Thứ Tư, 25 tháng 11, 2009

ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM: ĐẦU TIÊN PHẢI XÂY MÓNG



Tin vui cho điện ảnh VN trong năm nay là bộ phim Chơi vơi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đoạt giải của Hiệp hội Phê bình điện ảnh quốc tế (Fipresci Prize) tại LHP Venice 2009 trong khi tham gia LHP này ở hạng mục Orizzonti (Chân trời). Mừng vì phim nước nhà lâu lắm rồi mới đoạt giải quốc tế. Nhưng thành công của Chơi vơi liệu có phải được hình thành từ một cái nền điện ảnh vững chắc để từ đó những thành công như Chơi vơi không phải là hiếm? Câu trả lời là không!

Một thực tế mà nhiều người làm phim VN luôn chấp nhận dù không vui vẻ là điện ảnh VN chưa bao giờ được xem là một nền điện ảnh chuyên nghiệp. Điện ảnh quốc doanh hàng chục năm không thay đổi cơ chế bao cấp; trong khi điện ảnh tư nhân đang đi những bước đầu tiên. Con đường chuyên nghiệp của điện ảnh VN tuy còn xa nhưng đường hướng để đi đã có thể nhìn thấy ở phía điện ảnh tư nhân.

NHƯ CÁI ĐÈN CÙ

Vài năm trở lại đây, những bộ phim do nhà nước sản xuất vẫn đi theo con đường kinh điển của hàng chục năm nay đó là làm phim xong trình chiếu trên toàn quốc một vài tuần rồi rút lui “không một tiếng vang”. Dư âm sót lại là khi tên của những bộ phim đó được xướng lên tại Lễ trao giải Cánh diều vàng để cuối năm được ghi trong bản cáo cáo thành tích của ngành điện ảnh. Chấm hết. Hình ảnh ví von hay nhất với điện ảnh quốc doanh có lẽ là cái đèn cù: vẫn chuyển động nhưng rút cuộc chẳng có gì mới.

Về doanh thu, chưa bao giờ những bộ phim của nhà nước sản xuất cùng thời điểm lại đứng đầu bảng xếp hạng, đơn cử như phim Ký ức Điện Biên kết thúc 6 ngày rưỡi chiếu ở TP.HCM bán được... 24 vé, doanh thu 700 ngàn đồng. Sự yếu kém của hãng phim nhà nước báo chí đã mổ xẻ không phải nhiều mà là quá nhiều; từ việc thiếu chuyên nghiệp trong khâu sản xuất, cơ chế làm phim vẫn không thay đổi mấy so với thời bao cấp cho đến khâu quảng bá phim kém… Nếu ngày xưa, các hãng phim còn đổ cho việc thiếu tiền, thiếu máy móc thì nay tiền đã có (tuy chưa nhiều nhưng vẫn còn nhiều hơn nền điện ảnh đang gây ảnh hưởng khắp thế giới là Iran), máy móc đắt tiền đã nhập về. Có lẽ điều mà các hãng phim nhà nước đang lúng túng không phải là việc sẽ làm phim như thế nào mà là lấy lí do gì để biện minh cho việc phim làm xong rồi chỉ để…xếp kho. Đã đến lúc điện ảnh nhà nước nhìn thẳng vào bản chất vấn đề chứ đừng nói mãi điệp khúc “hát không hay là do sân khấu”!

Vấn đề chính nằm ở đâu? Câu trả lời không hề khó. Vòng luẩn quẩn của hãng phim nhà nước nằm ở chỗ các bộ phim này làm ra chủ yếu để tuyên truyền chứ không nhắm vào mục đích nâng cao chất lượng nghệ thuật. Các bộ phim lớn đầu tư hoành tráng thời gian gần đây đều là phim về chiến tranh. Trở lại mục đích chính của các bộ phim này, hơn chục tỉ đồng để làm phim Giải phóng Sài Gòn sẽ là không uổng phí nếu giúp cho lớp trẻ nâng cao hiểu biết lịch sử dân tộc nhưng hình như mục đích này đã phá sản khi mà mỗi kì thi tốt nghiệp và đại học chúng ta thường xuyên đọc được những bài thi “cười ra nước mắt” bởi sự lẫn lộn kiến thức về chính chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Rút cuộc, giới trẻ vẫn thuộc lịch sử nước Tàu và Hàn Quốc hơn chính lịch sử VN. Và nếu làm một cuộc thăm dò có lẽ bộ phim tài liệu 4 tập Đại thắng mùa xuân sẽ được nhiều người muốn xem lại hơn so với bộ phim nhựa Giải phóng Sài Gòn.

Bức tranh điện ảnh VN có lẽ sẽ là màu đen kịt nếu chỉ là màn độc diễn của hãng phim nhà nước nhưng may mắn thay sự xuất hiện của các hãng phim tư nhân đã khiến những người đau đáu cho điện ảnh nước nhà bớt bi quan.

CON ĐƯỜNG DUY NHẤT

Liên tiếp những bộ phim tư nhân sản xuất như Gái nhảy 1 và 2, Đẻ mướn, Dòng máu anh hùng, Nụ hôn thần chết, Giải cứu thần chết, Đẹp từng centimet…kéo khán giả Việt đến xem phim Việt vào mỗi mùa phim hè hoặc Tết. Quang cảnh đó là điều không tưởng với những ai hay đi xem phim khoảng 10 năm về trước. Những phim tư nhân gàn đây người ngoại đạo đều hiểu đây là những bộ phim thuộc dòng phim giải trí. Mục đích của phim giải trí là kéo càng nhiều khán giả đến rạp nên họ luôn sử dụng những chiêu thức câu khách như diễn viên là người nổi tiếng như ca sĩ, người mẫu; truyện phim phải thực sự dễ hiểu và có đôi chút giật gân, những cảnh “nóng”, hài hước hoặc bạo lực. Chính điều này, khiến phim tư nhân gặp nhiều sự phê phán là phim rẻ tiền. Điều này không sai nhưng thử nhìn lại lịch sử các nền điện ảnh thế giới như Mỹ, Hong Kong, Bollywood đều bắt đầu từ những phim rẻ tiền thậm chí là cả phim cấp 3. Người Mỹ nổi tiêng với phim cao bồi, hành động nhưng nếu họ làm phim nghệ thuật như The hours thì cả thế giới đều phải ngả mũ. Tương tự, điện ảnh Hong Kong nổi tiếng với phim kiếm hiệp, xã hội đen nhưng với Days of being wild, In the mood for love, Rouge… thì đã đứng hàng đầu về phim nghệ thuật trên thế giới. Chính từ những bước khởi đầu làm phim giải trí mà họ tích lũy được vốn, quy trình làm phim, đội ngũ hành nghề để nâng tầm chuyên nghiệp và tiến tới sản xuất dòng phim nghệ thuật.

Với hoàn cảnh điện ảnh nước ta chia làm hai con đường thì phim tư nhân rõ ràng có nhiều triển vọng đưa điện ảnh VN phát triển. Nếu ai đó còn kì vọng ở phim nhà nước thì đó là niềm tin mù quáng. Nếu không thay đổi cung cách quản lí, điều hành, tổ chức, đào tạo và quan điểm làm phim tuyên truyền rút cuộc phim nhà nước sẽ chẳng thể nào đưa điện ảnh nước nhà đi lên vì vừa không thể kéo khán giải đến rạp vừa không thể mang phim đi thi thố quốc tế để gây tiếng vang. Nhiều người kì vọng đến một bộ phim na ná như Đời cát. Phim Đời cát đoạt giải thưởng tại liên hoan châu Á - Thái Bình Dương vì ban giám khảo đánh giá cao bộ phim chạm vào thân phận tình yêu cá nhân đi qua cuộc chiến chứ không phải là cảnh chiến trường hay tuyên truyền chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nếu làm phim chiến trường và với quan điểm ta thắng địch thua một chiều chúng ta không thể bì được với Giải cứu binh nhì Ryan.

Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến thành tựu của những nhà làm phim độc lập như Trần Anh Hùng, Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Xích lô và Mùa len trâu là hai bộ phim đáng xem nhất của điện ảnh VN từ năm 1990 trở lại đây. Nhưng điện ảnh VN không nên vơ vào hai phim này vì chúng có cách làm phim khác hẳn cái nền thấp kém, lạc hậu trong nước. Mặt khác, con đường của phim nghệ thuật này chông gai và khác hẳn cách đưa phim Việt truyền thống đến các LHP. Đầu tiên, họ phải kiếm đủ tiền để có thể thực hiện dự án phim. Tiếp theo đưa trình chiếu ở các LHP quốc tế để lọt vào mắt xanh một nhà phát hành phim nào đó hy vọng có thể nghĩ đến chuyện thu lời, nếu không tối thiểu cũng xin một Mạnh Thường Quân nào đó tài trợ cho phim sau.

Điện ảnh VN có thể hy vọng về những phim kiểu như Chơi vơi nhưng điều cần phải làm trước tiên là “nội địa hóa” điện ảnh. Xây dựng một nền điện ảnh cũng giống như xây nhà. Đầu tiên phải xây móng. Cái móng ở đây chính là phim giải trí để người Việt xem phim Việt, lấy phim giải trí để nuôi phim nghệ thuật. Và cuối cùng phim nghệ thuật sẽ hòa với phim thị trường để phim thị trường cũng sẽ tự nâng cao trình độ lên một bước tránh những phim quá say sưa cảnh giật gân và “nóng” ngây ngô. Đó là viễn cảnh tương lai nhưng sẽ không xa nếu nhìn vào một ví dụ từ điện ảnh Hong Kong. Phim Vô gian đạo lấy bối cảnh xã hội đen nhưng tâm trạng của kẻ tội phạm và cảnh sát khi lọt vào hàng ngũ đối phương khiến bộ phim này trở nên mang tính nghệ thuật khi diễn tả chiều kích tâm lí nhân vật sâu sắc. Đến nỗi, Hollywood cũng làm lại điệp vụ nội gián này bằng phim The departed.

Hàm Đan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét