Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

BẢO TÀNG PHỤ NỮ VIỆN NAM: LUÔN LÀM MỚI CHÍNH MÌNH

Trong bối cảnh hệ thống bảo tàng còn nhiều bất cập, việc TripAdvisor (tripadvisor.com) - trang web du lịch lớn nhất thế giới vừa trao cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chứng nhận “Điểm du lịch hấp dẫn nhất năm 2012” tại Hà Nội là một bất ngờ. Làm thế nào một bảo tàng dành cho giới nữ, lại sinh sau đẻ muộn và mới trở lại hoạt động sau 2 năm nâng cấp đã tạo ra thành tích đáng tự hào như vậy?

Những lời khen “có cánh”


“Ấn tượng”, “thú vị”, “hấp dẫn”… là những lời khen của du khách năm châu ghi lại ở phần nhận xét trên trang web TripAdvisor sau khi ghé thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Được biết, TripAdvisor là website du lịch lớn nhất thế giới, mang đến cho du khách những lời khuyên đáng tin cậy để có một chuyến đi hoàn hảo. Để nhận được giải thưởng “Điểm du lịch hấp dẫn nhất năm 2012” tại Hà Nội, vượt qua 80 điểm du lịch hấp dẫn khác của Thủ đô, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã đạt được chỉ số đánh giá 4,5 sao trên tổng mức đánh giá 5 sao tiêu chuẩn do các du khách trên trang web TripAdvisor bình chọn trong vòng 12 tháng qua.

Có người nói, những lời khen “có cánh” chủ yếu là của du khách nước ngoài, người Việt Nam liệu chăng có bị Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cuốn hút? Trước hết, cần nói ngay rằng, người Việt Nam không có thói quen đi xem triển lãm trong bảo tàng như là một hoạt động giải trí và giáo dục. Vì vậy, lời khen từ trong nước có ít cũng là dễ hiểu, nhưng quan trọng hơn là lời chê tương tự như các bảo tàng vắng khách khác thì tuyệt nhiên không có ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Với một không gian không lớn và tổng diện tích trưng bày chỉ gần 2000 m2 và với 3 chủ đề lớn: “Phụ nữ trong gia đình”, “Phụ nữ trong lịch sử”, “Thời trang nữ”, tổng cộng hơn 1.000 hiện vật ở hệ thống trưng bày thường xuyên của bảo tàng thực sự dẫn dắt du khách vào hành trình khám phá về những vẻ đẹp đa chiều của người phụ nữ Việt Nam.

Để có hệ thống trưng bày hiện đại, chuẩn mực không thua kém bất cứ bảo tàng nào trên thế giới, ban lãnh đạo và chuyên viên của bảo tàng đã phải làm việc cật lực trong vòng gần 10 năm, trong đó có tới 7 năm làm công tác nghiên cứu khoa học nghiêm túc, từ quan niệm trưng bày, lựa chọn chủ đề, cách kể chuyện, thông tin trên bài viết cho đến thiết kế nội thất, đồ họa, ánh sáng, âm thanh... Bảo tàng có những quy chuẩn riêng, rất nghiêm ngặt trong việc trưng bày. Chỉ riêng bài viết và chú thích hiện vật cũng đòi hỏi phải có sự nghiên cứu nhọc nhằn. Để đảm bảo nội dung thông tin cô đọng, có sức thuyết phục, mỗi bài viết không được quá 1200 ký tự, mỗi chú thích hiện vật không quá 200 ký tự. Viết xong rồi, có nhóm chuyên gia dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp; rồi được một tổ chuyên gia cao cấp hiệu đính, thẩm định... Sau đó, in lên loại gỗ nào, cỡ chữ và kiểu chữ ra làm sao, màu chữ và màu nền gỗ như thế nào... mọi chi tiết đều phải có sự nghiên cứu nghiêm túc chứ không thể làm theo cảm tính. Hệ thống thuyết minh chuyên nghiệp như vậy mất đến 2 năm xây dựng.

Đó là chưa kể những điều “nhỏ nhặt” như bảo tàng xây dựng sự thân thiện với khách tham quan khi không xây dựng hàng rào mà thay bằng đài phun nước thay thế...

Nghiên cứu kỹ mới làm triển lãm

Khi hỏi về nguyên nhân thành công của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bà Nguyễn Hải Vân (Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam) chia sẻ có những yếu tố khách quan thuận lợi như: Bảo tàng nằm ở trung tâm Hà Nội, được sự đầu tư chu đáo của Nhà nước thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, sự hỗ trợ của các chuyên gia và tổ chức nước ngoài... Song, bà Nguyễn Hải Vân nhấn mạnh hai yếu tố chính là cách thức làm bảo tàng mới mẻ và thái độ phục vụ.

Với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, sự hài lòng của khách tham quan là điều tối thượng. Khi triển lãm diễn ra, khách tham quan phàn nàn bất cứ một điều gì như: Cách trưng bày hiện vật, ánh sáng, âm thanh...; cán bộ bảo tàng sẽ xem xét, nếu thực sự chưa tốt lập tức có điều chỉnh thích hợp.

Thái độ phục vụ khách tham quan hết lòng đương nhiên là điều đáng trọng nhưng nếu nội dung các triển lãm nhàn nhạt, “thiếu muối” thì còn lâu Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mới tạo ra thương hiệu là bảo tàng tổ chức nhiều triển lãm có tiếng vang như hiện nay. Bà Nguyễn Hải Vân lấy ví dụ về cuộc trưng bày “Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm-Đẹp-Vui” đầu năm 2012 để thấy rõ sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho một triển lãm của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Để có được triển lãm thờ Mẫu công phu, được khách tham quan đánh giá cao, các cán bộ bảo tàng mất gần 3 năm thực hiện. Công việc không chỉ có sưu tầm hiện vật, mà còn phải nghiên cứu đạo Mẫu một cách nghiêm túc thông qua sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Chỉ có hiểu được đạo Mẫu mới có thể lựa chọn những hiện vật tiêu biểu để trưng bày và có hệ thống thuyết mình bằng chữ, bằng âm thanh, hình ảnh động sinh động, chính xác. Điểm mới mà trưng bày mang lại là một phong cách trưng bày mới, sinh động do ông James Hicks - chuyên gia thiết kế bảo tàng từ Mỹ đảm nhiệm. Thiết kế sử dụng các tấm rèm làm vách ngăn để tạo tuyến tham quan cho người xem. Ngoài ra, trưng bày được sắp xếp thành bốn chủ đề: Mẫu-Tâm-Đẹp-Vui, tương ứng với 4 màu đặc trưng của Tứ phủ: Màu đỏ (Thiên phủ), màu trắng (Thoải phủ), màu vàng (Địa phủ) và màu xanh (Nhạc phủ). Tất cả các tài liệu hiện vật, vật liệu cũng đi theo 4 màu ấy, đòi hỏi sự lựa chọn công phu và ăn khớp.

Không chỉ có trưng bày “Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm-Đẹp-Vui”, mà bất cứ triển lãm chuyên đề nào đều được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nghiên cứu kỹ, xây dựng nội dung trong cả năm trời. Ai đó từng nói, nếu kiên trì và thực tâm trong làm việc chắc chắn sẽ thu được thành quả nào đó. Có lẽ điều này đúng cho trường hợp Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nơi có những con người đam mê với công việc và luôn làm mới chính mình.

HÀM ĐAN

2 nhận xét:

  1. http://musejournal.vn/2013/01/06/bao-tang-phu-nu-viet-nam-luon-lam-moi-chinh-minh/

    em chào chị, em mới chia sẻ bài viết này lên trang Muse Journal, mong chị không phiền. Nếu có bất kỳ điều gì khiến chị không vừa ý em sẽ tháo xuống ngay lập tức ạ :D

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ok. vô tư đi. Nhưng mình là man kh phải woman nhé :)

      Xóa