Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

MA THUẬT NGÓN – MỘT CÁI NHÌN SIÊU THỰC VỀ CUỘC SỐNG


Sau khi biết nhà thơ Trần Tuấn đã cho xuất bản tập Ma thuật ngón dự giải Thơ Bách Việt, tôi lên mạng tìm thêm thông tin và tìm được mấy bài thơ trong tập Ma thuật ngón đã từng đăng rải rác trên các trang web. Hình như, tôi đã từng đọc và đã quên cũng đơn giản là không ai nhớ hết mọi thứ, mọi điều đã đọc (Nhại từ câu nói: Không ai đọc hết mọi thứ, mọi điều của một nhà phê bình tăm tiếng nọ). Có lẽ những bài thơ đăng tải riêng lẻ ấy chưa hiện lên những nét đặc sắc được gây dựng từ Trần Tuấn trong cuộc cách tân thơ sôi động và quyết liệt hiện nay. Thế nhưng, đọc trọn tập Ma thuật ngón ấn tượng về về một tập thơ vững vàng, nhiều thủ pháp (hay nôm na là ngón nghề) có ít nhiều ám ảnh cho phép hình dung để định danh, định tính tác phẩm là điều khả dĩ.

Dài dòng như thế để nói đến điều đáng kể đầu tiên của tập thơ chính là tính hệ thống tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật sống động. Lâu nay, có hiện tượng là các tập thơ dường như chỉ là sự tập hợp các bài thơ đã từng in lẻ tẻ đâu đó. Những tập thơ kiểu trên vẫn có phong cách riêng của tác giả nhưng cái được biểu hiện qua tập thơ là cái nhìn thế giới mang ý thức triết học của nhà thơ thì không rõ ràng, thậm chí không có. Trần Tuấn có một ý thức sắp đặt để khiến mỗi bài thơ là một bộ phận cấu thành nên tập thơ - hệ thống. Ma thuật ngón chia làm ba phần: Phóng sinh từng phần thân thể, Về và Đỉnh rỗng. Ba phần ấy chứa đựng ba tâm thế nhưng chúng không đi theo một đường thẳng.

Điểm khởi đầu là nhà thơ dựng lên một thực tại thế giới hỗn độn và trong đó la liệt các vật chất gồm đồ vật và các bộ phận cơ thể. Môi trường đó “im lặng tuyệt đối”, màu sắc là trầm “vừa chối từ một chuyến nâu”, “thân xác thì đã tan tành” còn ý nghĩ vốn siêu hình cũng đang “siêu âm/ câm/ tìm một bờ Người khác”. Một thế giới đang mục rỗng, tăm tối. Và từ đó dẫn đến hệ quả Phóng sinh từng phần thân thể - mô-típ siêu thoát quen thuộc được lặp lại. Quá trình phóng sinh thân thể ấy diễn ra tự nhiên không có dấu hiệu của sự cưỡng bức.

Một hình thức tất yếu được sử dụng để tương hỗ với nội dung trên là hình thức thơ siêu thực. Thơ siêu thực đặt ra tiêu chí về hình ảnh và cái viết tự động. Những hình ảnh trong thơ siêu thực xây dựng tác dựa trên những thủ pháp như sự tương tự, cái nghịch lý, sự bất ngờ, sự thống nhất những cái không thể thống nhất được chính vì thế mà thơ siêu thực tương đối khó hiểu với cách đọc truyền thống gõ thẳng vào trái tim người đọc. Đó là cách nhà thơ chống lại sự tự động hóa của từ đi hình ảnh mới, lạ hóa từ ngữ. Song thơ siêu thực đòi hỏi ý thức lao động của cái hữu thức dẫn đến sự xuất hiện của những câu thơ vô thức xuất thần rất hiếm. Trong Ma thuật ngón, nhất là phần Phóng sinh từng phần thân thể trần ngập những hình ảnh siêu thực dù đó là cách thể hiện một sự vật:

cột điện gập lưng
bò lê
nôn mửa
bên hài cốt nhà
(Lưỡi bão)
hay siêu hình:
ý nghĩ neo rốn
thả
bào thai
kiệt nước
ý nghĩ tinh cầu
siêu câm
câm
tìm một bờ Người khác
(ý nghĩ (1))

Robert Bréchon trong cuốn Chủ nghĩa siêu thực chỉ ra ba cấp độ xây dựng hình ảnh cơ bản của thơ siêu thực. Trong Ma thuật ngón, hình ảnh thơ siêu thực vẫn ở cấp độ đơn giản đôi khi có những câu thơ theo lối so sánh cụt:

chân mọc tràn
ý nghĩ
dựng bờm đen
(Dọc mù sương)

Hình ảnh siêu thực xuất hiện trong tác phẩm tạo một không khí nghệ thuật đặc biệt, có tính huyền ảo, phi lý, mộng mị chiêm bao... – một cuộc “hợp hoan” giữa thực và siêu thực. Những hình ảnh siêu thực trong Ma thuật ngón vẫn chỉ là bước đầu của chủ nghĩa siêu thực trong vô vàn những thể nghiệm của trường phái.

Sau cuộc phóng sinh và một bước vòng của kí ức: dựng bờm đen ý nghĩ “Về” với “dọc mù sương”, “Vỹ Dạ đạt ma” “để lau một tiếng nói”… Thân thể đã phóng sinh và kí ức tuổi thơ cần cần tẩy đi những nỗi buồn chiến tranh vẫn còn hiện hữu. Làm được vậy mới nhẹ gót bước tới “đỉnh rỗng” nơi mà hư vô thống trị:

mọi ánh sáng đã đựng trong rỗng
mọi âm thanh đã đựng trong rỗng
mọi sắc màu đã đựng trong rỗng
mọi ngôn từ đã đựng trong rỗng
mọi hơi thở đã đựng trong rỗng
và rơi
trong thân thể rỗng
(Đỉnh rỗng)

Nhưng trong sự rỗng cũng có một cuộc phục sinh ngấm ngầm:

từ làn da của tôi mọc lên từng vạt cỏ xanh
hân hoan rễ cỏ mọc sâu vào rỗng không
thân thể
(Đỉnh rỗng)

Quá trình phóng sinh để đạt tới sự rỗng để tách riêng “tôi” với thân xác chứa đựng “thân thể tôi chỉ là nơi trú ngụ của một kẻ đào tẩu xa lạ. xác thân – ngôi nhà hoang đã rời bỏ từ lâu”. Qua đó, để suy ngẫm, phán đoán và tham vọng nhận ra bản chất của tồn tại – một cách phục sinh khác thường:

- tôi nhìn kẻ trú ngụ bằng ý nghĩ sút dây không ổ cắm
- kẻ trú ngụ nhìn tôi bằng chiếc gáy xa lạ
- xác thân nhìn tôi như kẻ quỵt tiền nhà

chỉ một phút giây ấy thôi/ rỗi cứ thế không đầu không thân thể không màu
không mùi vị
tôi đi với hơi thở nhẹ
không ngang qua sự cư trú nào nữa
(Kẻ trú ngụ)

Cuối cùng vẫn là cái đích đến vẫn là sự tự do bởi “tự do bao giờ cũng đẹp” (JMG Le Clézio) không bị bó buộc bởi bất cứ điều gì kể cả những định hướng mang tính phương pháp của suy tưởng.

Trên kia tôi đã thử vẽ lại sự kết nối của bằng cái nhìn thế giới của nhà thơ nhưng còn cấu trúc nghệ thuật của tập thơ Ma thuật ngón vẫn chưa chạm đến.
Ma thuật ngón là một sự cộng sinh của khuynh hướng thơ hiện đại và những yếu tố hậu hiện đại manh nha. Phóng sinh từng phần thân thế là những hình ảnh siêu thực, Về mang tính chất thơ hiện đại “không ý tưởng chỉ vào sự thật” (W. C. Williams) có khả năng truyền đạt trực tiếp như cách sử dụng đàm thoại hàng ngày:

giầy thường cười nhạo bàn chân:
-mày trong ấy thì nhìn thấy gì!
(Ngụ ngôn đường và chân)

Đỉnh rỗng là sự xâm thực của văn xuôi vào thơ khiến cấu trúc thơ nới rộng. Sự nới rộng cấu trúc thơ không phải là hình dáng câu thơ trở nên dài hơn mà chính là ngữ điệu câu thơ tiết nhịp mới:
tôi đóng nước vẫn chảy tôi đóng gió vẫn
vào tôi đóng nhạc vẫn reo tôi đóng mùa
vẫn đến tôi đóng đầy càng rỗng tôi tắt lửa
vẫn cháy tôi tắt bóng vẫn đổ tôi tắt ngày
vẫn sang
(Đỉnh rỗng)

Vật liệu của thơ không còn phải tìm kiếm mà luôn có sẵn bằng cách tái chế thông tin mang tính chất báo chí bằng thủ pháp nhại:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao Hôm nay trời nhẹ lên cao Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi Giá đừng có giậu mồng tơi Thì đâu đến nỗi đánh rơi… (mất mấy chữ) Một giáo sư nhận định đó là mạc can phóng dao nhưng vào giai đoạn văn học nào thì chưa xác định”.
(Phóng sinh từng phần thân thể)

Tính cộng sinh dùng dằng trong tập thơ cũng ít nhiều hạn chế khả năng đào sâu, đi đến tận cùng vào một khuynh hướng tìm ra những chiều kích sâu và mới của khuynh hướng đó. Trường hợp Ma thuật ngón cũng tiêu biểu cho cái gọi là chuyển đổi chủ âm trong thơ Việt hiện nay. Có lẽ chủ âm của thơ hiện nay đã chuyển từ ngữ điệu thay cho vần và sơ đồ âm tiết. Nhưng sự xuất hiện của các chủ âm không phải là sự thay thế mà mà gối tiếp nhau bởi sự lắp ghép đã là một đặc tính của văn hóa Việt Nam.

Dẫu vậy, Ma thuật ngón vẫn là tập thơ kết hợp hài hòa các thủ pháp mới, cũ tăng hiệu quả thẩm mỹ và tính nghệ thuật của thơ. Song điều mà tập thơ này đóng góp chính là cố gắng dãi bày được một cách nhìn thế giới bằng thơ có chiều sâu đi vào bản chất qua những hệ chủ đề: những vấn đề mang tính bản thể luận muôn thủa của loài người: tồn tại, sự sống cái chết, ứng xử với quá khứ…

Linh Đàm, 29/ 10/ 2008.
Hàm Đan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét