Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

VĨNH BIỆT NGƯỜI DIỄN VIÊN YÊU NGHỀ MÊ MẢI


Mỗi lần nhắc đến diễn viên, NSƯT Thu An, nhiều người trong nghề nói đùa: “U” Thu An sinh đúng ngày Quốc tế Lao động (1-5-1926), và phải chăng vì thế cả cuộc đời bà hiến dâng cho nghệ thuật thứ bảy và kể cả những công việc không tên khác? Như nhà thơ Xuân Diệu từng nhận xét về mẫu hình người đàn bà nông dân, Thu An đích thị là một nông dân từ trong bản chất, nghĩa là không bao giờ để mình trở thành một người “nhàn cư”. Cả đời bà không nề hà bất cứ vai diễn nào dù là vai chính hay vai diễn chỉ “lướt” qua màn hình, mỗi vai diễn đều được bà đầu tư thời gian nghiên cứu kĩ lưỡng. Đến khi tuổi đã cao bà lại chọn những công việc nhẹ nhàng là chăm cây cảnh và trông nom quán nước trà để vui thú tuổi già.

Nhưng dẫu là con người yêu lao động, tha thiết với sự sống cũng phải đến lúc nghỉ ngơi. Vào 19 giờ 30 phút ngày 3-10-2011, diễn viên, NSƯT Thu An đã rời bỏ dương thế ở tuổi 85, sau hơn nửa thế kỷ cống hiến cho nghệ thuật thứ bảy.

Bà vốn là con gái vùng chợ Bưởi-hồi ấy là ngoại thành Hà Nội. Bà tham gia cách mạng như bao thanh niên yêu nước cùng thế hệ với vai trò văn công của Sư đoàn 305. Năm 1956, bà bén duyên với điện ảnh bằng công việc của người lồng tiếng cho phim nước ngoài, rồi ít lâu sau bà chuyển sang đội ngũ diễn viên của Hãng phim truyện Việt Nam. Nói về sự nghiệp điện ảnh, có thể nhận xét NSƯT Thu An là người có “hậu vận” tốt. Với bất cứ ai theo đuổi nghệ thuật nói chung, hình như đều cảm nhận một sự thật là đôi khi sự nổi tiếng còn phải do có “số”! NSƯT Thu An không có “số” nổi tiếng từ những bộ phim đầu tay kiểu như NSND Trà Giang, NSƯT Thu Uyên, NSND Lan Hương, NSƯT Lê Vân…, mặc dù bà đều góp mặt ở các bộ phim kinh điển của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Vai diễn đầu tiên của NSƯT Thu An là vai cô Cạn trong bộ phim đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam: Chung một dòng sông (1959) và chính nhờ bộ phim này mà bà đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Bác thăm hỏi ân cần. Sau đó bà tham gia các cái vai diễn trong hàng loạt bộ phim như : Truyện vợ chồng anh Lực, Từ một cánh rừng, Những người đã gặp, Em bé Hà Nội, Làng Vũ Đại ngày ấy, Tướng về hưu… Nhưng đáng tiếc các vai diễn trên đều không phải là vai chính nên dấu ấn để lại khá nhạt nhòa.

Đến đầu những năm 1990, khi phim video bắt đầu xuất hiện, bà tham gia khá thường xuyên trong các phim: Đời mưa gió, Niềm tin của mẹ, Sum họp đêm giao thừa… và đặc biệt là vai chính trong phim Mẹ chồng tôi của đạo diễn Khải Hưng.

Mẹ chồng tôi là phim đầu tiên trong chương trình Văn nghệ chiều chủ nhật và bộ phim này có chỗ đứng trong lòng khán giả từ thủa phim truyền hình bắt đầu đến từng gia đình thông qua chiếc ti-vi, tất cả là nhờ vào tài diễn xuất của NSƯT Thu An. Chính nhờ vai diễn này mà bà mới thực sự được công chúng nhớ đến và được các bạn đồng nghiệp trẻ gọi với cái tên trìu mến: “U” Thu An hay “mẹ chồng tôi”. Có thể nói, bà sinh ra để diễn vai bà mẹ chồng này. Ngoại hình về già của NSƯT Thu An với nụ cười đôn hậu, ánh mắt hiền từ, mái tóc bạc dài như cước rất hợp với bà mẹ chồng giàu đức bao dung. Nhưng ngoại hình “trời cho” mà không có đầu tư về diễn xuất thì không thể có một vai diễn để đời. Vai diễn của bà là một bà lão nông dân, trong khi cả đời bà chưa bao giờ làm việc đồng áng, nói vậy để hiểu rằng từng cảnh dắt trâu, làm vườn, quét nhà… trong phim tưởng chừng đơn giản cũng khiến diễn viên phải kì công trong thể hiện, nhất là trong bối cảnh làm phim truyền hình thiếu thốn trăm bề cách đây gần 20 năm.

NSƯT Thu An không còn nữa, nhưng nhiều người sẽ nhớ một diễn viên yêu nghề mê mải quên cả tuổi già, và cao hơn đó là một người tốt. Giờ đây mỗi lần đi qua số nhà 672 đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), người ta không còn nhìn thấy hình bóng của “mẹ chồng tôi” Thu An đang dõi mắt nhìn ra đường với ánh mắt bao đỗi hiền từ.

HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét