Thứ Năm, 3 tháng 9, 2009

VƯƠNG GIA VỆ: NGƯỜI TÌM KIẾM SỰ LÃNG MẠN THUẦN KHIẾT

(Phải mở mấy cái ngoặc này để nói việc đây là bài viết được một tờ báo đặt. Rất không hài lòng bài viết này vì dung lượng kh cho phép dài và kh được phép viết theo kiểu studies mà phải viết kiểu article. Đành chấp nhận. Nhưng sẽ viết về Vương Gia Vệ đầy đủ, nghiêm túc hơn ở lần khác)
Điện ảnh Hong Kong vẫn chuyện trị các đề tài mang tính giải trí cao. Nhờ đó, vùng lãnh thổ này trở thành một trung tâm điện ảnh quan trọng của thế giới. Nhưng nhắc đến điện ảnh Hong Kong trước thập niên 90, người ta vẫn dành cho nó những cái bĩu môi với lời nhận xét đúng nhưng không mấy thiện cảm: “Phim mì ăn liền ấy mà!”. Định kiến trên chỉ thay đổi khi có sự xuất hiện một loạt bộ phim nghệ thuật của đạo diễn Vương Gia Vệ.
ĐẾN NGƯỜI PHÁP CŨNG SAY MÊ
Phim của Vương Gia Vệ chủ yếu đi tranh giải tại LHP Cannes – nơi đặt những tiêu chí nghệ thuật lên hàng đầu. Cũng ở LHP này, khán giả đều thuộc hạng sành sỏi và khó tính trong việc thưởng thức điện ảnh. Chinh phục được họ là việc cực khó với bất cứ một đạo diễn nào nhưng với Vương Gia Vệ điều này còn khó hơn khi mỗi bộ phim của ông đều đậm chất lãng mạn - vốn là đặc sản của người Pháp.
Ông tạo ra sự lãng mạn khi trở về thời đại những năm 60 bằng ba bộ phim có mối quan hệ hữu cơ với nhau: Days of being wild (A Phi chính truyện) năm 1990, In the mood for love (Tâm trạng khi yêu) năm 2000 và 2046 năm 2004. Tính lãng mạn thể hiện trong các đề tài về tình yêu khởi đầu rất đẹp nhưng bất thành, sự mất phương hướng trong cuộc sống của những người trẻ tuổi thông qua một hành trình dài về ký ức của các nhân vật như Húc Tử, nhà báo Châu, Tô Lệ Trân... Cũng có lần, ông đi tìm tính lãng mạn trong những anh hùng kiếm hiệp của Kim Dung trong Ashes of Time (Đông tà tây độc) năm 1994. Những nhân vật võ lâm bề ngoài hết sức khinh bạc nhưng bên trong nội tâm đầy giông bão với mối tình éo le tay ba hoặc về quê hương như lời thoại của nhân vật Hoàng Dược Sư: “Tôi muốn trở về nhà. Ở quê nhà tôi, mùa này, hoa đào nở đẹp lắm”. Tính lãng mạn trong các bộ phim của Vương Gia Vệ cũng tìm đến bối cảnh đương đại qua các bộ phim Chungking express (Trùng Khánh sâm lâm) năm 1994, Fallen Angels (Thiên thần gãy cánh) năm 1995, Happy together (Xuân quang xạ tiết) năm 1997, My blueberry nights năm 2006. Những câu chuyện tình cảm diễn ra ở đô thị náo nhiệt, chỉ trầm lắng về ban đêm khi các nhân vật quên đi cuộc sống mưu sinh hàng ngày.
Với những bộ phim lấy bối cảnh ở thời quá khứ, ông chọn những môi trường đã mất đi như những chung cư tập thể chật chội đã không còn ở Hong Kong. Cùng với khung cảnh là những con người với lối nghĩ và hành động theo truyền thống Á đông chưa bị ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây. Vì thế, trong phim Tâm trạng khi yêu khi nhà báo Châu và Tô Lệ Trân bị chính vợ chồng mình phản bội, họ cũng không dám trở thành cặp tình nhân vì sợ dư luận xã hội lên án. Tính lãng mạn thuần khiết đã khiến nhà báo Châu lý tưởng hóa Tô Lệ Trân để sau này ở phim 2046 anh không thể dứt bỏ quá khứ để có thể gắn bó lâu dài với bất kì người phụ nữ nào khác.
Photobucket
Với cảm xúc lãng mạn, Vương Gia Vệ cho chúng hồi sinh ở những bộ phim lấy bối cảnh đương đại. Trong Trùng Khánh sâm lâm, đô thị hiện đai đầy những tòa nhà chọc trời như ở một khu rừng, những con người chen chúc giành giật sự sống vẫn có chỗ cho sự lãng mạn. Nhân vật người đàn bà đội tóc giả màu vàng vốn là một kẻ buôn bán heroin đã nhắn tin chúc mừng sinh nhật anh cảnh sát Hà Chí Vũ chỉ vì anh đã đưa cô về khách sạn trong tình trạng say xỉn rồi sau đó bỏ đi vào trời sáng mà không tìm cách lợi dụng.
Tính lãng mạn thuần khiết còn được Vương Gia Vệ dự phóng ở tương lai qua cuốn tiểu thuyết của nhà văn Châu trong phim 2046. Vào năm 2046, khoa học kỹ thuật ngự trị tuyệt đối và con người trở nên cô đơn hơn bao giờ hết. Một anh thanh niên Nhật yêu một cô người máy phục vụ chuyện chăn gối dù trước đó đã được cảnh báo không được phải lòng người máy.
Thành công của Vương Gia Vệ không phải ngẫu nhiên mà có. Trước hết, ông làm việc ở Hong Kong - một môi trường sống tự do không còn bận tâm với việc dùng nghệ thuật tác động vào chính trị như ở Trung Quốc đại lục. Các bộ phim nổi tiếng như Bá vương biệt cơ của Trần Khải Ca, Anh hùng của Trương Nghệ Mưu… vẫn luẩn quẩn ở việc ngầm “tải đạo” như lời phát biểu của Trần Khải Ca: “Những thứ chúng ta định làm phim nhất định phải có liên quan tới những suy nghĩ của chúng ta về dân tộc, về đời người” (trích cuốn Đối thoại với Trần Khải Ca của Lý Nhĩ Uy). Vương Gia Vệ tập trung làm những bộ phim nói về những câu chuyện của cá nhân riêng lẻ không chịu tác động của xã hội mà chỉ chịu chi phối của nội tâm. Trong suốt thập niên 70 và 80, điện ảnh Hong Kong chỉ làm những phim mang tính giải trí nhưng chính điều này đã tạo ra tính chuyên nghiệp trong điện ảnh khi tích lũy được vốn, đội ngũ làm phim và diễn viên thạo nghề. Từ cái nền chuyên nghiệp, Vương Gia Vệ thỏa sức đưa các thủ pháp làm mới điện ảnh. Yếu tố cuối cùng cho sự thành công của Vương Gia Vệ tất nhiên là tài năng cá nhân của chính ông. Một người sành sỏi không chỉ điện ảnh mà còn cả văn học, âm nhạc, mỹ thuật.
Thành công của Vương Gia vệ không chỉ dừng ở việc giành giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất LHP Cannes với bộ phim đồng tính nam Happy together mà còn ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Nhắc đến Vương Gia Vệ là nhắc đến một dòng phim nghệ thuật mang tinh thần lãng mạn thuần khiết đến mức người Pháp cũng say mê. Mỗi lần phim của ông dự giải tại Cannes lại một lần khiến người ta trầm trồ tán thưởng, thậm chí poster phim sau vài phút trưng bày… không cánh mà bay.
CÁCH LÀM PHIM “ĐIÊN KHÙNG”
Cách làm phim của Vương Gia Vệ rất khác người đến mức bị cho là hơi… “điên khùng”. Đầu tiên, ông làm phim không có kịch bản. Thường là vừa làm vừa viết kịch bản; như phim Happy together trước khi lên đường quay ở Argentina trong đầu ông mới chỉ có ý tưởng là câu chuyện của hai người đàn ông. Tên hai nhân vật chính là Lê Diệu Huy và Hà Bảo Vinh vốn là tên là hai trợ lý của nhà quay phim người Úc Christopher Doyle. Làm phim không có kịch bản khiến nhiều cảnh phim vừa quay đi quay lại khiến đoàn làm phim rất mệt mỏi. Nhưng điều này tạo ra những bước phát triển cho mang tính vô thức tạo ra nhiều sự độc sáng cho câu chuyện trong phim khi không quá cứng nhắc đi theo kịch bản vạch sẵn. Thông thường các bộ phim của ông chỉ kết thúc đúng vào ngày chuẩn dự giải hoặc khi… hết tiền.
Thủ pháp tượng trưng luôn trở đi trở lại trong các phim của Vương Gia Vệ một cách nhất quán và nhuần nhuyễn. Vì thế, phim của ông rất ít thoại mà chủ yếu dùng âm nhạc cộng với diễn xuất hình thể của diễn viên để miêu tả nội tâm của họ. Trong phim Tâm trạng khi yêu, Vương Gia Vệ sử dụng các bài hát tiếng Tây Ban Nha lãng mạn được trình bày bởi Nat King Cole thịnh hành những năm 60. Ngoài ra, ông sử dụng bối cảnh Angkor Wat ở cuối phim để tượng trưng cho tình yêu tình yêu đã tan vỡ. Sự tượng trưng còn được thể hiện qua những tông màu, góc máy trong các bộ phim. Người quay phim chính cho hầu hết các bộ phim của Vương Gia Vệ là Christopher Doyle. Trong phim Happy together, những cảnh khung hình rung tạo ra sự bất an trong nội tâm diễn viên một cách hoàn hảo.
Đặc điểm khác trong phim Vương Gia Vệ là tính trích dẫn. Các bộ phim sau của ông thường dùng các nhân vật, địa điểm từ các bộ phim trước trở thành ký ức cho các nhân vật cho bộ phim sau. Trong phim 2046, người bạn trai được ví là “loài chim không chân” được Lu Lu yêu suốt đời chính là Húc Tử - nhân vật chính trong A Phi chính truyện. Không khó để nhận ra ảnh hưởng của nhà văn vĩ đại M. Proust trong cốt truyện của Vương Gia Vệ. Để tìm về sự lãng mạn tạo ra phong cách của mình cũng đồng thời khởi nguồn của việc “đi tìm thời gian đã mất”. Ông còn sử dụng các đoạn phim tài liệu có thật ngoài đời nhằm ghép nối cho những sự kiện hư cấu trong phim như cảnh chuyến thăm Campuchia của tổng thống Pháp C. De Gaulle trong phim Tâm trạng khi yêu.

Photobucket
Những thủ pháp tân kì này dĩ nhiên không phải ai cũng thích. Nhưng tất cả đều đồng ý rằng Vương Gia Vệ là một bậc thầy về dòng phim nghệ thuật trên thế giới hiện nay. Một mình ông ít nhiều đã làm đổi cách nhìn về điện ảnh Hong Kong và cả châu Á.
Hàm Đan

3 nhận xét:

  1. chào bạn . mình tình cờ vào blog bạn .
    bạn có thể cho mình biết tên của cái film mà bạn để ở trên đầu page của bạn đc k =) .
    mình đã tìm rất lâu rồi nhưng k biết đc cái tên của nó . hôm nay tình cờ thấy mình thật sự rất vui =] vì mình nghĩ chắc chắn bạn biết .
    mong trả lời của bạn .

    coca .

    Trả lờiXóa
  2. mình đã nhận đc comment của bạn rồi .
    khoảng 4 , 5 năm trước mình từng coi phim Farewell My Concubine đc chiếu 1 lần trên TV nhưng lúc đó k biết tìm hiểu thế nào . k biết tên phim .
    nhưng mình biết phim đó chắc chắn sẽ đc đoạt giải gì đó cho nên mình nghĩ rồi sẽ biết đc tên thôi =] .
    giờ thì mình đang tìm lại và coi .
    thành thật cám ơn .

    coca .

    Trả lờiXóa
  3. "Fallen Angels" là "Đọa lạc thiên sứ", "In the mood of love" là "Hoa dạng niên hoa" ^^

    Hình như bạn mới đổi link tới blog nên mình ko thấy cái theo dõi reading trong dashboard của mình báo có bài mới. May mà tự dưng chạy sang xem nên phát hiện ra và kịp thời sửa lại theo dõi. Mình cũng biết viết article bị hạn chế và chi phối bởi rất nhiều yếu tố nên mình sẽ đợi các bài case studies của bạn. Rất thích Vương Gia Vệ nên mong lắm, mong lắm ^^

    Trả lờiXóa