Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2010

PHIM HÈ 2010: "ĐA" NHƯNG KHÔNG "TINH"!

Mùa hè luôn là lúc các hãng phim tung ra những siêu phẩm để hốt bạc và ẵm các giải thưởng. Số lượng phim phát hành nhiều đến mức: Nếu trừ thời gian để… ăn và ngủ, suốt 3 tháng hè chỉ xem phim cũng chưa chắc đã thưởng thức hết tất cả. Số lượng phim nhiều nhưng tỉ lệ nghịch là chất lượng các bộ phim giảm rõ rệt. Số phim có tính mới mẻ, chứa đựng phẩm chất tinh túy của môn nghệ thuật thứ 7 chỉ đáng đếm trên đầu một bàn tay, những phim còn lại từ nội dung và các cách biểu đạt đang lặp lại khiến người xem chán ngấy.

Khuôn sáo

Điện ảnh không sinh ra chỉ để di dưỡng tinh thần, mục tiêu của hầu hết các phim là bán được nhiều vé để thu bộn tiền. Hè năm ngoái, dù khủng hoảng tài chính nhưng điện ảnh lại thăng hoa với doanh thu 4 tỉ đô. Để vượt kỉ lục cũ, các nhà sản xuất phim hè năm nay sẵn sàng vứt bỏ đặc trưng quan trọng của nghệ thuật là luôn tự làm mới. Đổi mới mà chẳng ai ỏ ê đến rạp thì thật nguy hiểm. Thêm nữa, ngoài mùa phim hè còn có mùa phim dịp năm mới, sức ép kịch bản dẫn đến tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu. Nên, an toàn nhất là làm phim dựa trên những công thức có sẵn mà khán giả còn hứng thú. Một nhà phê bình đã chua chát nói rằng: “Những người làm phim đang biến thành thợ làm theo mẫu cho sẵn chứ không còn là nghệ sĩ sáng tạo!”. Rõ nhất ở phim hành động, phim Knight and day (Hiệp sĩ và ban ngày) với những màn võ thuật như cách đây 30 năm, kết cục phim quá dễ đoán khi nam anh hùng cùng với mĩ nhân vượt qua mọi trở ngại và yêu nhau. Sự khuôn sáo quá mức đã phải trả giá khi những phim hành động như Knight and day và The A-team (Đội A) chỉ lãi “cò con” vài chục triệu đô. Các nhà sản xuất giờ đã nhận ra không thể “móc túi” người xem bằng “bổn cũ soạn lại” bởi “nhiều phim đã làm khán giả chán, họ đang tìm điều gì mới mẻ hơn”- một nhà điều hành hãng phim nói.

Nhưng có một nguyên nhân khác khiến điện ảnh ngày càng khuôn sáo là thời của những ý tưởng mang tính “độc sáng” đã qua. Điện ảnh đang rơi vào bế tắc không phải là làm phim như thế nào mà là làm phim về cái gì. Kĩ xảo điện ảnh đã đến mức có thể hư cấu hành tinh Padora trong phim Avatar (Thế thân-2009) nhưng các nhà làm phim cách tân vẫn đang vò đầu bứt tai đi tìm ý tưởng, hình tượng mới đưa lên màn ảnh. Đã thế, vài ba chục năm mới xuất hiện một đạo diễn có phong cách riêng như James Cameron, Vương Gia Vệ, Steven Spielberg…

Với hai nguyên nhân trên, dễ hiểu vì sao mùa hè 2010, số lượng phim làm lại (remake) hay phim làm tiếp (sequel) lại nhiều như vậy: gần 100 phim.



Một mùa hè nhàm chán của phim có đóng diễn không quá bi đát nhờ sự thành công của phim Inception (Khởi đầu). Inception có tính nghệ thuật và doanh thu cao với 380 triệu đô sau chưa đầy 1 tháng, khiến những người ghét khuôn sáo “chưa mất niềm tin”. Sự thành công của Inception đến từ một ý tưởng nguyên gốc của đạo diễn Christopher Nolan. Chủ đề giải mã giấc mơ con người rất độc đáo với thủ pháp lồng các giấc mơ với nhau nâng Inception thành phim nghệ thuật hàng đầu. C.Nolan cũng khôn ngoan khi sử dụng khá nhuần nhuyễn yếu tố của phim hành động và tâm lí giúp phim bớt khó hiểu.

“Điểm 10” cho hoạt hình


Trừ Inception, những phim làm “cháy vé” trong mùa hè 2010 đều là những phim hoạt hình không đóng diễn. Ba phim hoạt hình “sát thủ phòng vé” là: Shrek: The final chapter (Chằn tinh Shrek: phần cuối), Toy Story 3 (Câu chuyện đồ chơi 3) và Despicable me (Tựa tiếng Việt: Kẻ trộm mặt trăng) được dự đoán sẽ ăn khách ngay khi đang sản xuất. Hơn chục năm trở lại đây, chính phim hoạt hình mới đích thực là “cứu tinh” điện ảnh và làm lượng người đến rạp tăng vọt xứng đáng được điểm 10.

Sự thành công của phim hoạt hình bắt đầu từ 21 năm trước, khi loạt phim hoạt hình The Simpsons (Gia đình Simpson) xuất hiện. Trước đó, phim hoạt hình về vịt Donal, chuột Mickey, Tom và Jerry, chú chó Snoopy… cho đến những phim dựa trên truyện cổ như: Người đẹp và ác thú, Công chúa lọ lem... có hình ảnh vui mắt nhưng ít triết lí, nếu có tính giáo dục lại hơi lộ liễu và cái hài để cười chỉ trong giây lát nên chỉ hấp dẫn trẻ con. The Simpsons ra đời làm sụp đổ cách làm phim hoạt hình cũ. Mỗi tập phim đều theo sát các vấn đề cuộc sống từ việc ăn chay cho cho đến bầu cử tổng thống, vấn đề đồng tính... cho nên mỗi tập phim gần giống như một chương trình thời sự tiêu điểm; mặt khác đằng sau tiếng cuời đều tính nhân văn sâu sắc nên ngay lập tức The Simpsons thu hút sự quan tâm của những người lớn chứ không riêng trẻ em.

Phim hoạt hình hè 2010 vẫn không có nhiều thay đổi khi chú trọng tính tính nhân văn. Chính điều này đã tạo ra sự ám ảnh cho người xem nên dù kéo dài đến phần 3 nhưng Toy Story với các nhân vật quen thuộc là cao bồi Woody, người máy Buzz Lightyear vẫn thu về 829 triệu đô bởi sự thương yêu giữa các đồ chơi vượt trên mọi bất đồng trong phim luôn là điều mà loài người luôn mơ đến. Phần 3 của Toy Story cách phần 1 đúng 15 năm, một thế hệ trẻ em trên thế giới sinh cuối thập niên 1980 như người viết bài này, các nhân vật hoạt hình của Toy Story không đơn thuần chỉ để giải trí mà đã là một kí ức đẹp của tuổi thơ.

Phim hoạt hình hiện nay cũng phải đang đối mặt với nguy cơ khuôn sáo. Ví dụ: Trong phim hoạt hình Despicable me, motif từ kẻ xấu xa tận cùng bỗng gặp 3 cô gái mồ côi mà Gru trở thành ông người tốt lại được dùng; tạo hình của Gru khá giống với nhân vật phản diện Anton Ego trong phim Ratatouille (Tựa tiếng Việt: Chú chuột đầu bếp-2007)... May thay, sự độc đáo trong tính cách nhân vật và trí tưởng tượng chi tiết đã giúp Despicable me trở thành phim ăn khách nhất mấy tuần gần đây, xếp trên cả phim Eclipse (Nhật thực) vẫn đang “hot” nhờ hội chứng “cuồng” phim ma cà rồng của tuổi teen.

Phim hè Việt: Đầu đã xuôi…


Vài năm trước, đang bàn về phim hè bỗng liên hệ với phim Việt thì ai cũng than thở: Bao giờ mới có phim hè Việt! Nhờ tốc độ tư nhân hóa mạnh mẽ mà giấc mơ của nhiều khán giả thành hiện thực nhanh đến không ngờ. Mùa hè 2010, có thể xem là lần đầu tiên phim Việt ra rạp có lãi.

Sau thắng lợi với mùa phim Tết như doanh thu 15 tỉ đồng của phim Bẫy rồng chiếu cùng lúc với siêu phẩm Avatar, các hãng phim bắt đầu tung phim vào mùa hè tranh thủ thời gian nghỉ của số lượng lớn khán giả. Lợi thế vô song của những người làm phim Việt là hơn 85 triệu người Việt dẫu sao vẫn thích xem phim bằng tiếng mẹ đẻ. Điều thứ hai là các đề tài mà phim Việt bỏ ngỏ là rất lớn, tha hồ để các nhà làm phim khai thác.

Hai lợi thế lớn này thực tế vẫn chưa đảm bảo thành công chí ít về mặt doanh thu. Cho nên, khi hai bộ phim Tây Sơn hào kiệt và Để Mai tính ra mắt cạnh tranh với phim ngoại khiến không ít người lo lắng. Giờ đây, mùa hè sắp kết thúc, những người ủng hộ phim Việt có thể thở phào khi Tây Sơn hào kiệt dù bị chê tơi bời nhưng vẫn trụ được gần 1 tháng; trong khi phim Để Mai tính rất ăn khách với hơn 1 tỉ đồng trong 3 ngày đầu ra mắt.

Thành công của Ðể Mai tính trước hết là sự chuyên nghiệp của đoàn làm phim có tiếng của đạo diễn Charlie Nguyễn. Công tác chuẩn bị y như phim Tây: thu hút tài trợ đổi bằng quảng bá thương hiệu trên phim (với hơn 15 thương hiệu lớn), lập website riêng với nhiều thông tin, hình ảnh được cập nhật liên tục, lên kế hoạch chiếu sớm với các hệ thống rạp... Ðặc biệt, lần đầu tiên những hình ảnh hậu trường được sản xuất thành 16 tập phim truyền hình thực tế chiếu trên kênh VTC1, VTC7 cách ngày ra mắt 2 tháng giúp khán giả hình dung về các công đoạn làm phim đồng thời tạo sự háo hức.

Đang vui với phim Việt trụ với phim ngoại trong mùa hè thì vẫn có điều băn khoăn trong đầu: Bao giờ phim nhà nước ăn khách vào mùa hè như phim tư nhân? Đó là chuyện dài và chắc không thể có đáp án ngay; thôi đành, để mai tính…

HÀM ĐAN

1 nhận xét: