Thứ Năm, 16 tháng 9, 2010

GIỮ CÁI "ĐẦU LẠNH"

Những fan của đội tuyển Việt Nam đã có thể thở phào sau lễ bốc thăm chia bảng AFF Suzuki Cup 2010 hôm 15-9 bởi kết quả bốc thăm hết sức thuận lợi cho Việt Nam khi đội chủ nhà chỉ phải tiếp Xin-ga-po, Mi-an-ma và đội nhì vòng sơ loại. Quả thực, ở bảng B, chỉ có Xin-ga-po là đối thủ đáng gờm; Mi-an-ma trẻ trung nhưng chưa thể gây khó cho đội tuyển Việt Nam; còn riêng đội nhì vòng sơ loại vẫn chỉ là đội bóng “lót đường” theo đúng nghĩa đen. Đã thế, trận gặp đối thủ ngang sức ngang tài Xin-ga-po lại ở lượt cuối. Cho nên, vé vào bán kết là điều nằm trong tầm tay đội tuyển Việt Nam dẫu không cần tung ra 100% khả năng.

Việc gặp những đối thủ “dưới cơ” ở vòng bảng chưa chắc đã là điều may cho đội tuyển Việt Nam như đa số nhiều người mừng tưởng. Còn nhớ, lần duy nhất Việt Nam vô địch khu vực là giải AFF Cup 2008. Vòng bảng hai năm trước, Việt Nam có khởi đầu tồi tệ khi thua Thái Lan 0-2, nhưng nhờ trận thắng may mắn kì lạ 3-2 trước Ma-lai-xi-a, Việt Nam mới không bị loại. Thoát khỏi “cửa tử”, Việt Nam chơi thăng hoa và vô địch một cách xứng đáng. Tình thế bị dồn vào chân tường rồi bất ngờ lên ngôi như Việt Nam tại AFF Cup 2008 lại được U23 Ma-lai-xi-a tái hiện ở Seagames 25 tại Lào năm ngoái. Vòng bảng AFF Cup 2010 có thể xem là màn khởi động cho Việt Nam nhưng màn khởi động “nhẹ” lại là nguy cơ dễ khiến tinh thần thiếu “lửa” và lối chơi thiếu gắn kết khi mà đối thủ ở vòng bán kết đều có thực lực và khó lường như nhau. Thái Lan dẫu sa sút thời gian gần đây vẫn là một “ông lớn” với một đội hình đồng đều. Ma-lai-xi-a sau thời gian xuống dốc đã bắt đầu vươn lên với dàn cầu thủ trẻ tài năng, nhiều khát vọng. In-đô-nê-xi-a tuy trình độ kém hơn nhưng cũng có thể gây bất ngờ.

Trong các phát biểu sau lễ bốc thăm, HLV Ca-lít-tô tỏ ra thận trọng, không xem thường đối thủ nào. Ông muốn đội tuyển Việt Nam thi đấu hết sức mình trong từng trận đấu. Những lời nói trên chứng tỏ ông Ca-lit-tô vị chiến lược gia biết ta, biết người. Thập niên 1990, bóng đá Thái Lan thống trị Đông Nam Á, những giải đấu trong khu vực chẳng qua là để tìm… đội á quân. Bước sang thế kỷ XXI, trình độ bóng đá giữa các nước ngày càng thu hẹp, chức vô địch là sự cạnh tranh “đa cực”, bất cứ đội bóng nào nếu hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi đều có khả năng xưng vương. Chức vô địch AFF Cup 2008 là dấu mốc khẳng định đẳng cấp của bóng đá Việt Nam tại Đông Nam Á nhưng không có nghĩa là Việt Nam là đội mạnh nhất, vượt trội những người anh em trong khu vực như Thái Lan trước đây. Người hâm mộ có thể tin tưởng ở khả năng bảo vệ chức vô địch nhưng ảo tưởng về sức mạnh của đương kim vô địch vô hình trung lại tạo ra sức ép lên đôi chân các tuyển thủ. Chỉ mong các cầu thủ-những “diễn viên chính” giữ được cái “đầu lạnh” như “ông thầy”; có vậy, Việt Nam mới tránh được thất bại tại “ngưỡng cửa thiên đường” như ở Seagames 25.

HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét