Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2009

GIA ĐÌNH SIMPSON: HAI MƯƠI NĂM VẪN... CHẠY TỐT

Vào ngày 17/ 12 năm nay, show hoạt hình nổi tiếng Gia đình Simpson (The Simpsons) sẽ kỷ niệm 20 năm chương trình đầu tiên được phát sóng. Hai mươi năm bền bỉ để vươn lên thành một biểu tượng văn hóa đại chúng của thế giới. Một kì tích mà có lẽ rất lâu nữa chúng ta mới được chứng kiến lần thứ hai.
Người ta từng lo ngại một ngày nào đó chương trình sẽ ngừng sản xuất. Kịch bản xấu nhất hẳn khiến nhiều người khó có thể chấp nhận bởi đơn giản tiếng cười châm biếm sâu sắc và sự phản ánh đời sống chân thực của Gia đình Simpson đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng triệu người.
“VUA” TRUYỀN HÌNH
Gia đình Simpson dành danh hiệu “vua” của ngành truyền hình qua việc đứng đầu trong cuộc bình chọn “17 chương trình thay đổi truyền hình” của tạp chí Time vào ngày cuối cùng của năm 1999 kèm theo lời bình luận của ký giả James Poniewozik: “đó là show truyền hình xuất sắc nhất từ trước tới nay”.

Photobucket

Việc dành các giải thưởng của Gia đình Simpson chẳng khiến ai ngạc nhiên, đúng như câu nói “chuyện thường ngày ở huyện”. Trang web của Gia đình Simpson còn lấy việc nhận quá nhiều giải thưởng làm trò đùa khi vẽ cả gia đình mặc đồ dạ hội đi nhận giải thưởng và ông bố Homer Simpson vừa cười vừa nói: “Chúng tôi có nhiều danh hiệu hơn cả Michael Phelps” (người đoạt 8 HCV tại Olympic Bắc Kinh năm ngoái - PV). Câu nói khôi hài nhưng đúng sự thật bởi Gia đình Simpson đã dành 24 giải Emmy, 26 giải Annie và một giải Peabody. Ngoài ra còn nhận hàng chục vô số giải thưởng và danh hiệu “nhỏ” hơn như: một ngôi sao gắn trên đại lộ danh vọng Hollywood (ngày 14/ 1/ 2000); kênh truyền hình Channel 4 của Anh bình chọn đứng đầu trong “100 phim hoạt hình xuất sắc nhất”; người con cả Bart Simpson là nhân vật giả tưởng duy nhất có tên trong danh sách “100 nhân vật ảnh hưởng đến thế kỷ 20 thuộc danh mục các nghệ sĩ và người hoạt động giải trí” của tạp chí Time; ông bố Homer đứng thứ 9 trong “50 biểu tượng truyền hình vĩ đại nhất” do tạp chí Entertainment Weekly bình chọn... Danh sách các giải thưởng của Gia đình Simpson chưa thể dừng lại một khi chương trình vẫn còn sản xuất; chẳng hạn Harry Shearer là người lồng tiếng duy nhất trong năm người lồng tiếng chính chưa nhận giải thưởng Emmy, việc nhận giải của ông chỉ còn là vấn đề thời gian.
Với người xem, ngay từ những tập phim đầu tiên, Gia đình Simpson đã là một ông vua truyền hình. Trung bình có khoảng 5, 7 triệu người xem các tập phim mới ra lò. Với số lượng người xem như vậy, không khó để có thể tính lợi nhuận từ các sản phẩm ăn theo show Gia đình Simpson. Theo con số thống kê lợi nhuận từ 14 tháng đầu tiên sau khi các sản phẩm ăn theo được tung ra thị trường đạt... 2 tỉ USD. Bộ phim màn ảnh rộng 2007 đạt 527 triệu USD doanh thu bán vé chỉ xếp sau phim Harry Potter và mệnh lệnh phượng hoàng.
Về mặt doanh thu, phim về chú bé phù thủy có thể hơn phim Gia đình Simpson song ảnh hưởng đến đời sống chắc chắn chưa từng có một bộ phim hay show truyền hình nào ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài hơn. Tiếng càu nhàu D’oh của Homer mỗi khi bực mình được đưa vào từ điển Oxford English Dictionary vào năm 2001. Các nhân vật trong Gia đình Simpson vừa có cá tính mạnh vừa có những nét chung với bất cứ ai nên khi gặp một cậu bé tinh nghịch người ta nghĩ đến Bart hoặc gặp một bà nội trợ người ta nghĩ đến Marge và thậm chí ai đó làm một điều gì đó hơi ngớ ngẩn đều giật mình tự nhủ: “Có lẽ mình giống Homer!”...
Gia đình Simpson còn ảnh hưởng nhiều đến các vấn đề chính trị, tôn giáo, môi trường – những vấn đề lâu nay thuộc về chương trình chính luận hơn là hài kịch hoạt hình. Gia đình Simpson đúng là ông “vua” truyền hình toàn diện không có “kẻ cướp ngôi”.
CUỘC CÁCH MẠNG HOẠT HÌNH
Những bộ phim hoạt hình 3D của Dreamworks và Pixar như Finding Nemo, Wall – E, Up, Shrek, Shark Tale... khiến khán giả bất kể tuổi tác lũ lượt đến rạp vì cái hài chứa đựng tính nhân văn sâu sắc. Đặt vấn đề công nghệ làm phim sang một bên, có thể nói phim hoạt hình ngày nay đã thoát khỏi cái bóng của hoạt hình dành cho trẻ nhi đồng như phim về vịt Donal, chuột Mickey, Tom và Jerry, chú chó Snoopy và những bộ phim dựa trên các truyện cổ như: Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Người đẹp và quái thú, Công chúa lọ lem... Những bộ phim kể trên có hình ảnh vui mắt chú ít chú ý đến ý nghĩa, cái hài để cười trong giây lát rồi quên rất nhanh.

Photobucket

Phim hoạt hình cách đây ba mươi năm đã định hình một cách nghĩ phim hoạt hình chỉ phù hợp với trẻ nhỏ. Quan niệm trên chỉ thực sự sụp đổ khi Gia đình Simpson ra đời. Mỗi tập phim đều theo sát các vấn đề cuộc sống từ việc ăn chay, kiện tụng, thể thao cho đến bầu cử tổng thống, vấn đề đồng tính... cho nên mỗi tập phim gần giống như một chương trình thời sự tiêu điểm vì thế ngay lập tức nó thu hút sự quan tâm của những người trưởng thành chứ không riêng mỗi trẻ em. Tất cả các câu chuyện đều diễn ra ở thị trấn Springfield – một địa danh tưởng tượng nhưng có đầy đủ các không gian đặc thù của con người hiện đại như trường học, bệnh viện, nhà thờ, khu giải trí và còn có một... nhà máy điện hạt nhân. Bất cứ nhóm người nào đều tìm thấy hình ảnh của mình trong bộ phim khác với những bộ phim trước đó tự giới hạn mình trong một nhóm người xem nhất định.


Đặc sản trong bất cứ phim hoạt hình nào cũng là tiếng cười, Gia đình Simpson cũng không phải ngoại lệ, điều đặc biệt của Gia đình Simpson là những phút trầm ngâm suy nghĩ sau tiếng cười vui vẻ ví như trong tập phim Tôi cưới Marge kể về Homer hồi trẻ thất nghiệp phải bỏ Marge đang bụng mang dạ chửa Bart. Cuối cùng, Homer cũng tìm được việc làm ở nhà máy điện hạt nhân và lo cho cả gia đình. Người ta cười vì anh chàng Homer vụng về và bất tài lóng ngóng trong việc tổ chức cuộc sống gia nhưng sự yêu thương để vượt qua khó khăn trong cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ nghèo khiến người xem cảm động. Đó là điều mà Matt Groening – cha đẻ của Gia đình Simpson hướng đến, ông từng nói: “mỗi khi bắt tay làm tập phim mới, điều chúng tôi mong muốn nhất là phải có nhiều người xem và người xem sẽ thấy đồng cảm với câu chuyện trong phim. Tính thương mại chỉ là thứ yếu”.
LUÔN TỰ LÀM MỚI
Những người sản xuất chưa bao giờ phát ngôn về việc luôn tự làm mới Gia đình Simpson. Nhưng qua mỗi mùa trình chiếu (từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau), người ta lại thấy Gia đình Simpson như lột xác từ nội dung cho đến cách thức biểu đạt.
Sau một thời gian, các câu chuyện gói gọn trong phạm vi Gia đình Simpson chương trình liền mở rộng các hệ thống nhân vật đồng thời cũng nới rộng các chủ đề cần phản ánh. Hàng xóm của nhà Homer là gia đình Flanders – một gia đình sùng đạo sẽ có chủ đề về tôn giáo, hiệu trưởng Skinner và cô giáo Edna sẽ có chủ đề về trường học, cặp sinh đôi chị của Marge là Selma và Patty sẽ có chủ đề về người độc thân, ông chủ nhà máy điện hạt nhân C. M. Burns sẽ có chủ đề về ông chủ và người làm trong công sở... Gia đình Simpson luôn theo sát cuộc sống nên việc tìm đề tài mới thật sự không phải là vấn đề đáng bận tâm như khi cậu bé Harry Potter xuất hiện Gia đình Simpson có ngay một show về phép thuật. Thậm chí họ các nhà viết kịch bản còn hư cấu thêm người ngoài hành tinh, vật thể lạ ngoài không gian và dự báo tương lai khi Lisa Simpson trở thành... nữ tổng thống đầu tiên của Mĩ. Nhà sản xuất David Silverman tự hào nói: “Chúng tôi có thể sáng tạo ra cả một vũ trụ tưởng tượng”. Ngoài ra, Gia đình Simpson còn mời những người nổi tiếng tham gia các tập phim với tư cách người lồng tiếng hoặc trở thành nhân vật của một tập phim. Danh sách này lên đến trăm người bao gồm: các ca sĩ Michael Jackson, U2, Elton John, Paul McCartney, The Who, The Carpenters...; các diễn viên điện ảnh Drew Barrymore, Elizabeth Taylor, Meryl Streep, Danny DeVito, Tom Hanks..., các vận động viên Yao Ming, Andre Agassi, chị em nhà William..., các chính trị gia Fidel Castro, G. Bush... cho đến nhà du hành vũ trụ Buzz Aldrin, nhà vật lí lý thuyết Stephen Hawking.
Một nội dung phong phú tất nhiên phải đi kèm với vô số cách thức biểu đạt. Đầu tiên phải kể đến giọng lồng tiếng chỉ cần nghe cũng thấy buồn cười. Tiếp đó, là hình vẽ bằng tay ấn tượng khi các nhân vật đều có da màu vàng tươi như vỏ cam. Đi sâu hơn, Gia đình Simpson sử dụng thủ pháp nhại để châm biếm (parody). Tài liệu để nhại từ trong cuộc sống thực, phim ảnh, truyền hình, âm nhạc, văn học, khoa học và lịch sử. Ví dụ như Homer ăn mặc như Don Fanucci trong phim Bố già 2, Show Itchy & Scratchy mà gia đình Simpson hay xem nhại Tom và Jerry để phê phán phim hoạt hình bạo lực... Thậm chí, Gia đình Simpson cũng đem chính bản thân mình ra nhại. Một thủ pháp nữa là tính trích dẫn, người xem có thể gặp lại khung cảnh của bênh viện tâm thần y như trong phim Bay qua tổ chim cúc cu hoặc seria phim truyền hình ăn khách Hồ sơ mật trong Gia đình Simpson.
Chính vì thủ pháp vay mượn để nhại này mà động chạm rất nhiều nhân vật máu mặt như gia đình tổng thống Bush. Phu nhân Barbara Bush vào ngày 1/ 10/ 1990 trên tờ People gọi Gia đình Simpson là “show truyền hình ngu ngốc nhất từng được xem”. Chương trình phản đòn bằng cách tung ra tập phim Hai người hàng xóm tồi tệ, khi Homer đánh lộn và giành chiến thắng người hàng xóm là... cựu tổng thống G. Bush (cha). Kết quả, những người thủ cựu quay sang ủng hộ chương trình bởi mỗi tập phim kết thúc tình cảm của nhà Simpson ngày một gắn bó.
Tháng 9 năm nay, mùa thứ 21 với tập phim thứ 442 của Gia đình Simpson sẽ tiếp tục ra mắt. Như bậy, thói quen cứ đúng vào giờ vàng tối chủ nhật, hàng triệu người lại chăm chú xem nhữung câu chuyện mới của gia đình nổi tiếng nhất thế giới. Cứ đà này, không chỉ hai mươi năm và nhiều năm sau nữa chương trình vẫn... chạy tốt.

Hàm Đan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét