Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

"NGƯỜI ĐỌC" - NGƯỜI ĐANG YÊU!


Xuất bản năm 1995, cuốn tiểu thuyết mỏng Người Đọc (Der Vorleser) của Bernhard Schlink trở thành một best-seller quốc tế với 7 triệu bản được bán ra (đã được dịch ra tiếng Việt, đọc online ở đây) và sau đó được dựng thành phim phát hành tháng 1/ 2009 với tên tiếng Anh The Reader.

Người đọc là ai? Là một câu bé 15 tuổi tên là Michael (tên đầy đủ là Michael Berg) thể chất không lấy gì làm cường tráng (chính xác thì mắc bệnh gan). Cậu sống ở một thành phố nhỏ ở Tây Đức - một nửa nước Đức theo CNTB đang phát triển nhanh chóng vào thập niên 60. Gia đình cậu có thể coi là elite của XH với ông bố là GS triết học nghiên cứu về Kant và Hegel.

Đã có người đọc thì phải có người nghe. Người nghe tên là Hanna Schmitz, một phụ nữ làm nghề bán vé tàu điện hơn Michael 21 tuổi. Cô lên Berlin năm 17 tuổi làm công nhân cho hãng Siemens rồi năm 21 tuổi gia nhập quân đội phát xít làm quản ngục tại trại tập trung khét tiếng là Auschwitz và Krakov (Ba Lan).

Họ gặp nhau tình cờ. Mối quan hệ của họ nhanh chóng chuyển sang quan hệ tình dục. Dần dà đã trở thành một thứ nghi lễ dâng hiến. Nghi lễ ấy luôn bắt đầu bằng việc hai người tắm chung, rồi Michael đọc sách cho Hanna nghe - thường là một cuốn tiểu thuyết, sau đó là làm tình.

Photobucket

Một ngày kia, Hanna đột ngột biến mất. Michael đau khổ và dằn vặt bởi ý nghĩ vì mình hèn nhát, không dám thừa nhận mối quan hệ tình ái mà Hanna phải bỏ đi. Michael ngày nằo lúc này đã tốt nghiệp phổ thông và trở thành sinh viên luật. Với tư cách là sinh viên dự thính, trong một phiên toà Michael đã bất ngờ gặp lại Hanna - lúc này bị truy tố với tội danh khi làm quản tù đã cùng với các nữ quản tù khác dung túng và tiếp tay giết hại tù nhân ở các trại tập trung.

Phiên toà phải kéo dài vì thiếu bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, cuối cùng người ta cũng tìm ra được thủ phạm chính là Hanna khi chị thừa nhận rằng đã tự tay soạn thảo một biên bản, bằng chứng của tội ác. Khi phiên toà đi vào giai đoạn kết, Michael đã suy nghĩ và chắp nối tất cả các sự kiện có liên quan tới Hanna và anh phát hiện ra rằng, Hanna không thể là người viết biên bản ấy được, bởi đơn giản chị là người mù chữ. Mù chữ - đấy là nỗi xấu hổ lớn nhất của Hanna. Nó giải thích tất cả những hành vi che đậy kì quặc ở chị, khiến chị thà bị kết tội còn hơn là để lộ cái bí mật mà cả đời chị muốn che giấu. Michael đứng trước một hình huống khó xử. Một mặt, anh biết rằng Hanna bị oan và chỉ cần anh gặp quan toà, nói ra sự thật, Hanna sẽ được giảm tội. Nhưng mặt khác, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bí mật của Hanna bị phanh phui và chị sẽ phải đối diện với sự khiếm khuyết đầy xấu hổ của mình. Sau những ngày đấu tranh nội tâm, thậm chí hỏi cả ý kiến của bố, Michael đã đi đến quyết định là giữ kín bí mật của Hanna. Kết cục, Hanna bị kết án tù chung thân. Michael tốt nghiệp đại học, làm việc ở ngành lịch sử luật pháp.

Anh kết hôn, có con rồi ly hôn. Suốt thời gian đó, anh không liên hệ với Hanna cũng như không một lần vào thăm chị. Năm thứ 8 khi Hanna ngồi tù, lần đầu tiên Michael gửi cho chị một cuốn băng ghi âm anh đọc truyện. Từ đó đều đặn, cứ vài ba tuần anh lại gửi cho Hanna một băng ghi âm mới. Một ngày kia, nhận được một bức thư: "Truyện vừa gửi hay quá, cậu bé ạ. Cám ơn. Hanna", Michael biết rằng Hanna trong tù đã tự học đọc và viết... Sau 18 năm tù, đơn xin ân xá của Hanna được chấp nhận. Theo thỉnh cầu của bà giám đốc trại giam, Michael đã đến thăm Hanna. Sau cuộc viếng thăm đó, anh đã chuẩn bị những điều kiện cần thiết để Hanna có thể tái hoà nhập với cuộc sống bên ngoài. Nhưng một ngày trước khi được tự do, Hanna đã treo cổ tự tử.

Một cốt truyện đơn giản nhưng nếu không phân tích kĩ lưỡng thì mỗi chi tiết nhỏ trong truyện nếu đọc lướt sẽ không thể hiểu, từ đó nối liền cấu trúc tổng thể tác phẩm. Cái tài của tiểu thuyết gia là khéo léo sắp đặt tạo ra nhiều tình tiết cất dấu để chính nhân vật xưng tôi và người đọc cuốn sách cùng đi trên một hành trình giải mã bí ẩn của tình yêu, tội ác etc Cũng nên nhớ đến quá khứ tội lỗi dân tộc Đức mà người đại diện là Hanna và một thế hệ không biết tới nó chỉ được nhà văn lướt qua nhưng đủ để tạo ra sự đứt gãy là có thật và đó là mạch ngầm đi dưới một câu chuyện tình mãnh liệt, nghịch lí về tuổi tác. Điều này đã được nhà bác học Erich Fromm đã lí giải trong bài Tâm lí của chủ nghĩa Đức quốc xã (trong cuốn Escape from freedom).

Nói về hậu trường bộ phim một chút, ban đầu người được nhắm vào vai Hanna là Nicole Kidman nhưng cuối cùng diễn viên được lựa chọn là Kate Witslet. Nàng Rose ngày nào trong Titanic giờ đã 33 tuổi rất thích hợp với vai Hanna. Ngoài ngoại hình hoàn mĩ của "vẻ đẹp Anh", Kate Witslet sở hữu sự "cương nghị" biểu cảm trên khuôn mặt. Điều này cực kì cần thiết để nhập vai Hanna bởi đó là tâm trạng cố che dấu sự xấu hổ do mù chữ.

Photobucket

Dù là phim hay truyện, chúng ta đều dễ dàng nhận thấy "người đọc" Michael chỉ có được hạnh phúc khi được ở bên cạnh hoặc nhớ về Hanna. Dù sau đó anh lập gia đình nhưng đó gần như chỉ là một thói quen ( như cách nói "bị thiên nhiên lừa" của Arthur Schopenhauer). Anh chia tay vợ mà không thấy đau khổ. Và khi thành đạt anh cũng không cảm thấy mình hạnh phúc hay thanh thản. Nhưng khi gặp Hanna khi cô vẫn ở trong tù, anh mới nhận ra niềm hạnh phúc vẫn đeo đẳng anh chỉ là quá khứ (mùi trên cơ thể Hanna đã là một bà già y và cảm xúc đó y chang một câu thơ sến của Trần Nhuận Minh, anh trai Trần Đăng Khoa: "Yêu em lúc trẻ gặp khi về già"). Hạnh phúc thật sự, tình yêu thật sự hóa thành vĩnh cửu khi anh ở tuổi 15 trong vai trò của một "người đọc". Khi ấy anh là một người đang yêu!

Tất nhiên, anh vẫn may mắn hơn rất nhiều người. Không chỉ anh đã yêu và đã được yêu mà trong những phút giây tình yêu ngắn ngủi và tưởng là phi lí ấy anh đã yêu hết mình.
Hàm Đan
P/S: Bài review này viết trước khi lễ trao giải Oscar 09 diễn ra. Và giải thưởng duy nhất The Reader nhận được là giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Kate Winslate trong vai Hanna sau 5 lần đề cử thất bại. Chúc mừng Mrs Kate!

2 nhận xét:

  1. "Hạnh phúc thật sự, tình yêu thật sự hóa thành vĩnh cửu khi anh ở tuổi 15 trong vai trò của một 'người đọc.' Khi ấy anh là một người đang yêu!

    Tất nhiên, anh vẫn may mắn hơn rất nhiều người. Không chỉ anh đã yêu và đã được yêu mà trong những phút giây tình yêu ngắn ngủi và tưởng là phi lí ấy anh đã yêu hết mình."
    Rất tâm đắc với kết luận này :)

    Trả lờiXóa
  2. Vai Hanna ban đầu giao cho Nicole Kidman vì Stephen Daldry đã làm chung với cô này trong The Hours, sau đó chuyển qua cho Naomi Watts, Watts cũng bận bịu nên vai diễn thuộc về Kate Winslet, một cách hoàn hảo. Thậm chí Marion Cotillard cũng được nhà sx gợi ý, nhưng xem ra Winslet mới là lựa chịn fù hợp, biến vai phụ thành trung tâm bộ phim và đoạt Oscar vai chính !

    Phần đầu của phim tôi không thích cho lắm, phim chỉ thật sự hay khi Hanna và Michael gặp lại trong toà xét xử. trước đó quan hệ của họ được mô tả cũ kĩ, ít cao trào và cũng không nóng bỏng cho lắm. chỉ nhớ và thích nụ hôn chứng tỏ của Michael khi cả hai đến quán ăn và bà chủ tưởng hai mẹ con. Có người bảo họ không yêu nhau, đến với nhau vì cái khác. Tôi sẽ tranh thủ review phim này sớm dù coi đã lâu.

    Trả lờiXóa