Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

NỖI ÁM ẢNH MANG TÊN HÀ NỘI


“Ở Nhà hàng Luna d’Autunno (78 Thợ Nhuộm) đang có triển lãm tranh của William P. Badger, Jr. Đẹp lắm, đến đi nhé!”

Từ dòng tin ngắn ngủi của người bạn, đành lại nhờ cậy trí nhớ: William P. Badger, Jr là ai? Trong số các họa sĩ nước ngoài có tiếng đang hoạt động ở Việt Nam hình như không có cái tên này. Nhưng nếu là họa sĩ mới và tranh anh ta đẹp thì lại càng đáng để đến xem triển lãm.  
         
Đến nơi, chưa kịp xem tranh đã gặp ngay nhân vật chính: William P. Badger, Jr. Đó là một người đàn ông đến từ nước Mỹ có dáng đậm và nói tiếng Việt bằng giọng Hà Nội chuẩn nhờ đã ở Việt Nam 15 năm. William nói thẳng, hội họa là một sở thích chứ không phải là nghề nghiệp. Hồi trẻ, anh học nhạc và nghề nghiệp hiện giờ chẳng liên quan gì đến nghệ thuật đó là Giám đốc marketing của Tập đoàn Bitexco. Chuyện trò mới biết, triển lãm lần này có tên “Cái nhìn thoáng qua” gồm 16 bức tranh được William sẽ trong vòng 2 năm. Và đây đã là triển lãm cá nhân thứ ba của anh.

Những bức tranh của anh đều tập trung chủ đề về Hà Nội, cụ thể là khu phố cổ. Dễ dàng nhận ra những ngõ nhỏ, những hàng cây lẻ bóng, những cầu thang uốn lượn... đặc trưng của quang cảnh khu phố xưa. Duy có điều, William không mô phỏng lại khung cảnh Hà Nội nên thơ theo kiểu “soi gương”. Bố cục bức tranh của Willam đầy ắp mảng khối kiến trúc khuyết thiếu; đôi khi chỉ còn lại không gian bỏ ngỏ với những vệt mầu sắc uốn lượn. Một phong cách đặc trưng chủ nghĩa biểu hiện (expressionism) kiểu như bức tranh “Tiếng thét” của danh họa Na Uy Edvard Munch (1863-1944) vừa mới đạt kỷ lục đấu giá 119,9 triệu USD. Đem sự so sánh nói trên hỏi William thì anh chỉ cười mà không tỏ vẻ đồng tình hay phản đối. Thế mới biết thế nào là “dại miệng”, đã là người sáng tạo thì đều không thích được (bị) so sánh với những người sáng tạo khác dù cho người đó là bậc thầy!  

Với William, đơn giản Hà Nội đã hút hồn anh, trở thành một đề tài dồi dào cảm hứng sáng tạo. Anh chọn vẽ phong cảnh và chỉ giữ lại hình thể để đem lại cho cho phong cảnh khả năng biến đổi bất ngờ. Sự biến đổi ấy dựa trên “cái nhìn thoáng qua” nhưng ấn tượng nhất về phố cổ Hà Nội mà anh có thể ghi sâu trong ký ức nay chợt hiện về. Anh lấy tâm trạng nội tâm thay đổi mang tính chủ quan để bóp méo những hình thể bên ngoài nên đường nét khung cảnh trông như ảo ảnh trong một giấc mơ. Vì thế, phải chăng William đã không đặt cho những bức tranh những cái tên cụ thể thay vào đó là những con số thứ tự?
   
Với số ít những tranh cắt dán, từ cái nhìn của một người sống lâu năm ở Hà Nội và cả sự tinh quái trong chọn lọc, William đã chọn ra tấm vé số, những từ ngữ “đặc biệt”, “thơm ngon”... lấy từ biển quảng báo, mảnh báo cũ ghép lại thành bức tranh mô tả được chiều sâu về đời sống Hà Nội mà không cần có sự góp mặt của con người trong thành phố.

Nhà văn Nguyễn Tuân từng ước trở thành họa sĩ vì các bức tranh không phải mất công dịch như văn chương. Nhìn tranh của William cũng có thể cảm nhận ngay tình yêu Hà Nội sân sắc trong một con người đến từ một đất nước xa xôi. Với William dù Hà Nội mai này sẽ biến đổi như thế nào, Hà Nội vẫn có vẻ đẹp riêng; và vẻ đẹp ấy tồn tại trong cái nhìn, cái cảm của mỗi người đã trót yêu Hà Nội. 

HÀM ĐAN

2 nhận xét:

  1. Em thich cau cuoi lam. Du Ha Noi mai nay se bien doi nhu the nao, Ha Noi vqn co ve dep rieng ; va ve dep ay ton tai trong cai nhin, cai cam cua moi nguoi da trot yeu Ha Noi. Em xin loi veli khong danh chu co dau duoc.

    Trả lờiXóa