu bảng. Và vào lúc 13 giờ (tức 18 giờ theo Việt Nam) ngày 6-10, Peter Englund-Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố: Tomas Tranströmer là người đoạt giải Nobel văn học 2011.

2. Dân cá cược dồn tiền vào cái tên Tomas Tranströmer sát giờ công bố giải xuất phát từ những suy luận logic: Giải năm nay đã được dự đoán sẽ trao cho một nhà thơ vì kể từ Wisława Szymborska (Nobel 1996) chưa nhà thơ nào được vinh danh. Nếu là nhà văn Thụy Điển thì kể từ năm 1974 khi bộ đôi nước chủ nhà là Eyvind Johnson và Harry Martinson ẵm giải, Viện Hàn lâm Thụy Điển chưa trao cho những người đồng hương thêm một lần nào. Mặt khác, nếu trao giải cho Adonis, Viện Hàn lâm Thụy Điển gần như công khai ủng hộ làn sóng cách mạng “Mùa xuân Ả-rập” vẫn còn nóng bỏng, qua đó tạo ra những tranh cãi không cần thiết. Mấy yếu tố trên chỉ là phụ, cái chính là sự nghiệp thơ của Tomas Tranströmer đã được khẳng định với toàn thế giới khi thơ ông được dịch ra hơn 60 ngôn ngữ khác nhau và vô số các giải thưởng văn học quan trọng như: Giải Aftonbladets, Giải Bonnier cho thơ, giải Neustadt, giải Petrarca-Preis… Vì vậy, Nobel năm nay là một Nobel xứng đáng và sẽ không gây ra sự tranh cãi.

Tiểu sử cuộc đời của Tomas Tranströmer sẽ không làm nhiều người ưa chuyện giật gân thích thú. Ông không phải là mẫu nhà văn thích xê dịch như Jean-Marie Gustave Le Clézio (Nobel 2008) hay tham gia hoạt động chính trị như Mario Vargas Llosa (Nobel 2010)…, cả đời ông làm việc trong ngành tâm lý học (chuyên nghiên cứu tội phạm vị thành niên) và lặng lẽ sáng tác thơ. Đến ngay như quan niệm làm thơ của ông cũng rất giản dị: “Viết một bài thơ chẳng bao giờ dễ dàng, nhưng khi có thể viết được, thì đó là một thứ tâm trạng vui chơi nhưng đồng thời lại nghiêm túc”. 

Tomas Tranströmer sinh ngày 15-4-1931 tại thủ đô Stockholm, trong một gia đình trí thức (bố là nhà báo và mẹ là giáo viên). Ông bén duyên với thơ ca từ khi còn học phổ thông với nhiều bài thơ xuất hiện trên các báo. Thi tài của ông được khẳng định ở quê nhà ngay từ tập thơ đầu tiên mang tên 17 bài thơ (1954). Các tập thơ tiếp theo khẳng định Tomas Tranströmer là nhà thơ Bắc Âu vĩ đại nhất còn sống. Tên tuổi của ông cũng sớm vượt ra ngoài biên giới Thụy Điển nhờ bản dịch tiếng Anh của nhà thơ Mỹ Robert Bly và nhanh chóng được xem như như một bậc thầy thơ ca. Nhà thơ Joseph Brodsky (Nobel 1987) ca ngợi Tomas Tranströmer: “Nhà thơ có tầm quan trọng bậc nhất, có sự thông minh không thể tưởng tượng nổi… Tôi đã đánh cắp hơn một ẩn dụ của ông”.

Sức hút của Tomas Tranströmer sớm lan đến các nhà thơ-dịch giả Việt Nam biết đến từ những năm 1980. Đặc biệt, cuốn sách: Toàn tập thơ: Mười một tập (1954-1996) dày hơn 300 trang của Tomas Tranströmer đã được nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh (N.X.S) chuyển ngữ từ tiếng Pháp do NXB Văn học ấn hành năm 2000 với sự đồng ý của tác giả và sự tài trợ của Viện Thụy Điển ở Stockholm. Một số bài thơ trong cuốn sách này cũng được trichs trong cuốn Thơ Thụy Điển (NXB Hội nhà văn, 2009).

3. Thành thực mà nói, để nắm bắt đầy đủ nghệ thuật thơ Tomas Tranströmer phải là một người biết tiếng Thụy Điển. Do quá trình dịch thơ nên tính nhạc trong thơ Tomas Tranströmer bị mất đi rất nhiều. Tuy nhiên, những gì còn lại, nhất là cách ông nhìn con người và thế giới vẫn đủ giúp người đọc hình dung về một tài năng thơ ca hiếm có. Lời nhận xét của Viện Hàn lâm Thụy Điển có thể xem là một dẫn nhập hữu ích để tiến vào thế giới thơ Tomas Tranströmer: “Qua những hình ảnh súc tích và trong mờ, ông đưa chúng ta tiệm cận sự mới mẻ của hiện thực. Ông viết về những vấn đề lớn: Về cái chết, lịch sử, ký ức, thiên nhiên. Bạn không bao giờ cảm thấy nhỏ bé sau khi đọc thơ của Tomas Tranströmer”. Tuy hình thức thơ Tomas Tranströmer thay đổi theo thời gian nhưng tựu chung ông luôn là người đổi mới ngôn ngữ thơ ở hình tượng thông qua phép ẩn dụ. Nhờ vậy, mỗi hình ảnh được đổi mới sẽ gián tiếp giúp người đọc có cái nhìn mới mẻ, trong sáng, hồn nhiên và sống động trước một sự vật hay sự việc tưởng chừng đã được thấu hiểu.

Ở giai đoạn đầu sự nghiệp, nhất là tập thơ đầu tay, Tomas Tranströmer ưa thích hình thức thơ cổ điển có vần luật với sự miêu tả đầy lãng mạn, qua giọng thơ thể hiện sự chính xác của cảm quan, chẳng hạn như bài thơ Ostinato (Thuật ngữ âm nhạc chỉ sự lặp lại nhạc điệu giọng trầm):

Dưới cái điểm bất động của xác thuyền đắm giạt vào bờ, đại dương vung vẩy và gầm lên trong ánh sáng, mù quáng gặm hết dãy hàng rào cỏ biển, và thổi phả bọt sóng vào bờ.

Mặt đất tự bao phủ mình bằng lớp dày bóng tối đàn dơi bay đo chiều dài bằng tầm cánh bay. Xác thuyền đắm đứng im và tự biến thành ngôi sao. Đại dương tiến về phía trước vừa gầm rú vừa thổi bọt sóng vào bờ. (N.X.S dịch).

Song, ở những tập thơ tiếp theo, Tomas Tranströmer có sự chuyển đổi thi pháp theo hơi hướng của chủ nghĩa siêu thực (surréalisme) với những hình ảnh tân kỳ xuất lộ từ tiềm thức. Chủ nghĩa siêu thực được chủ soái của phong trào là nhà thơ Pháp André Breton (1896-1966) định nghĩa trong Tuyên ngôn chủ nghĩa siêu thực lần thứ nhất là: “Cơ chế tự động của tâm lý thuần khiết dùng để diễn đạt hoạt động đích thực của tư tưởng hoặc bằng ngôn từ, hoặc bằng chữ viết, hoặc bằng các cách thức khác. Được tư tưởng xui khiến, vắng mặt mọi sự kiểm soát của lý trí, ngoài mọi thành kiến mỹ học và đạo đức”. Vốn là nhà tâm lý chuyên nghiệp, Tomas Tranströmer thừa nhận ảnh hưởng từ tiềm thức đến công việc sáng tạo của mình: “Mọi thứ đều đến từ bên trong, từ tiềm thức. Đó là cái nguồn của mọi thứ. Tôi có nhiều phương tiện để đáp ứng với những gì tôi nhận được từ nội tâm, nhưng tôi không bao giờ bảo chính mình phải viết về một điều gì đó”. Đọc những câu thơ như: Tảng nước đá treo ở bờ mái nhà/ Băng giá: kiến trúc gôtic bị đảo ngược/Những con vật trìu tượng, những vú bằng kính. (bài thơ Sáu mùa đông, N.X.S dịch), dễ nhận ra một lối viết gần với lối viết tự động (écriture automatique) với sự liên kết tự do các ý tưởng, sử dụng các hình ảnh như là biểu tượng theo lối tư duy tiền logic. Song, dù có tân kỳ bao nhiêu, ông vẫn giữ được sự trong sáng, độ sâu sắc ba chiều hiếm có của hình ảnh rút ra từ cách nhìn sâu vào đối tượng. Và để diễn đạt hình ảnh từ trong tiềm thức khá khó khăn như lời ông tự nghiệm: “Có khi hình ảnh hiện rõ một điểm cố định với những con chữ chính xác để diễn tả. Nhưng đôi khi, nó đến như một hình ảnh mà ngôn từ bất lực và tôi phải vất vả để làm chữ”.

Cũng chính ở giai đoạn này, thơ của Tomas Tranströmer bắt đầu hình thành tư tưởng rõ rệt. Có thể xem, Tomas Tranströmer là nhà thơ của những thao thức siêu hình, tương tự như suy nghĩ của nhà triết học người Đức Immanuel Kant (1724-1804): “Hai điều tràn ngập tâm tư với sự ngưỡng mộ và kính sợ luôn luôn mới mẻ và gia tăng mỗi khi nghĩ đến, đó là: Bầu trời đầy sao trên đầu tôi và quy luật luân lý ở trong tôi” (Phê phán lý tính thực hành, NXB Tri thức, 2007). Đối với ông, con người là bí ẩn, tự nhiên là một dạng câu đố cần giải mã, cái thực và hiện tồn là những điều huyền bí. Như vậy, thơ của ông để chiêm nghiệm những vấn đề bản thể của con người và thiên nhiên.
          
Theo thông lệ trao giải Nobel, tháng 12 tới Tomas Tranströmer sẽ đọc một diễn từ, nhưng với di chứng của đột qụy từ năm 1990 ông liệt nửa người nên không thể tự mình nói lên suy nghĩ về văn chương và cuộc đời. Có thể, nhà thơ thuở thiếu thời ước mơ làm một nhạc sĩ sẽ chơi dương cầm bằng tay trái, thay vì đọc một diễn từ. Và lúc đó, ông sẽ lại đắm mình vào ký ức tuổi hai mươi-cái tuổi khởi đầu của 17 bài thơ êm dịu như những bản đàn!

HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét