Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

NỮ SINH VÀ VĂN HỌC ĐÔ THỊ


Có người đã chê văn học Việt Nam chưa phản ánh được nhịp sống đô thị. Không hẳn vậy, thân phận nữ sinh đô thị Việt Nam trong văn học chí ít đã phản ánh nhịp sống ấy, hoặc ngược lại. Có thể thấy xã hội đô thị Việt Nam mỗi thời kỳ qua thân phận các thế hệ nữ sinh trên các trang văn.

“MỒ GIAI NHÂN”

Ở Việt Nam có một sự tình cờ là tầng lớp nữ sinh ra đời cùng lúc với đô thị thuộc địa. Sự chuyển tiếp từ xã hội phong kiến bình lặng sang xã hội công nghiệp sôi động - nữ sinh có lẽ là lớp người bị hụt hẫng nhất. Ở trường, họ tiếp xúc với văn hóa Pháp đậm tinh thần tự do. Nhưng về gia đình, họ phải chịu đựng gia phong cổ hủ, "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Số nữ sinh tự tử (chủ yếu vì tình) ở hồ Tây (Hà Nội) theo thống kê của báo chí thuộc địa là 139 người. Vì thế nơi này được ví như "Mồ giai nhân".

Các nhà văn thời ấy sớm nhận ra xung đột nội tâm của nữ sinh và nhanh nhạy phản ánh vào trong văn học theo ba hướng. Thứ nhất, theo tinh thần lãng mạn, tiêu biểu với các tiểu thuyết luận đề của nhóm Tự lực Văn đoàn. Tiếp theo là hài hước hóa hình tượng nữ sinh, như nhân vật Tuyết trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Và cuối cùng, vẫn là "ông vua phóng sự Bắc Kỳ" Vũ Trọng Phụng với cuốn tiểu thuyết Làm đĩ theo tinh thần hiện thực phê phán, viết về thân phận cô nữ sinh tên Huyền.

Nữ sinh ở đô thị đòi chứng tỏ nữ quyền trong khi dư luận xung quanh lại mang tâm thức phong kiến. Đô thị thuộc địa không tạo cho họ nhiều cơ hội. Môi trường này còn giăng nhiều cạm bẫy khi các quan hệ đan xen mới - cũ phức tạp khiến nội tâm các nữ sinh bị giằng xé. Tâm lý chung của nữ sinh trong văn học giai đoạn này là tâm lý phụ thuộc. Nhân vật nào an phận theo truyền thống đạo đức, tuân theo sự sắp xếp của gia đình thì cuộc đời của họ toàn "màu hồng". Ngược lại, số phận bất hạnh đang chờ sẵn. Nhân vật Huyền trong Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng vốn là nữ sinh con nhà gia giáo. Trót "ăn trái cấm" với anh họ, sau đó bị chồng lẫn bạn chồng lừa gạt. Không có con đường nào khác, Huyền đành trở thành gái giang hồ.Nữ sinh trước Cách mạng tháng Tám đã được văn học quan tâm thỏa đáng. Bản thân họ là hình tượng nhân vật mới mẻ trong một môi trường mới, chứa đựng nhiều mâu thuẫn để văn chương có thể lấy làm chất liệu.

Thời kỳ đất nước bị chia cắt, ở miền Nam nữ sinh vẫn thường xuyên có mặt trong các tác phẩm, nhưng cách phản ánh vẫn chỉ là vệt kéo dài của văn học tiền chiến. Ở miền Bắc, hình tượng nữ sinh không còn được văn học chú ý bằng các nhân vật công, nông, binh. Thời điểm này, đô thị miền Bắc thời chiến không phát triển thêm bao nhiêu. Thỉnh thoảng, nhân vật nữ sinh xuất hiện nhưng lẫn vào bao nhân vật khác cùng say mê lý tưởng, hoạt động hăng say trong các đoàn thể. Nếu hành động gắn liền với những suy nghĩ trái chiều với đám đông, lập tức họ bị gạt ra lề cuộc sống - như số phận bất hạnh của cô sinh viên Phương trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh.
Dẫu sao, các nhân vật nữ sinh trong văn học đã đồng hành cùng với đô thị.

NỮ SINH ĐƯƠNG ĐẠI ĐANG... LỘT XÁC

Truyện ngắn Mưa của nhà văn Lê Minh Khuê lấy bối cảnh thập niên 1980, kể chuyện một nữ sinh trường múa bị người yêu bỏ rơi. Kết thúc, tinh thần cô suy sụp, ngồi ngắm mưa bên cửa sổ. "Bóng ma" của tâm lý phụ thuộc và hình tượng nữ sinh tiền chiến vẫn lởn vởn trong văn học thời kỳ đầu đổi mới.

Vài năm sau, hình ảnh những nữ sinh yếu đuối biến mất. Thay vào đó là những nhân vật vượt qua được những vấp ngã đầu đời. Người tình của Nhã bỏ đi để lại cô một đứa con. Cô gục ngã, nhưng gượng dậy, vẫn sống độc thân, trở thành một nữ doanh nhân thành đạt để kiêu hãnh với kẻ bạc tình. Câu chuyện trên nằm trong tiểu thuyết Cơ hội của Chúa của nhà văn Nguyễn Việt Hà viết về cuộc sống đô thị đầu những năm 1990.

Chỉ đến khi những công dân thế hệ 8X, 9X trưởng thành, nữ sinh mới thực sự lột xác. Đầu thế kỷ này, xã hội tiêu thụ và văn hóa đại chúng mới ngấm sâu vào cuộc sống ở đô thị. Đô thị trở thành một môi trường mở cho tất cả mọi người . Nữ sinh không phải học hành chăm chỉ cố đạt một chỗ ngồi trên giảng đường, hay mơ được làm việc trong một cơ quan Nhà nước, rồi lập gia đình như các thế hệ bà, mẹ của họ. Năng động, giao tiếp rộng, đam mê và có tài - những phẩm chất khiến nữ sinh đang ngồi trên ghế phổ thông có thể trở thành những vũ công nhạc Dance, DJ, đầu bếp, stylist, PR, trang điểm, nhiếp ảnh... - những nghề thu nhập có thể đến 5 - 7 triệu đồng/tháng. Nữ sinh đã có thể độc lập tạo dựng con đường sống.

Thêm một lần nữa, hình ảnh nữ sinh lại được văn học xem như một đối tượng mới cần phản ánh. Các cây bút trẻ đã vẽ được một lớp nữ sinh đây cá tính, ngầm ủng hộ lối sống hiện đại. Nhưng văn học không chỉ có tô hồng, một số tác phẩm cũng viết về những nữ sinh đi vào con đường hưởng thụ, để chứng tỏ cá tính theo cách tiêu cực. Đáng tiếc là những tác phẩm văn học mới chỉ "khai phá" đề tài bằng cách kể lại câu chuyện theo những hình thức đơn giản. Tâm lý bên trong con người nữ sinh đương đại mới chỉ được văn học chạm nhẹ, chưa đủ sức lay động độc giả khó tính ngày nay. Nếu so với các tác phẩm viết về nữ sinh sống trong đô thị như Rừng Na Uy, 69, Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường. . . của Nhật Bản hoặc các tiểu thuyết “Made in China” như: Yêu anh hơn cả tử thần, Sinh năm 1980, Xin lỗi em chỉ là con đĩ ... thì văn học Việt Nam ít thành tựu hơn.
Cuộc sống đô thị tốc độ nhanh, tâm lý nữ sinh đương đại không còn "buồn rớt" như thời đại đã qua. Họ đứng dậy và quên rất nhanh những đều không may, những mối tình "tàu nhanh" - hình thành tính cách mạnh mẽ trong cuộc sống cạnh tranh khắc nghiệt. Nhiều nhân vật nữ sinh đã sẵn sàng đánh đổi các giá trị được xem là chuẩn mực để có thể tồn tại được ở đô thị. Mặt trái kèm theo là sự vô cảm. Như lời của người em - cựu sinh viên ĐH sư phạm đang thất nghiệp thản nhiên nói với chị ruột: "Nếu tôi không đi làm điếm thì không thể thay đổi" (truyện ngắn Hạnh của Nguyễn Thị Minh Dậu). Liên hệ với lời khai lạnh lùng của cô sinh viên giết người tình đang xôn xao gần đây, thì văn học Việt Nam đã mang tính dự báo.

HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét