Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

ĐỪNG SỢ "BI"! (REVIEW PHIM "BI, ĐỪNG SỢ!")


Sau một thời gian chu du khắp các LHP thế giới như Cannes (Pháp), Hồng Kông (Trung Quốc), Stockholm (Thụy Điển)… và gặt hái những giải thưởng uy tín, bộ phim Bi, đừng sợ! của đạo diễn Phan Đăng Di chính thức ra mắt khán giả trong nước vào cuối tháng 3 vừa qua. Ngay sau khi bộ phim được trình chiếu đã nổ ra một cuộc tranh luận xung quanh nội dung bộ phim và đặc biệt là những cảnh “nóng”.

Xét về thể loại, bộ phim Bi, đừng sợ! thuộc dòng phim hiện thực tâm lý. Phim chỉ kể lại những thời khắc sống thường nhật của cậu bé Bi (Phan Thành Minh thủ vai) với những người thân bao gồm: bố (diễn viên Hà Phong), mẹ (diễn viên Kiều Trinh), người cô muộn chồng làm nghề giáo viên (diễn viên Hoa Thúy), bà vú (NSƯT Mai Châu) và ông nội (NSND Trần Tiến) đang mắc bệnh mới từ nước ngoài về.

Nếu chỉ bám sát vào hiện thực thì Bi, đừng sợ! sẽ không khác có gì đáng xem, điều độc đáo của bộ phim chính là kĩ thuật tự sự. Nội dung phim được kể theo thì hiện tại tiếp diễn, không có một chút hồi tưởng về dữ kiện trong quá khứ (thậm chí cả lí lịch nhân vật!) giúp khán giả có thể tự giải mã tâm lý nhân vật theo quan hệ nhân quả. Chẳng hạn, phim chỉ cho người xem biết bố Bi có một công việc ổn định, hay la cà ở quán bia, anh ta lãnh cảm với vợ và dửng dưng với cả người cha đang có bệnh, song lại có tình cảm cuống nhiệt lạ thường với một cô gái làm nghề gội đầu. Người xem phải chấp nhận anh ta là người “máu lạnh” mà không biết nguyên nhân nào dẫn anh ta trở thành một con người vô cảm. Có thể anh ta thiếu tình thương của bố nên khi ông bố trở về anh ta vẫn cứ dửng dưng? Phải chăng cuộc hôn nhân của anh ta chỉ là sự sắp đặt mà không hề có tình yêu? Thậm chí, có thể vì vợ anh ta đã từng “lầm lỡ” trong quá khứ khiến anh ta lãnh cảm với vợ?

Sự khó hiểu của bộ phim với khán giả còn được đẩy cao ở chuỗi hành động của người cô muộn chồng làm nghề giáo viên. Cô được giới thiệu một anh chàng chủ thầu xây dựng khỏe mạnh và quyết định chóng vánh sẽ lấy anh ta. Dù chuẩn bị cưới, cô lại có khao khát tình dục trong tâm tưởng với nam sinh đẹp trai và cao lớn (“hotboy” Huỳnh Anh thủ vai) nơi mình đang dạy học. Chính ở tình cảm “nhập nhằng” của người cô, “phe” chê phim Bi, đừng sợ! có lý khi cho rằng phim đã bôi đen hiện thực, đưa nhiều cảnh “nóng” để câu khách... Những lý lẽ phê phán tưởng đúng nhưng lại chưa thuyết phục. Những người phê phán đã nhầm lẫn giữa viêc cảnh “nóng” là mục đích hay là phương tiện diễn đạt của bộ phim. Nếu cảnh “nóng” là mục đích thì bộ phim đích thực là “phim cấp ba”, song phim Bi, đừng sợ! mượn cảnh “nóng” là phương tiện biểu đạt ẩn ức tính dục phức tạp. Ai cũng biết ở mọi nơi trên thế giới không riêng gì Việt Nam, chuyện tình cảm thầy trò không được khuyến khích, nhất lại là cô giáo có tình cảm với nam sinh lại càng là một điều cấm kị. Nó như một “ba-ri-e” ngăn cấm người cô “vượt giới hạn” với nam sinh mà cô có tình cảm. Điều này khiến cô bị giằng xé giữa việc lấy chồng để yên bề gia thất với những khao khát tính dục thầm kín. Nghệ thuật không chỉ có tô hồng tôn vinh con người, nghệ thuật còn có nhiệm vụ khám phá những mảng tối con người để nhìn nhận con người một cách toàn diện. Diễn đạt một cách tinh vi bề sâu của góc khuất tâm lý không dễ thể hiện như vậy, Bi, đừng sợ! nghiễm nhiên là một phim nghệ thuật đích thực hiếm hoi của nước ta những năm gần đây. Nhưng vì Bi, đừng sợ! diễn tả cái bi kịch của con người nên khán giả vẫn chưa quen mà đâm ra sợ một bộ phim có nội dung chủ yếu là cái “bi”.

Với cách biểu đạt lạ thường, lẽ dĩ nhiên nhiều khán giả trong đó có cả những nhà phê bình cho rằng bộ phim mô tả hiện thực theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa. Hầu như ai xem bộ phim này đều có cảm giác phim chỉ ghi chép sinh hoạt đời thường và chêm vào các cảnh “nóng” mà không có sáng tạo nào đặc biệt. Nhưng thực ra, đạo diễn Phan Đăng Di đã phải dụng công để sử dụng một hệ thống các biểu tượng khiến bộ phim tự nhiên như là... phim tài liệu. Rõ rệt nhất là các biểu trưng của nước xuyên suốt bộ phim. Từ cây nước đá ở thể rắn, đến thể lỏng khi tan chảy và thể hơi là tượng trưng cho giai đoạn phát triển của của một người đàn ông. Ngay cả việc bố Bi uống bia (cũng là một dạng nước!) liên tục không chỉ biểu đạt “nghĩa đen” cho lối sống bê tha mà thực ra ngầm thể hiện nỗi thèm khát sự mới mẻ trong cuộc sống. Chính nhờ hệ thống biểu tượng phong phú trên khiến bộ phim trở nên đa nghĩa-đây là một trong những yếu tố quyết định cho tính nghệ thuật của bộ phim.

Điều đáng tiếc của bộ phim là cái kết của bộ phim không nhất quán với nội dung trước đó. Cái kết bộ phim là cảnh giỗ đầu của ông nội Bi. Bố Bi thắp hương cúi lạy cha như là sự tạ lỗi, người cô đưa chống sắp cưới ra mắt họ hàng... Cái kết của phim ngả sang một cái kết có hậu (happy ending) mâu thuẫn với những điều khác thường trước đó. Phim có thể kết thúc ở cảnh đám ma ông nội Bi trước đó một năm, đoàn người đưa tang cúi xuống đất, chỉ có cậu bé Bi vẫn ngược mắt lên nhìn máy bay thì sức ám ảnh của bộ phim sẽ lưu lại nhiều hơn. Một điều đáng tiếc nữa là bộ phim được nhìn dưới góc độ của người kể chuyện là một người trưởng thành chứ không phải bé Bi khiến bộ phim mất những cái nhìn trẻ thơ khác lạ.

Song điều đáng tiếc nhất của bộ phim là khi trình chiếu rộng rãi bộ phim đã bị cắt đi những cảnh “nóng”. Việc các cơ quan chức năng cắt cảnh “nóng” ở thời điểm này có thể xem là một việc làm đúng đắn. Vì, đáng buồn, cụm từ “bi đừng sợ cảnh nóng” cho kết quả tìm kiếm nhiều nhất trên mạng. Chứng tỏ, đa số xem phim chỉ chăm chăm xem cảnh “nóng” để thỏa mãn nhu cầu giải tri thấp kém mà không tìm cách xem trọn vẹn bộ phim để thưởng thức hết tinh túy nghệ thuật nhằm nâng cao nhận thức cái đẹp. Hiện thực buồn đó mới là một điều đáng sợ!

HÀM ĐAN
(Viết bài này xong mệt hơn làm tình:))

2 nhận xét:

  1. em thấy hiện tượng đó là sự thỏa mãn nhu cầu tình dục cần thiết (đã/đang bị xã hội và cá nhân đè nén) hơn là nhu cầu giải trí thấp kém. đáng buồn hơn đáng sợ, em nghĩ vậy.

    Trả lờiXóa
  2. @ Rambling: Đành rằng ở nc ta chưa có cách mạng tình dục như năm 1968 nhưng gần như mọi thứ liên quan đến sex đều gần như tự do. Nói là gần như vì nhà nước tuy có cấm trên văn bản một số thứ như mãi dâm nhưng chuyện đó giờ dễ hơn mua kẹo. Cho nên, những ẩn ức thông thường không còn nữa, giờ chỉ còn những ẩn ức khá lạ lùng như cô của Bi mà thui. Tks đã cm phản biện!!!

    Trả lờiXóa